Nhận định nguy cơ Iran và Israel đối đầu trực diện

Theo các chuyên gia, căng thẳng Iran và Israel khó có thể leo thang.

Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng xung đột giữa Iran và Israel có thể leo thang. Hiện tại, hai nước đã thực hiện các cuộc tấn công qua lại, với việc Israel nhắm vào các lãnh đạo Iran, trong khi các lực lượng ủy nhiệm được hậu thuẫn bởi Tehran liên tục công kích nhiều khu vực của đối thủ. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia này khó xảy ra do nhiều yếu tố chiến lược và địa lý.

Về năng lực quân sự, Iran thua kém Israel cả về khả năng tấn công lẫn phòng thủ, nên khó có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Ngược lại, Israel có khả năng tấn công chính xác, nhưng thiếu nguồn lực cần thiết cho một cuộc chiến quy mô lớn với Iran.

Cả hai nước cũng cách xa nhau về mặt địa lý, với khoảng cách lên đến 1.000 dặm (hơn 1.600 km) từ trung tâm Israel đến Tehran. Điều này khiến cho việc triển khai các cuộc tấn công trên bộ lẫn trên biển trở đều gặp khó khăn.

Có nhiều yếu tố ngăn cản cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel. Ảnh: The Conversation

Có nhiều yếu tố ngăn cản cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran và Israel. Ảnh: The Conversation

Ngoài ra, giữa Iran và Israel là nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Jordan và Ả Rập Saudi, với quan hệ phức tạp với cả hai bên. Một số quốc gia này có thể hỗ trợ về việc cho phép lực lượng đi qua, nhưng không có sự cam kết chắc chắn.

Chẳng hạn, dù là đồng minh quan trọng của Israel, Vua Abdullah II của Jordan khó co thể hoàn toàn hỗ trợ Tel Aviv do sự phản đối của người Palestine tại quốc gia này. Jordan đã hỗ trợ Israel bắn hạ máy bay không người lái của Iran vào ngày 13/4, nhưng khẳng định động thái này chỉ để nhằm bảo vệ không phận của mình.

Tương tự, Syria phụ thuộc vào Iran, nhưng Tổng thống Bashar al-Assad tránh đối đầu trực tiếp với Israel do bài học từ những thất bại trong quá khứ. Do đó, Syria đã ngăn Iran tiến hành các cuộc tấn công lớn vào Israel từ lãnh thổ của mình.

Tất cả những yếu tố này khiến cho một cuộc chiến tranh mở rộng giữa Iran và Israel khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần.

Việc thực hiện một cuộc tấn công trên bộ giữa Israel và Iran là điều gần như không thể. Để tấn công Iran, Israel sẽ gặp khó khăn khi phải di chuyển qua Jordan hoặc Syria và Iraq. Với việc kích thước Iran lớn gấp 80 lần Israel, dù Tev Aviv gửi một nửa quân đội của mình, họ cũng không đủ khả năng duy trì hoặc kiểm soát lãnh thổ Iran do khoảng cách địa lý lớn và sự phân tán của các mục tiêu.

Israel có thể tiến hành các cuộc đột kích quy mô nhỏ bằng đường không nhằm phá hủy các cơ sở quan trọng của Iran, nhưng không thể duy trì lực lượng chiếm đóng mà không có tuyến đường tiếp tế vững chắc.

Một cuộc tấn công bằng đường biển cũng sẽ gặp khó khăn khi Israel thiếu năng lực tấn công đổ bộ và các phương tiện không quân cần thiết để duy trì sự hiện diện trên đất Iran. Hơn nữa, việc duy trì lực lượng hải quân sẽ khó khăn trước các cuộc không kích của Iran và những mối đe dọa từ Houthi tại tuyến đường qua các eo biển.

Ngược lại, Iran cũng không thể tiến hành một cuộc tấn công Israel. Để tấn công trên bộ, Iran sẽ phải vượt qua Syria và Iraq trong khi tiềm lực quân đội không đủ mạnh. Tehran biết điều này và tránh đưa quân đội chủ lực đến gần Damascus, thay vào đó dựa vào lực lượng dân quân từ Afghanistan, Iraq, Pakistan và Syria để tấn công Israel. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của lực lượng dân quân sẽ bị Israel ngăn chặn dễ dàng do sự thiếu hụt về trang bị và kinh nghiệm chiến đấu.

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công trước đây của Israel vào Lebanon đã làm suy yếu Hezbollah, một trong những lực lượng răn đe chính của Tehran chống lại Tel Aviv.

Hải quân Iran sẽ gặp nhiều thách thức lớn trong các cuộc đối đầu với lực lượng Israel và đối mặt với khó khăn về hậu cần do cần vận chuyển quân qua hành trình dài quanh Châu Phi.

Theo một số chuyên gia, xung đột giữa Iran và Israel chủ yếu sẽ diễn ra trên không với các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái. Cả hai nước đều gặp những hạn chế nghiêm trọng về quân sự và địa lý. Israel có thể tấn công các mục tiêu quan trọng của Iran bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, với số lượng giới hạn và tầm bắn hạn chế của máy bay chiến đấu, Tel Aviv khó có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn mà không cần tiếp thêm nhiên liệu.

Về phía Iran, lực lượng không quân của nước này kém xa Israel, với nhiều máy bay cũ kỹ và không có máy bay tiếp nhiên liệu chuyên dụng. Iran phải dựa vào tên lửa và máy bay không người lái để tấn công Israel, nhưng các cuộc tấn công trước đây của quốc gia này đã không gây ra thiệt hại đáng kể cho đối thủ. Dù nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đồng minh, chẳng hạn là Nga, tên lửa của Iran vẫn chưa thực sự cải thiện về khả năng sống sót và sức sát thương.

Cả hai bên đều có những tính toán chiến lược thận trọng. Iran hiểu rõ những bất lợi so với Israel nếu hai bên tiến hành chiến tranh trực diện. Trong khi đó, dù có khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, Israel vẫn ngần ngại vì lo sợ nước này sẽ từ bỏ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân và nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân sau đó.

Do những giới hạn về quân sự, khoảng cách và ngoại giao, Iran và Israel có thể sẽ chỉ tiến hành các cuộc tấn công nhỏ lẻ và có giới hạn, thay vì một cuộc chiến toàn diện như các chiến dịch không quân lớn trong quá khứ.

Cả hai nước đều không muốn gây ra thiệt hại quá lớn cho bên kia, vì điều đó có thể dẫn đến sự trả đũa vượt ngoài tầm kiểm soát.

Luật Anh (Theo The Conversation)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhan-dinh-nguy-co-iran-va-israel-doi-dau-truc-dien-189116.htm
Zalo