Nhân lên số lượng đoàn viên Công đoàn

Xác định tổ chức Công đoàn có phát triển vững mạnh thì phải có số lượng đoàn viên và Công đoàn cơ sở lớn, đảm bảo chất lượng. Vì vậy, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh rà soát, tuyên truyền, vận động, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS).

Bám sát sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Kết quả, từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập được 269 CĐCS, phát triển 15.820 đoàn viên, trong đó có 243 CĐCS (đạt 69,4%) doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 14.266 đoàn viên Công đoàn (đạt 47,5%). Riêng trong Tháng Công nhân, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập 72 CĐCS và kết nạp 2.820 “Lớp đoàn viên Tháng Năm”.

LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tổ chức ra mắt các CĐCS trong năm 2024.

LĐLĐ quận Nam Từ Liêm tổ chức ra mắt các CĐCS trong năm 2024.

Chia sẻ về các giải pháp để triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS tại đơn vị, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp cho biết, để thu hút được nhiều đoàn viên Công đoàn, LĐLĐ quận đã phối hợp với các phòng, ban, ngành thuộc quận như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục thuế, Bảo hiểm xã hội, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các phường... để tuyên truyền cho người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn quận hiểu rõ hơn về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, chức năng nhiệm vụ cơ bản của tổ chức Công đoàn… Từ đó, người lao động tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động đồng ý thành lập CĐCS tại đơn vị.

Theo Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Kim Điệp, việc kết nạp đoàn viên Công đoàn được thực hiện ở 2 loại hình là ở đơn vị đã có CĐCS và kết nạp đoàn viên Công đoàn từ việc thành lập mới các CĐCS. Với đơn vị đã có tổ chức CĐCS, LĐLĐ quận lập danh sách, lên kế hoạch làm việc với các CĐCS trực thuộc, yêu cầu CĐCS báo cáo về tình hình đoàn viên, người lao động của đơn vị. Trên cơ sở đó, đối với những CĐCS còn lao động chưa gia nhập tổ chức Công đoàn, LĐLĐ quận chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS tuyên truyền, vận động người lao động hiểu về tổ chức Công đoàn, những quyền, lợi ích của người lao động khi là đoàn viên Công đoàn.

Đối với việc kết nạp đoàn viên Công đoàn từ việc thành lập mới các CĐCS, căn cứ số liệu các doanh nghiệp đang nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng năm tại Bảo hiểm xã hội quận và doanh nghiệp đang nộp thuế tại Chi cục thuế của quận; LĐLĐ quận đã phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, Chi cục thuế của quận tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. LĐLĐ quận đã chủ động xây dựng bộ tài liệu mẫu để hướng dẫn người lao động, các doanh nghiệp thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS một cách dễ dàng; thực hiện thẩm định hồ sơ, ra các quyết định kết nạp đoàn viên, CĐCS và các chức danh Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cho các CĐCS mới thành lập.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mà tại các doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành CĐCS cũng đã và đang tập trung triển khai hiệu quả công tác phát triển đoàn viên. Đơn cử như tại Công ty TNHH K+K Fashion, bà Trần Thị Dung - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty luôn xác định tổ chức Công đoàn tại cơ sở có mạnh thì phải có nhiều đoàn viên và đoàn viên phải đảm bảo chất lượng. Chính vì thế, thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã bám sát sự chỉ đạo của Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và tập trung phát triển đoàn viên với những cách làm cụ thể.

Theo đó, khi người lao động nộp đơn xin vào làm việc tại Công ty, Công đoàn sẽ tham gia phỏng vấn, tuyên truyền, giải đáp đầy đủ các quy định chung của Công ty và tổ chức Công đoàn, hình thức tổ chức tuyên truyền theo tập thể, nhóm, hoặc từng cá nhân. Qua đó, giúp người lao động nắm rõ các quy định, quyền lợi khi làm việc tại Công ty và tham gia tổ chức Công đoàn. Khi người lao động vào làm việc tại Công ty, cán bộ Công đoàn sẽ tiếp cận, nắm bắt thông tin cá nhân, điều kiện, hoàn cảnh gia đình, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, vận động người lao động làm đơn xin gia nhập tổ chức Công đoàn. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty sẽ tổ chức Lễ kết nạp ấn tượng, để lại kỷ niệm sâu sắc, khó quên cho đoàn viên; đồng thời, đề nghị Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội cấp thẻ và trao thẻ cho đoàn viên theo quy định.

Sau Lễ kết nạp và được nhận thẻ đoàn viên, đoàn viên được biên chế về từng tổ, bộ phận và sinh hoạt theo quy định của đơn vị. Cán bộ Công đoàn tiếp tục kèm cặp, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; tuyên truyền về Nghị quyết Ban Chấp hanh Công đoàn, chương trình công tác năm, đặc biệt là tuyên truyền về 9 quyền và 5 nhiệm vụ của đoàn viên quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam; định kỳ đánh giá sự phấn đấu của đoàn viên tại các buổi sinh hoạt tại tổ, giúp đoàn viên mới tự tin, yên tâm lao động sản xuất.

“Từ việc triển khai bài bản cách làm này, hằng năm, Công đoàn Công ty kết nạp mới từ 150 - 200 đoàn viên, đạt về số lượng Công đoàn cấp trên giao và đảm bảo về chất lượng đoàn viên tại cơ sở. Nhiều năm liền, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty được Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội và LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là trong công tác phát triển đoàn viên”, bà Trần Thị Dung nhấn mạnh.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhan-len-so-luong-doan-vien-cong-doan-172324.html
Zalo