Nhãn lồng Hưng Yên sẵn sàng chinh phục thị trường Nhật Bản

Thời điểm này, các vùng trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bước vào vụ thu hoạch. Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng đã sẵn sàng xuất khẩu nhãn sang thị trường nước ngoài.

Thành viên của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chăm sóc những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Thành viên của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chăm sóc những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn. Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 4.600ha nhãn; trong đó có trên 30% diện tích được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, với sản lượng trung bình trên 46.000 tấn.

Đến thời điểm này, tỉnh Hưng Yên có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuộc Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, với diện tích là 27,2ha, sản lượng ước tính 350 tấn/năm đã đáp ứng theo quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng (TTCS 774:2020/BVTV).

Phó Giám đốc Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu Nguyễn Văn Biết chia sẻ, mong muốn lớn nhất của các thành viên trong hợp tác xã là tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, có giá hợp lý, giúp các thành viên có thu được giá trị kinh tế lớn từ cây nhãn.

Chính vì vậy, các thành viên trong hợp tác xã luôn chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, canh tác tiên tiến, đăng ký mã vùng trồng, sẵn sàng đưa sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đến nay, sản lượng nhãn quả vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của hợp tác xã đạt trung bình 350 tấn/năm, đáp ứng theo quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Biết, với thị trường khó tính như Nhật Bản, hợp tác xã đã yêu cầu các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, ưu tiên sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đáp ứng thời gian cách ly trước khi thu hoạch để bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

"Chúng tôi tin sản phẩm nhãn của Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu có thể xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản. Từ đó, sẽ mở rộng cơ hội để nhãn lồng Hưng Yên thâm nhập vào các thị trường tiềm năng khác", ông Nguyễn Văn Biết cho hay.

Thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm đối với vùng nhãn phục vụ xuất khẩu của Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu. Kết quả, 100% các chỉ tiêu đạt yêu cầu, sẵn sàng phục vụ xuất khẩu.

Năm nay, chất lượng và năng suất nhãn của Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu được đánh giá cao hơn năm trước do các thành viên đã chủ động trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, áp dụng quy trình quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xác định Nhật Bản là thị trường lớn, tiềm năng, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, tỉnh Hưng Yên đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường Nhật Bản, đặc biệt là quả nhãn tươi.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Thắng chia sẻ, Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng khắt khe về các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là đối với thực phẩm và hoa quả nhập khẩu. Đây là thị trường khó tính nhưng nếu chinh phục được, thâm nhập thành công sẽ tạo uy tín rất lớn cho sản phẩm mở rộng sang các thị trường quốc tế khác.

Vì thế, tỉnh Hưng Yên xác định nhãn lồng Hưng Yên đã thâm nhập được 1 số thị trường quốc tế quan trọng như Mỹ, Australia thì cần thiết phải chinh phục được thị trường Nhật Bản để mở rộng cơ hội chinh phục thị trường thế giới.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá và cơ cấu lại các giống nhãn, vùng trồng nhãn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án xúc tiến thương mại xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2021-2025; xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản vừa đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, thương nhân có uy tín xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản để sớm giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên với người tiêu dùng Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức sự kiện sẽ được livestream trực tiếp nhằm quảng bá sản phẩm nhãn và các nông sản tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng mạng xã hội; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh kênh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử; duy trì các kênh bán hàng qua hệ thống chuỗi các cửa hàng an toàn, siêu thị; tạo kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, nhà vườn.

Ngoài ra, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục hướng dẫn các hộ dân tuân thủ và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, kỹ thuật thu hái, bảo quản, đóng gói nhãn theo yêu cầu của các đầu mối thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, mặc dù tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn nhưng chưa hình thành được những vùng sản xuất nhãn tập trung (có diện tích trên 20ha). Hiện nay, vùng trồng nhãn ở Hưng Yên chủ yếu là các vườn trồng xen trong các hộ gia đình, điều này đã tạo ra điểm yếu vì quả nhãn không có sự đồng đều về chất lượng, bởi vườn mỗi nhà sẽ chăm sóc một cách khác nhau.

Do vậy, để trái nhãn lồng Hưng Yên chinh phục được thị trường quốc tế thì việc đầu tiên Hưng Yên phải làm là tạo ra được vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn.

Quang Nhiều (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhan-long-hung-yen-san-sang-chinh-phuc-thi-truong-nhat-ban-20240806081611815.htm
Zalo