Nhận diện tội phạm mạng

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tình hình tội phạm mạng trong nước và quốc tế đang diễn biến phức tạp, khó lường. Không ít người dân thiếu hiểu biết, cả tin đã bị các đối tượng lừa đảo khi tham gia trên không gian mạng. Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây tiếp tục phổ biến cách nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến.

Thời gian qua, lợi dụng bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, các đối tượng xấu đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản của không ít người dân. Ghi nhận từ Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng qua, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã tiếp nhận hơn 22 nghìn phản ánh của người dùng Internet trong nước về việc bị lừa đảo trực tuyến. Đây là con số đáng báo động, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn nữa không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà của toàn xã hội.

Bởi vậy, cơ quan chuyên môn muốn mỗi người dân phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng.

Cơ quan chuyên môn đưa ra 5 kỹ năng phòng, chống lừa đảo trực tuyến gồm: kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ. Đồng thời phổ biến một số cảnh báo về chiêu trò lừa đảo trực tuyến của các đối tượng.

Theo đó, thứ nhất, người dân cần cảnh giác với chiêu trò lừa đảo từ thiện, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. Chúng ta đều biết, cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua cho thấy một thực tế, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh cơ quan nhà nước, các tổ chức từ thiện uy tín để kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân. Do vậy, khi quyên góp, ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.

Thứ hai, cần cảnh giác trước chiêu trò mạo danh cắt ghép hình ảnh của các bệnh viện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu làm đẹp của người dân, các đối tượng đã mạo danh bác sĩ thẩm mỹ của bệnh viên uy tín để tạo lòng tin với khách hàng nhằm trục lợi bất chính.

Gần đây có trường hợp dùng fanpage giả mạo bác sĩ Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để lừa đảo. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, mọi người hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.

Tiếp đến là chiêu trò lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội. Các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tư tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động để mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội cũng như tham gia vào sàn mà đối tượng tạo ra.

Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư. Do vậy, trước khi tham gia bất kỳ sàn giao dịch nào, người dân cần kiểm tra giấy phép hoạt động và thông tin pháp lý đầy đủ về sàn giao dịch đó.

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước những thông tin giả mạo liên quan đến việc xuất khẩu lao động. Các đối tượng mạo danh công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả. Đối tượng đưa ra lời hứa hẹn về chi phí xuất khẩu lao động thấp hơn so với mức thông thường và có mức thu nhập rất cao.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn để làm thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Người lao động sau khi nộp tiền môi giới và chi phí hồ sơ sẽ không thể liên lạc lại với đối tượng lừa đảo hoặc được đưa sang nước ngoài với công việc, thu nhập khác xa so với lời hứa ban đầu.

Theo cơ quan chuyên môn, người dân cũng cần tỉnh táo nhận diện, không để bị lừa bởi một số chiêu trò khác như: Lừa đảo thông qua hình thức tặng quà dịp lễ, tết; giả danh Cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội để lừa tiền; đưa ra các lời mời chào "làm nhiệm vụ online" để chiếm đoạt tài sản; phổ biến một số ứng dụng ngân hàng giả mạo nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị để đánh cắp thông tin rồi thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến, chiếm đoạt tài sản; lập các hội nhóm "tư vấn sức khỏe" trên mạng xã hội để lừa tiền...

Với những cảnh báo này, cơ quan chuyên môn muốn gia tăng biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ người dân khi tham gia mạng Internet, đồng thời góp phần giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hằng ngày.

Minh Quân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/phong--chong-lua-dao-tren-khong-gian-mang/202411/nhan-dien-toi-pham-mang-5102169/
Zalo