Nhận diện sớm triệu chứng đột quỵ để phòng ngừa

Không có vắc-xin hay thuốc phòng ngừa đột quỵ.

Đó là thông tin được TS-BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, cho biết tại tọa đàm "Doanh nhân khỏe, doanh nghiệp vững" do CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức tại TP HCM mới đây.

Mặc dù không có vắc-xin hay thuốc phòng ngừa, BS Cường cho biết khoảng 80% ca đột quỵ có thể phòng ngừa nếu kiểm soát các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ máu cao. Ngoài ra, người dân cần tránh hút thuốc, hạn chế rượu bia, tầm soát các dị tật mạch máu não nếu có các triệu chứng như đau đầu, động kinh, hay thiếu máu não thoáng qua. Việc nhận diện sớm triệu chứng đột quỵ là rất quan trọng để kịp thời điều trị. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ được gọi tắt là FAST. Trong đó, F là khuôn mặt bị lệch, méo; A (cánh tay): không giơ được tay; S (lời nói): nói lắp hoặc không thể nói; T (thời gian): cần gọi cấp cứu ngay nếu thấy triệu chứng.

Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

BS Cường lưu ý rằng nhiều người dễ nhầm đột quỵ với "trúng gió", từ đó làm mất đi thời gian vàng điều trị, dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện trễ vì loay hoay với các phương pháp truyền thống như bôi dầu, cạo gió. Một số trường hợp dù nhà chỉ cách bệnh viện khoảng 30 phút, nhưng chần chừ và không qua khỏi khi đến cấp cứu. "Mỗi phút trôi qua làm mất đi khoảng 2 triệu tế bào thần kinh, do đó việc điều trị sớm là rất quan trọng. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não và được điều trị trong vòng 4-5 giờ đầu, có thể hồi phục gần như hoàn toàn" - BS Cường nói.

H.Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhan-dien-som-trieu-chung-dot-quy-de-phong-ngua-196241109211033837.htm
Zalo