Nhân lên các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, đi đầu trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Người có uy tín (NCUT), nhân sỹ trí thức và doanh nhân dân tộc thiểu số là những người sinh sống, làm việc, có các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, gồm nhiều thành phần như: Già làng, trưởng thôn bản, cán bộ nghỉ hưu, người sản xuất kinh doanh giỏi, nhà giáo, bác sỹ, nghệ sỹ, nghệ nhân, thầy thuốc,... Họ luôn phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, làm cầu nối giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở với người dân, liên hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân, tạo việc làm cho nhiều người dân.

Ông Nguyễn Thế Anh (ngồi thứ hai từ trái sang) là người có uy tín thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở khu dân cư

Ông Nguyễn Thế Anh (ngồi thứ hai từ trái sang) là người có uy tín thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế ở khu dân cư

Trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội thì đội ngũ NCUT luôn là tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng; có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có vị trí quan trọng, có sức ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa trong cộng đồng dân cư; tích cực tham gia phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và bộ máy chính quyền. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình trong công tác này là ông Phùng Văn Hòa là người có uy tín khu Kẹm, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn. Bản thân ông Hòa luôn gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tấm gương trong mô hình gia đình học tập, tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư. Hay như ông Nguyễn Thế Anh là người có uy tín thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn - nguyên là Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ: Tuy đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn còn khỏe nên tiếp tục tham gia công tác mặt trận tại khu dân cư, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường khu 19/5, thị trấn Thanh Sơn. Bản thân ông Anh luôn là người có uy tín, cán bộ cốt cán tiêu biểu ở địa phương, gia đình là tấm gương sáng trong mô hình Gia đình học tập, tham gia công tác hội, đoàn thể ở khu dân cư, tích cực, trách nhiệm, được Nhân dân yêu quý...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023, vùng địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các cuộc vận động như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2026"; tu bổ, chăm sóc, duy trì “Đoạn đường hoa xanh, sạch, đẹp, an toàn giao thông; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, quản lý có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; duy trì và mở rộng các mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; “Khu phố bình yên, gia đình hạnh phúc”; “Lò đốt rác gia đình”; “Đường tự quản”; “Thắp sáng đường quê”,...

Từ các phong trào, cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội có hiệu quả, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như anh Trần Văn An - người dân tộc Mường, khu Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, đã hiến 435m2 đất ruộng xây dựng Cầu vượt lũ Đống Cả, ủng hộ ngày công, vận động bà con Nhân dân ủng hộ Nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án đề ra.

Anh Trần Văn An (đứng giữa) - người dân tộc Mường, khu Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn là một điển hình tiêu biểu tự nguyện hiến gần 450m2 đất trồng lúa để làm cầu vượt lũ Đống Cả

Anh Trần Văn An (đứng giữa) - người dân tộc Mường, khu Dụ, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn là một điển hình tiêu biểu tự nguyện hiến gần 450m2 đất trồng lúa để làm cầu vượt lũ Đống Cả

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn Lê Cao Cường: “Bằng những nỗ lực của chính quyền địa phương, sự chung tay ủng hộ các tập thể và đặc biệt là các cá nhân điển hình trên địa bàn xã như anh Trần Văn An, tinh thần tự nguyện hiến đất làm đường đã được lan tỏa mạnh mẽ, mặt bằng được giải tỏa nhanh chóng trong việc hiến đất làm cầu, giúp cho việc đi lại của Nhân dân thuận lợi hơn rất nhiều”.

Hay như tấm gương của ông Hà Đức Kiểm - khu Măng 2, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, năm 2021 đã vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường với chiều dài 900m, năm 2022 vận động 25 hộ dân trong khu tham gia hiến 1.000m2 đất làm đường giao thông liên xóm,...

Với những thành tích đó, tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cá nhân như ông Phùng Văn Hòa, ông Nguyễn Thế Anh, anh Trần Văn An đã được biểu dương, tôn vinh và khen thưởng vì có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển dân tộc của tỉnh giai đoạn 2021-2023.

Bằng những đóng góp và vai trò quan trọng của các điển hình tiên tiến người dân tộc thiểu số đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, diện mạo nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng từng bước được đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhan-len-cac-dien-hinh-tien-tien-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-222483.htm
Zalo