Nhân dịp 20/11, nghĩ về sứ mệnh và trọng trách của nhà giáo trong kỷ nguyên mới

Trong kỷ nguyên công nghệ, trí tuệ nhân tạo có thể đạt đến đỉnh cao, nhưng nhà giáo vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò không thể thay thế.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp đặc biệt để tôn vinh những nhà giáo đã và đang miệt mài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đây không chỉ là ngày để người học và xã hội bày tỏ lòng biết ơn, mà còn là dịp để cùng nhìn lại những giá trị trường tồn của một nghề cao quý và nhân văn. Đồng thời, khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đến đỉnh cao, chúng ta cũng cần nhận diện chân dung của nhà giáo trong kỷ nguyên mới.

Giá trị trường tồn

Nhà giáo đích thực không phải là người chỉ có nhiệm vụ đi truyền đạt kiến thức, mà còn là người truyền cảm hứng, khơi gợi đam mê học hỏi và giúp người học phát triển toàn diện bản thân, phát huy được năng lực và tố chất cá nhân... Những phẩm chất nổi bật của một nhà giáo đúng nghĩa có thể kể như:

Thứ nhất là tận tâm với nghề. Dù cho bất cứ thời nào, hoàn cảnh ra sao, đã dấn thân vào nghề giáo là phải tận tâm. Có lẽ sự tận tâm là nét đẹp điển hình của nhà giáo thể hiện qua việc sẵn sàng dành thời gian, công sức để lắng nghe, hỗ trợ người học.

Là nhà giáo, việc trước tiên là không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao chất lượng từng bài giảng, tiết thực hành, dù có phải đối mặt với áp lực, với thách thức...

Khi đã yêu nghề, nhà giáo sẵn sàng dấn thân thử nghiệm phương pháp/ kĩ thuật mới để người học có những trải nghiệm học tập tốt nhất.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Thứ hai là tình yêu thương người học. Người học là những cá nhân cần được giáo dục và nhà giáo là người luôn yêu thương, tạo cảm hứng; đồng thời nhờ tình yêu thương, nên người học cũng là động lực giúp nhà giáo vượt qua khó khăn khi hành nghề.

Nhà giáo là người bạn lớn đối với người học, luôn sẵn sàng chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ, tạo môi trường học tập lành mạnh để cùng phát triển toàn diện.

Thứ ba là kiên nhẫn và định hướng. Kiên nhẫn là yếu tố rất quan trọng của nhà giáo; kiên nhẫn giải thích, nhắc nhở và hướng dẫn, không chỉ tri thức mà còn về đạo đức, lối sống...

Khi người học hình thành được những giá trị nhân văn, biết trân trọng và yêu thương thiên nhiên, yêu quý mọi người, cũng đồng nghĩa với sứ mệnh cao cả của nhà giáo đã phát huy, chứ không hẳn chỉ đo lường qua thành tích đỗ đạt.

Thứ tư là học hỏi không ngừng nghỉ và khiêm tốn. Nhà giáo đích thực là người không bao giờ ngừng học hỏi, luôn sẵn sàng mở rộng kiến thức để hoàn thiện bản thân.

Nhà giáo luôn hiểu rằng thế giới không ngừng thay đổi và vì vậy, giáo dục cũng cần cập nhật để phù hợp với thời đại mới.

Chính vì vậy, nhà giáo đích thực là một chuyên gia về một hoặc một số lĩnh vực chuyên môn, nhưng cũng là người luôn thể hiện sự khiêm tốn, không ồn ào khoe khoang thành tích…

Thứ năm là tinh thần truyền cảm hứng. Giáo dục là nhiệm vụ khơi mở tiềm năng, chắp cánh ước mơ cho người học, do vậy nhà giáo là người dẫn dắt, định hướng tạo cảm hứng giúp người học dám ước mơ và sẵn sàng hành động để biến những ước mơ thành hiện thực.

Nhà giáo không chỉ định hướng cho người học cái cần học và học bằng cách nào, mà còn giải thích được tại sao nhằm giúp người học hình thành tư duy độc lập và ý thức tự giác; song cao hơn vẫn là vận dụng kiến thức vào thực tế và phát triển những ý tưởng mới…

Kỷ nguyên mới, trọng trách càng thiêng liêng

Kỷ nguyên mới là thời đại công nghệ, đặc biệt là bùng nổ trí tuệ nhân tạo. Xã hội đang đối diện với một câu hỏi lớn, đó là liệu Nhà giáo trong tương lai có còn tồn tại hay không?

Với khả năng xử lí dữ liệu nhanh chóng và phân tích sâu rộng, AI có thể hỗ trợ và thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong giáo dục.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nhà giáo không mất đi sứ mệnh cao cả mà trọng trách càng thiêng liêng hơn.

Chân dung nhà giáo tương lai sẽ không còn chỉ là một chuyên gia truyền đạt kiến thức, mà nhà giáo mới với trọng trách mới, phù hợp với thời đại công nghệ hơn. Có thể điểm qua một số đặc điểm sau:

Thứ nhất là hợp tác tốt với công nghệ. Nhà giáo tương lai không chỉ am hiểu về công dụng của AI mà còn phải biết cách hợp tác cùng AI. Tận dụng AI để tối ưu hóa quá trình giảng dạy, cá nhân hóa từng lộ trình học tập cho người học.

AI có thể hỗ trợ nhà giáo trong việc đánh giá, phân tích tiến bộ của từng người học, giúp đưa ra phương pháp, kĩ thuật dạy học phù hợp hơn. Tuy nhiên, trên tất cả nhà giáo vẫn phải là người quyết định và đưa ra chiến lược giáo dục phù hợp.

Thứ hai là sáng tạo và phản biện. Với sự hỗ trợ của AI, kiến thức cơ bản sẽ trở nên dễ dàng tiếp cận hơn. Vì vậy, vai trò của nhà giáo sẽ chuyển sang khuyến khích người học phát triển tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, thứ mà AI khó có thể thay thế hoàn toàn.

Nhà giáo sẽ đóng vai trò kích thích tư duy, khơi gợi để người học suy nghĩ khác biệt, vượt qua giới hạn của kiến thức đơn thuần để sáng tạo ra những ý tưởng mới.

Thứ ba là nuôi dưỡng nhân cách và kĩ năng xã hội. AI có thể giúp người học về học thuật, nhưng giáo dục đạo đức, kĩ năng xã hội luôn cần vai trò của nhà giáo. Nhà giáo tương lai không chỉ dạy kiến thức mà còn giúp người học phát triển kĩ năng xã hội, biết tôn trọng, chia sẻ và làm việc nhóm. Điều này sẽ là hành trang quan trọng cho người học khi bước vào cuộc sống và làm việc trong môi trường công nghệ phức tạp.

Thứ tư là thấu hiểu tâm lý và đồng cảm. Dù AI có thể phân tích dữ liệu và đưa ra các giải pháp hỗ trợ giáo dục, nhưng khó có thể thay thế hoàn toàn khả năng thấu hiểu cảm xúc con người. Nhà giáo tương lai sẽ phát triển sâu sắc khả năng đồng cảm, thấu hiểu tâm lý để hỗ trợ người học vượt qua những khó khăn cá nhân, đặc biệt là khi người học đối mặt với áp lực xã hội, học tập và công nghệ. Những vấn đề liên quan đến “bệnh” của thời đại công nghệ, thầy giáo tương lai sẽ là “thầy thuốc” để “chữa lành”.

Thứ năm là truyền năng lượng tích cực. Yếu tố quan trọng của nhà giáo mà AI khó có thể thay thế đó chính là khả năng truyền động lực sống và làm gương cho người học.

Nhà giáo không chỉ là một người hướng dẫn mà còn là hình mẫu cho người học noi theo. Họ dạy người học sống có trách nhiệm, có ước mơ, biết phấn đấu và vượt qua khó khăn.

Nhà giáo tương lai sẽ phải gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp, để không chỉ truyền tri thức mà còn truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho người học.

Văn hóa học đường dù ở thời đại nào thì vẫn phải là môi trường trong lành nhất, và nhà giáo vẫn phải là người săn sóc, bảo vệ để gìn giữ và truyền cảm hứng để người học cùng tham gia, đồng thời lan tỏa những giá trị đó làm cho môi trường xã hội của địa phương cũng như môi trường toàn cầu ngày càng tốt đẹp hơn.

Tóm tại, nghề giáo có tự bao đời và bao đời nay vẫn được xem là một nghề cao quý; với sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng con người và xã hội.

Những nét đẹp của nghề giáo như lòng yêu thương, sự tận tâm, kiên nhẫn, tinh thần học hỏi và truyền cảm hứng… sẽ mãi mãi là giá trị trường tồn.

Trong kỷ nguyên công nghệ, trí tuệ nhân tạo có thể đạt đến đỉnh cao, nhưng nhà giáo vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò không thể thay thế.

Nhà giáo sẽ có trọng trách kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, khả năng làm chủ công nghệ và trái tim nhân hậu để dẫn dắt thế hệ trẻ trong một thế giới đầy biến động.

Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để mọi người nhắc nhở nhau về những giá trị đó. Tôn vinh nhà giáo là tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc, tôn vinh sứ mệnh cao cả để làm thay đổi cuộc sống tốt đẹp.

Cho dù kỷ nguyên công nghệ với trí tuệ nhân tạo có phát triển đến đâu thì nhà giáo vẫn sẽ luôn là nguồn sáng, là biểu tượng của tri thức và nhân cách, AI khó có thể thay thế.

Hướng Sáng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhan-dip-2011-nghi-ve-su-menh-va-trong-trach-cua-nha-giao-trong-ky-nguyen-moi-post246850.gd
Zalo