Nhận định chứng khoán từ 30/5 - 3/6: Thị trường có thể đã bước vào sóng hồi phục
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục tuần thứ 2 liên tiếp cho thấy đợt hồi phục này của thị trường khá mạnh và tin cậy, khối lượng giao dịch dù đang ở mức thấp nhưng đã được cải thiện theo đà tăng của thị trường cũng là tín hiệu hỗ trợ tích cực củng cố đà tăng.
Tuy nhiên, với việc VN-Index tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm và sau 2 tuần tăng điểm liên tiếp, rất có thể thị trường sẽ đối diện với khả năng điều chỉnh, nhịp điều chỉnh nếu có không hẳn mang tính chất tiêu cực mà nó sẽ tạo cơ hội để thị trường tích lũy lại trước khi có những động thái tích cực hơn. Đây là nhận định của chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
P/E thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất
Theo SHS dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, đang có sự ủng hộ cho xu hướng hồi phục của thị trường, với việc chỉ số VN-Index đã bật thoát xa ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm trong tuần qua, để xác nhận kết thúc sóng điều chỉnh và bước sang sóng hồi phục với mục tiêu theo lý thuyết gần nhất quanh ngưỡng 1.300 điểm.
Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh, nhưng khả năng thị trường suy yếu trở lại như vậy theo quan điểm của SHS là không cao.
Dù thị trường đã hồi phục mạnh nhưng định giá thị trường vẫn đang ở mức khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E (hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN-Index và VN30 chỉ quanh mức 14 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất.
Với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong quý I khá ấn tượng, mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư dài hạn. Tuy nhiên nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội giải ngân ở các nhịp điều chỉnh của thị trường, SHS khuyến nghị.
Về diễn biến giao dịch, kết thúc tuần giao dịch (từ 23 - 27/5), VN-Index tăng 44,74 điểm lên 1.285,45 điểm, HNX-Index tăng 4,15 điểm lên 311,17 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 7,7% so với tuần trước đó với 73.179 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 5,6% lên 2.890 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,8% so với tuần trước đó, với 8.837 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 2,8% lên 405 triệu cổ phiếu.
Thị trường giảm trong phiên đầu tuần, nhưng hồi phục trở lại trong bốn phiên sau đó đã giúp chỉ số VN-Index kết phiên ở gần mức cao nhất.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất trong tuần qua với 12,8% giá trị vốn hóa, nhờ đà tăng mạnh của trụ cột trong nhóm là FPT tăng 14,7%, CMG tăng 3,9%...
Tiếp theo là ngành dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 6% giá trị vốn hóa, do sự bứt phá mạnh của các cổ phiếu bán lẻ như MWG tăng 9,5%, PNJ tăng 15,4%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức tăng 5,3% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu như: PVD tăng 9,7%, PLX tăng 5,2%, OIL tăng 3,6%, PVS tăng 2,5%, BSR tăng 2,1%...
Ngành công nghiệp cũng tăng khá tích cực với 4,8% giá trị vốn hóa. Cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm này là REE tăng 17,6% tiếp tục vượt đỉnh mọi thời đại, kết tuần ở mức giá 89.600 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là GVR tăng 7,6%.
Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 4,7% giá trị vốn hóa. Các mã VNM tăng 7,2%, MSN tăng 2%... Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng, như tiện ích cộng đồng 3,8% giá trị vốn hóa; tài chính tăng 2,5%; ngân hàng tăng3,5%; nguyên vật liệu tăng 0,8%, dược phẩm và y tế tăng 3,2%.
Khối ngoại bán ròng trên hai sàn với giá trị khoảng 348 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng 10,55 triệu cổ phiếu. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã bị bán ròng nhiều nhất với 9,5 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là VND với 9,5 triệu cổ phiếu và SSI với 8,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUEVFVND là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 16 triệu chứng chỉ quỹ.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 11 - 18 điểm, cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại, SHS cho biết.
Theo Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), nhịp hồi phục trong tuần đã giúp chỉ số thoát khỏi xu hướng giảm điểm trung hạn và dài hạn, hai xu hướng này đã chuyển từ giảm sang đi ngang, trong khi xu hướng ngắn hạn khả quan hơn khi vươn lên tăng. Ngưỡng kháng cự đáng chú ý của VN-Index hiện tại là 1.300 - 1.315 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ là mốc 1.250 điểm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường phục hồi 2 tuần liền sau chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp, nhịp hồi 7/9 phiên tăng kể từ mức đáy ngày càng củng cố khả năng tạo đáy ngắn hạn và đã kích thích dòng tiền quay lại bắt đáy.
Thanh khoản đang tăng dần cho thấy nhu cầu chốt lời nhưng cũng là tín hiệu cho thấy dòng tiền đã tự tin vào lại thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật đang trở nên tích cực giúp nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường quay lại vùng 1.297 - 1.315 điểm trong tuần tới.
Chứng khoán thế giới - Ánh sáng cuối đường hầm
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh trong tuần qua cũng khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới.
Đơn cử, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh khi kết thúc phiên 27/5 với cả ba chỉ số chính đều tiến hơn 6% trong tuần qua, sau khi chỉ số lạm phát trong tháng Tư của nước này ghi nhận mức tăng nhỏ nhất trong vòng một năm rưỡi.
Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,8% lên mức 33.212,96 điểm. Diễn biến này giúp Dow Jones có chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 12/2021 tới nay.
Chỉ số S&P 500 cũng tăng 2,5% lên mức 4.158,24 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 3,3% lên mức 12.131,13 điểm.
Mức tăng hôm thứ Sáu kéo dài một đợt phục hồi bắt đầu vào thứ Tư, đảo ngược tình trạng sụt giảm trên thị trường chứng khoán vốn đã diễn ra hầu hết từ đầu năm liên quan đến các động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương này đã cho thấy các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhằm đối phó với lạm phát.
Nhưng dữ liệu hôm thứ Sáu từ Bộ Thương mại cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát được Fed đặc biệt lưu tâm - chỉ tăng 0,2% trong tháng Tư. Đây là mức tăng hàng tháng nhỏ nhất trong một năm rưỡi, phần lớn là do giá xăng giảm.
Tốc độ tăng của PCE cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) cũng giảm từ 5,2% hồi tháng Ba xuống 4,9% trong tháng Tư khi so với cùng kỳ năm ngoài. Đây cũng là tháng "hạ nhiệt" thứ hai liên tiếp của chỉ số này. Lần cuối cùng PCE cốt lõi giảm liên tiếp là trong vài tháng đầu tiên khi đại dịch bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020.
Những số liệu mới hỗ trợ cho lập luận rằng nền kinh tế Mỹ đã hoặc đang đi qua thời kỳ "lạm phát đỉnh điểm" - dự kiến sẽ giá tiêu dùng sẽ ít khả năng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Ông Tim Courtney, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Exencial Wealth Advisors cho biết, thị trường đang dần thả lỏng hơn khi họ nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" liên quan tới tình hình lạm phát. Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một tuần khởi sắc rực rỡ với bốn phiên tăng cao và chỉ một phiên giảm điểm.
Với mức tăng khá mạnh trong phiên 27/5, chỉ số Dow Jones đã tăng 6,2% trong tuần qua, phá vỡ chuỗi 8 tuần giảm điểm và cũng là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1932. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng dứt chuỗi 7 tuần giảm liên tiếp khi ghi nhận mức tăng hàng tuần lần lượt là 6,6% và 6,8%. Cả Dow và S&P 500 đều ghi nhận mức tăng hàng tuần tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ tháng 11/2020.
Giới quan sát nhận định thị trường chứng khoán có thể duy trì động lực từ đợt tăng mới nhất này sang tuần tới, khi các nhà đầu tư xem xét một loạt báo cáo quan trọng được công bố vào tuần sau. Trong số này, báo cáo việc làm tháng Năm công bố vào thứ Sáu (ngày 3/6) là dữ liệu quan trọng nhất. Các số liệu đáng chú ý khác bao gồm báo cáo của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) về hoạt động chế tạo, doanh số bán xe hàng tháng và Báo cáo màu be của Fed - tất cả đều được công bố vào thứ Tư (1/6).
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn còn cảnh giác về khả năng sự biến động thất thường của Phố Wall có thể chỉ đơn thuần giảm bớt vào lúc này.
Theo ông Yung-Yu Ma, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty tư vấn tài chính BMO Wealth Management, sự bi quan đã ăn sâu vào tâm lý nhà giao dịch. Đến mức thị trường sẽ phản ứng rất tích cực với cả những tin tức đơn giản cho thấy sự gia tăng đều đặn ổn định.
Chuyên gia này thận trọng rằng còn quá sớm để chắc chắn rằng thời kỳ biến động đã qua. Ông vẫn nhận định thị trường sẽ tiếp tục diễn biến bấp bênh trong giai đoạn tới.