Nhân lực ngành Du lịch lại 'khát'
Kinh tế dần phục hồi, lĩnh vực du lịch bắt đầu có tín hiệu khởi sắc.

Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn cho khách tham quan tại di tích chùa Thiên Mụ (TP Huế). Ảnh: Quốc Hải
Thế nhưng những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp không khói lại gặp thách thức khi thiếu nhân lực nghiêm trọng.
Doanh nghiệp thiếu nhân lực
Đang bước vào giai đoạn cao điểm phục vụ khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Công ty Cổ phần Vietravel không chỉ tập trung tổ chức tour mà còn khẩn trương lên kế hoạch nhân sự cho mùa du lịch hè. Cụ thể, doanh nghiệp cần tuyển gần 60 vị trí thuộc nhiều lĩnh vực như: Nhân viên kinh doanh khách đoàn, chuyên viên tư vấn du học và định cư, kế toán, tiếp thị truyền thông, nhân viên kinh doanh thị trường tiếng Anh, tiếng Trung...
Tuy nhiên, công tác tuyển dụng gặp không ít khó khăn, đặc biệt các vị trí liên quan đến thị trường quốc tế. Tương tự, trong tháng 4 này, Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour có nhu cầu tuyển thêm 30 lao động ở nhiều vị trí. Đại diện doanh nghiệp cho biết sẵn sàng tiếp nhận sinh viên mới ra trường để đào tạo, với điều kiện ứng viên có tinh thần nhiệt huyết và đam mê nghề.
Tại Sàn giao dịch việc làm ngành Du lịch năm 2025 vừa diễn ra tại TPHCM, gần 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành, nhà hàng, khách sạn đã tham gia tuyển dụng với tổng cộng hơn 1.200 vị trí. Các vị trí gồm: Nhân viên kinh doanh, vận hành tour, buồng phòng, kế toán, marketing, lễ tân, giám sát… Một số doanh nghiệp còn tuyển số lượng lớn thực tập sinh, đi kèm các chính sách đãi ngộ và hỗ trợ nghề nghiệp hấp dẫn dành cho lao động trẻ.
Đại diện Khách sạn Crowne Plaza, bà Nguyễn Thị Kim Thảo - Phó phòng Nhân sự cho biết, đơn vị đang tuyển 30 thực tập sinh làm việc tại Phú Quốc (Kiên Giang). Thực tập sinh được hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng, cung cấp chỗ ở, suất ăn hằng ngày và phương tiện di chuyển phục vụ công việc. Ngoài ra, từ tháng đầu tiên, các bạn còn được hưởng phụ cấp phí phục vụ kinh doanh, với thu nhập dao động từ 3 - 8 triệu đồng/tháng.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, việc tuyển dụng nhân sự sau dịch Covid-19 gặp nhiều thách thức. Nhiều lao động từng làm việc trong ngành du lịch đã chuyển sang lĩnh vực khác sau khi mất việc đột ngột và không có ý định quay lại. Trong khi đó, lực lượng lao động hiện nay phần lớn là sinh viên mới ra trường. Do đó, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí và thời gian để đào tạo lại, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.

Sinh viên ngành Du lịch, Trường Đại học Gia Định đi trải nghiệm thực tế. Ảnh: GDU
Nhân lực cần chuẩn hóa
ThS Nguyễn Văn Vĩnh - Giám đốc chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Gia Định cho hay: Với đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 cùng với nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế ngày càng tăng cao, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch - lữ hành đang không ngừng mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ số.
“Điều này tạo ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt những người có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt và kỹ năng quản lý chuyên nghiệp”, ông Vĩnh nói.
Theo ông Vĩnh, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau như điều hành tour, thiết kế sản phẩm du lịch, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, thậm chí làm việc tại các hãng hàng không, tổ chức sự kiện quốc tế, hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch sáng tạo.
“Sự phát triển về du lịch bền vững, du lịch thông minh và chuyển đổi số trong ngành mở ra nhiều hướng đi mới, đòi hỏi nhà quản trị năng động, nhạy bén với xu thế toàn cầu. Do đó, cơ hội việc làm trong ngành hiện nay không chỉ rộng mở mà còn đầy triển vọng phát triển lâu dài”, ông Vĩnh nói thêm.

Khách tham quan nghe những chiến tích hào hùng của các anh hùng liệt sĩ tại di tích thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Quốc Hải
Tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), số lượng sinh viên theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành mỗi năm khá ổn định, với điểm chuẩn đầu vào ở mức không thấp. Đáng chú ý, phần lớn sinh viên sau tốt nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm với vị trí và mức đãi ngộ tốt. “Nhiều bạn trẻ mới ra trường có thể nhận mức lương cơ bản từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng”, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông chia sẻ.
Trong lĩnh vực du lịch, mức thu nhập phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, vị trí công việc, quy mô doanh nghiệp, khu vực địa lý… Đây là ngành dịch vụ nên theo bà Dung, nhân sự thường làm việc cả dịp lễ, Tết. Do đó, mức đãi ngộ cao hơn, tùy theo chính sách của từng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh ngành Du lịch phục hồi mạnh mẽ, bà Dung nhấn mạnh, sinh viên không chỉ cần vững chuyên môn mà phải biết vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế, tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, HUTECH đã thiết kế chương trình đào tạo cân bằng giữa lý thuyết và thực hành.
Sinh viên được học bài bản kiến thức về địa lý du lịch, văn hóa - lịch sử vùng miền, đồng thời thực hành nghiệp vụ hướng dẫn. Ngoài ra, nhà trường đưa vào giảng dạy các xu hướng mới như thương mại điện tử trong du lịch, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, triển lãm), phát triển du lịch bền vững... giúp sinh viên khai thác hiệu quả công nghệ và mạng xã hội, biết cách thiết kế tour phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Số liệu từ Sở Du lịch TPHCM cho thấy, lượng khách quốc tế đến thành phố trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khách du lịch nội địa đến TPHCM đạt hơn 8,5 triệu lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng doanh thu gần 3 tháng, du lịch TPHCM thu về 56.662 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ (quý I/2024 thu về 44.710 tỷ đồng).