Nhận định của tòa về di chúc miệng trong vụ tranh chấp di sản của cố NSƯT Vũ Linh

Tại phần tuyên án, HĐXX đã đưa ra các nhận định về di chúc miệng của cố NSƯT Vũ Linh về căn nhà số 5 Đoàn Thị Điểm...

Hôm qua, TAND TP.HCM đã đưa ra phán quyết sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế; yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ giữa nguyên đơn là bà Võ Thị Hồng Nhung (em ruột của ông Võ Văn Ngoan - cố NSƯT Vũ Linh) và bà Võ Thị Hồng Loan (con gái cố NSƯT Vũ Linh).

HĐXX đã tuyên bà Hồng Loan là con nuôi của cố NSƯT Vũ Linh, là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cố NSƯT Vũ Linh; bà Hồng Nhung được nhận 15% giá trị của khối tài sản mà cố NSƯT Vũ Linh để lại...

Phán quyết về di chúc miệng của căn nhà số 5 Đoàn Thị Điểm

Trong quá trình xét xử, bà Lê Thị Hồng Phượng (con gái bà Nhung, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) không yêu cầu chia thừa kế căn nhà số 5 Đoàn Thị Điểm, quận Phú Nhuận. Sinh thời, cố NSƯT Vũ Linh đã nói cho bà căn nhà này và đã kêu bà về đây ở và việc này đã được bà quay lại clip, lập vi bằng.

HĐXX cho biết, bà Hồng Phượng cho rằng, cố NSƯT Vũ Linh đã có di chúc để lại cho bà nhà và đất tại 5 Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận. Chứng cứ bà cung cấp là một tập tin ghi nhận có nội dung lời nói của cố NSƯT Vũ Linh vào ngày 13-1-2001 và được Thừa phát lại lập vi bằng ngày 4-5-2023; những người làm chứng tại phiên tòa xác nhận đó là ý chí của cố nghệ sĩ.

\

 Chủ tọa phiên tòa tuyên án đối với vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Chủ tọa phiên tòa tuyên án đối với vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

HĐXX xét thấy, nội dung tập tin ghi hình trên không được cố NSƯT Vũ Linh lập thành văn bản nên nếu được xem là di chúc thì đây là di chúc miệng.

Theo Điều 629 BLDS, trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, nếu xác định đây là di chúc miệng thì ngày thực hiện đoạn video ngày 13-1-2011 nên di chúc cũng mặc nhiên bị hủy bỏ khi cố NSƯT Vũ Linh chết vào ngày 5-3-2023 (hơn 20 năm).

 Bà Hồng Phượng tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bà Hồng Phượng tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Điều 457 BLDS quy định: Tặng cho bất động sản phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định pháp luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực tại thời điểm đăng ký.

Nếu ý chí của cố NSƯT Vũ Linh muốn cho bà Hồng Phượng nhà và đất trên thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Do đó, không có căn cứ xác định căn nhà, đất số 5 Đoàn Thị Điểm được bà Phượng hưởng bằng hình thức di chúc hay tặng cho. Do bà Hồng Phượng không có yêu cầu độc lập cụ thể nên không xem xét để tính án phí.

Lí do nguyên đơn được hưởng 15% di sản của cố NSƯT Vũ Linh

Tại phần tuyên án, HĐXX chia 15% tổng giá trị tài sản của cố nghệ sĩ cho bà Võ Thị Hồng Nhung. HĐXX nhận định, trong khối tài sản mà cố NSƯT Vũ Linh để lại, cần xét đến công sức đóng góp của bà Hồng Nhung.

Theo tờ khai nhân khẩu của cố NSƯT Vũ Linh, tờ khai gia đình chủ hộ… có cơ sở xác định ông Ngoan ở cùng mẹ, bà Nhung và ông Nhiêu tại phường 9, quận Gò Vấp từ năm 1973.

Cố NSƯT Vũ Linh đã là diễn viên sân khấu và đi lưu diễn khắp nơi tạo nên sự nghiệp, danh tiếng và tài chính. Bà Nhung phụng dưỡng, chăm sóc mẹ già để cố NSƯT Vũ Linh tập trung lo sự nghiệp.

Năm 1987, khi cố NSƯT Vũ Linh nhận nuôi bà Hồng Loan cũng là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Trong hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT ngày 10-12-1994 thì những năm 1989, 1990 và 1991, cố NSƯT Vũ Linh đã đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp, được tặng thưởng nhiều huy chương danh giá, đánh dấu vị trí của ông trong ngành sân khấu chuyên nghiệp của Việt Nam. Đây là bước ngoặc, nền tảng tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ lớn, từ đó tăng thu nhập và đạt sự ổn định về tài chính.

 Bà Võ Thị Hồng Nhung tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bà Võ Thị Hồng Nhung tại phiên tòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Như vậy, khi cố NSƯT Vũ Linh tập trung phát triển sự nghiệp thì việc chăm sóc mẹ già, chăm sóc con nuôi của ông có công sức đóng góp không nhỏ của bà Nhung. Khi cố NSƯT Vũ Linh bệnh, ông đã chọn bà Nhung và con gái bà Nhung về nhà để chăm sóc, bầu bạn. Khi ông mất, bà Hồng Loan thừa nhận bà chỉ đóng góp một khoản tiền nhỏ; bà Nhung và mọi người đã tổ chức, sắp xếp mọi việc ma chay cho cố nghệ sĩ theo hình thức đám tang trang trọng.

"Mặc dù số tiền dùng để lo đám tang từ tiền phúng viếng, quyên góp nhưng tiền không phải là tất cả tại thời điểm đó, trên hết là tình yêu thương của mọi người dành cho ông và mong muốn ông có một đám tang đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất như vai diễn của ông đã để lại cuộc đời" - chủ tọa nhận định.

Do đó, bất kỳ hành vi nào mang tính khích bác, cổ vũ hay xúi giục người khác đặt vấn đề tiền bạc đám tang, gây ồn ào dư luận, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình cố NSƯT Vũ Linh, phủ nhận công sức của bà Nhung là chỉ nghĩ đến vật chất, không tôn trọng các giá trị tinh thần và truyền thống và không thể chấp nhận.

Do đó, yêu cầu của bà Nhung về việc công nhận toàn bộ di sản của ông Ngoan thuộc quyền sở hữu của bà và ông Nhiêu không được chấp nhận. Nhưng xét công sức và hoàn cảnh của bà Nhung hiện nay, HĐXX quyết định tính bằng 15% tổng giá trị di sản của cố NSƯT Vũ Linh. Yêu cầu tính công sức của bà Nhung ít hơn yêu cầu khởi kiện nên được xem xét trong cùng vụ án.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhan-dinh-cua-toa-ve-di-chuc-mieng-trong-vu-tranh-chap-di-san-cua-co-nsut-vu-linh-post829028.html
Zalo