Nhân lên khát vọng hòa bình trong kỷ nguyên mới

Thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động. Bao quát toàn cục, xu hướng chủ yếu vẫn là hợp tác, hòa bình, hữu nghị.

Nhưng chiến tranh, xung đột, căng thẳng leo thang, cảnh báo bên bờ vực Thế chiến thứ III. Những thách thức dai dẳng: đói nghèo, biến đổi khí hậu, tội phạm, di cư, dịch bệnh… vẫn hiện hữu.

Ngay lúc này, tại Trung Đông, Bắc Phi, 2 miền Triều Tiên, Đông Âu, Mỹ La tinh, một số nước khu vực ASEAN… bom đạn vẫn ác liệt, vang rền. Hai tiếng hòa bình thiêng liêng, cao quý bị giễu cợt và đả bại không thương tiếc.

Thiêng liêng 2 tiếng hòa bình

Hòa bình theo Wikipedia tiếng Việt là “tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp pháp giữa các quốc gia-dân tộc, giữa người với người, là khát vọng của toàn nhân loại”.

 Việt Nam tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Nguyễn Trung Trực/happy.vietnam.vn

Việt Nam tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Nguyễn Trung Trực/happy.vietnam.vn

Sau Thế chiến thứ II, ngày 24-10-1945, Liên hợp quốc được thành lập với 51 thành viên đầu tiên, có sứ mệnh thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế. Tổ chức này tiếp tục phát triển và mở rộng vai trò qua các thời kỳ lịch sử, tham gia vào các nỗ lực giải quyết xung đột, phòng ngừa xung đột và thúc đẩy phát triển toàn cầu.

Năm 2025, Liên hợp quốc kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập và Việt Nam kỷ niệm 80 năm thành lập nước. Vì tương lai phát triển Liên hợp quốc và thế giới, kể từ mùa thu độc lập đầu tiên, Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, phát triển và thịnh vượng. Không chỉ cho mình, Việt Nam còn tích cực, chủ động góp sức vào hòa bình khu vực và thế giới, trong đó có hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trong thế kỷ XX, Việt Nam là nước trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất thế giới, chống 2 đế quốc xâm lược là Pháp và Mỹ. Sau năm 1975, Việt Nam còn trải qua 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược ở biên giới phía Bắc và Tây Nam.

Khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, 2 miền Nam-Bắc bị chia cắt và sông Bến Hải thành ranh giới tạm thời. Cũng từ đó, biết bao đau thương, mất mát, cả nghịch cảnh éo le đã xảy ra.

“Bên ven bờ Hiền Lương/Chiều nay ra đứng trông về/Mắt đượm tình quê”. Bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” do nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác năm 1956 vang lên là thêm một lần trong ta rưng rưng xúc động trước tình cảm quê hương, nỗi đau chia cắt hai miền, chia cắt lứa đôi cùng ước mong cháy bỏng đất nước hòa bình, Bắc-Nam sum họp.

Nhiều năm chìm đắm trong chiến tranh nên mỗi người dân Việt Nam ý thức đầy đủ giá trị của hòa bình. Sau ngày 30-4-1975, ba tôi quyết định: “Hòa bình rồi, về quê ăn muối cũng ngon”, dù nơi tạm lánh chiến tranh lúc đó tốt hơn ở quê gấp nhiều lần. Có trải qua chiến tranh mới thấy hòa bình trở thành khát vọng cháy bỏng. Và, có hòa bình mới có quê hương đúng nghĩa.

Hòa bình mở ra cơ hội

Nhiều thời điểm trong lịch sử dân tộc, thời gian ngưng tiếng súng ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm bủa vây, đặt trách nhiệm nặng nề lên đôi vai chính quyền non trẻ. Nhưng bằng trí tuệ và bản lĩnh, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt hóa giải thành công.

Bước sang năm 1946, tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Với sách lược hòa với Tưởng để đánh Pháp, hòa với Pháp để đuổi Tưởng, chúng ta tranh thủ thời gian hòa hoãn, hòa bình ngắn ngủi để chuẩn bị điều kiện cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, trước khi “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

 Khoảnh khắc hạnh phúc giản dị của em bé vùng cao Việt Nam. Ảnh BTC cuộc thi VN hạnh phúc

Khoảnh khắc hạnh phúc giản dị của em bé vùng cao Việt Nam. Ảnh BTC cuộc thi VN hạnh phúc

Chỉ hòa bình, ổn định, đất nước mới có điều kiện phát triển, lớn mạnh; Nhân dân mới có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Đây không phải lý thuyết mà là vấn đề có tính quy luật khi đề cập đến những thắng lợi to lớn của chúng ta trong quá khứ cũng như hiện tại.

Năm 2024, Việt Nam có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Chúng ta triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Ưu tiên tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” và “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”.

Tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội. Chủ động phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác.

Với Gia Lai, kinh tế-xã hội tiếp tục có sự chuyển biến; phần lớn các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp theo hướng tiêu chuẩn tiếp tục phát triển mạnh. Chương trình OCOP được quan tâm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, góp phần phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng. Du lịch tăng trưởng mạnh. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ... có mặt trên thị trường 40 quốc gia.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục có bước phát triển. Chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được chú trọng thực hiện. Đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. Công tác đối ngoại được tăng cường; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, nhất là các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm và trong cả nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh.

Cho mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên mới

Dù đạt kết quả toàn diện và quan trọng nhưng trong 21 chỉ tiêu, Gia Lai có 4 chỉ tiêu không đạt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) chưa đạt như kỳ vọng, cùng một số khó khăn, vướng mắc khác.

Với một tỉnh miền núi giàu tiềm năng nhưng chậm phát triển, bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Gia Lai có thêm cơ hội nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất lớn.

Đảng ta xác định kỷ nguyên mới là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng. Đích đến là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.

Những thành tựu đạt được sau 40 năm đổi mới là cơ sở cho mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, giúp Việt Nam có đủ thế và lực, cũng như tận dụng cơ hội mới để bứt phá tiến lên nhằm đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, mục tiêu 100 năm thành lập nước.

Cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Trung ương tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc năm 2025 và tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế.

Những ngày cuối năm cũ, công tác tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị các cấp càng gấp gáp, khẩn trương. Đây là cuộc đại phẫu, phải “vừa chạy vừa xếp hàng” như cách nói của Tổng Bí thư Tô Lâm, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng của Đảng, chỉ có tiến không có lùi. Tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ thể hiện từ tinh thần thống nhất quyết liệt, cách làm, tiến độ, yêu cầu hoàn thành trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng diễn ra.

Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, thế giới từng cho rằng, cạnh tranh, chèn ép kinh tế đủ làm cho đối phương suy yếu, kiệt quệ. Tuy nhiên, quan niệm đó đã nhanh chóng lạc hậu, bị thực tế cười nhạo và vùi dập.

Cùng với văn minh và tiến bộ, bom đạn tiếp tục vang rền dữ dội tại nhiều nơi. Bàn cờ chính trị thế giới liên tục thay đổi. Hàng triệu người Palestine, Nga, Ukraine, Syria, Lebanon, Yemen, Iran, Myanmar… thiệt mạng và sinh mệnh hàng triệu người khác đang bị đe dọa bởi chiến tranh chết chóc, hủy diệt. Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực cùng các nước lớn nỗ lực kéo các bên đến bàn đàm phán nhưng hòa bình vẫn bị thách thức, vẫn là khát vọng xa vời đối với bao số phận tội nghiệp.

Chúng ta đã phấn đấu không mệt mỏi để có hòa bình. Và, không gì có thể ngăn cản chúng ta bảo vệ thành quả hòa bình và phát triển. Được sống trong hòa bình với khát vọng hòa bình, chắc chắn mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên mới của chúng ta sớm đơm hoa thắng lợi.

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhan-len-khat-vong-hoa-binh-trong-ky-nguyen-moi-post308438.html
Zalo