Nhận diện rào cản lớn, hé lộ tin vui với doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến
Thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu hiểu biết về quy định nhập khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) của nước ngoài là những rào cản lớn nhất. Sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp kết nối với các sàn TMĐT để xuất khẩu trực tuyến hàng Việt.
Loạt rào cản lớn
Tại hội thảo “Phát triển xuất khẩu trực tuyến” do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 16/12, bà Megan Lim, Giám đốc Chiến lược kinh tế Access Partnership nêu loạt số liệu đáng chú ý từ cuộc khảo sát vừa được tiến hành hồi tháng 7/2024 với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) của Việt Nam.
Doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 86 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, dự kiến đạt 145,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2028, trong đó doanh nghiệp MSME đóng góp 25%.
Cụ thể, 93% doanh nghiệp cho biết sẽ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT. 65% nói rằng hơn một nửa doanh số TMĐT B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) đến từ thị trường nước ngoài. 50% kỳ vọng tăng trưởng 20% tổng doanh số TMĐT B2C trong 5 năm tới.
Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường ưu tiên tiếp cận của các MSME Việt Nam khi xuất khẩu qua TMĐT.
Tuy nhiên, MSME Việt Nam đang vấp phải loạt rào cản lớn. 95% doanh nghiệp thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. 95% thiếu hiểu biết về các quy định nhập khẩu qua TMĐT từ thị trường nước ngoài. 94% cho biết chi phí logistics xuyên biên giới cao. 93% thiếu hiểu biết về thị trường nước ngoài.
92% nhận định chương trình giảng dạy TMĐT chính quy và các buổi giáo dục trực tiếp sẽ giúp họ xây dựng năng lực phù hợp để xuất khẩu thông qua TMĐT.
94% cho rằng việc phát triển một hệ sinh thái gồm các bên thứ ba cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ logistics sẽ giúp giảm bớt các rào cản pháp lý và chi phí logistics khi triển khai TMĐT xuyên biên giới.
95% đồng ý rằng các chương trình của Chính phủ được khu vực tư nhân hỗ trợ triển khai hoặc mở rộng quy mô xuất khẩu qua TMĐT B2C sẽ giúp giải quyết những lỗ hổng kiến thức của doanh nghiệp.
Một số kinh nghiệm hay
Một số bài học kinh nghiệm quốc tế được bà Megan Lim chia sẻ để Việt Nam nghiên cứu áp dụng nếu thấy phù hợp.
Tại Singapore, Amazon Global Selling hợp tác với NYP-SIRS giúp 800 thương nhân và doanh nghiệp MSME mở rộng kinh doanh trực tuyến và ra toàn cầu, đào tạo về nghiên cứu sản phẩm và marketing đối với người tiêu dùng nước ngoài.
Tại Giang Tô (Trung Quốc), chính quyền tỉnh ban hành kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới chất lượng cao (giai đoạn 2023-2025), hướng tới mục tiêu phát triển hơn 600 công ty TMĐT hàng đầu và thành lập hơn 100 thương hiệu TMĐT tập trung vào xuất khẩu.
Các sáng kiến chính gồm thí điểm các khu thương mại tự do, thành lập “khu vực đặc biệt trực tuyến” để hợp tác với các kênh TMĐT, đồng thời thiết lập các khu vực hải quan dành cho hàng hóa hoàn trả để đơn giản hóa thủ tục thông quan và miễn thuế đối với các sản phẩm tái nhập.
Bên cạnh kế hoạch tổng thể quốc gia về TMĐT, Chính phủ Việt Nam nên xây dựng khung chính sách quốc gia về TMĐT xuyên biên giới với những nội dung chính gồm: Mục tiêu quốc gia về doanh thu TMĐT xuyên biên giới; Chiến lược tháo gỡ rào cản hiện có như khó khăn về pháp lý, chênh lệch cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận tài chính… Bà Megan Lim, Giám đốc Chiến lược Kinh tế Access Partnership
Tại Hàn Quốc, năm 2022, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ & Khởi nghiệp Hàn Quốc (MSS) phân bổ 16,9 tỷ won (310 triệu USD) để hỗ trợ chi phí logistics cho các MSME tham gia xuất khẩu. Chính phủ cung cấp phiếu giảm giá lên đến 70% chi phí logistics, hỗ trợ hoàn thành đơn hàng và chiết khấu cho các dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh thông qua quan hệ đối tác với FedEx, DHL và UPS.
Khuyến nghị Việt Nam nên sớm có quy hoạch và khung pháp lý về xuất khẩu trực tuyến, ông Darren Ong, Phụ trách Chính sách công, dịch vụ số và TMĐT khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Amazon gợi ý kinh nghiệm của Ấn Độ: Xây dựng một chương riêng về xuất khẩu trực tuyến trong chính sách pháp luật về ngoại thương, hướng tới mục tiêu tới năm 2030 đạt 200 tỷ USD giá trị xuất khẩu trực tuyến.
Tin vui cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến
Theo đánh giá của các chuyên gia, số liệu báo cáo về TMĐT xuyên biên giới (xuất khẩu trực tuyến) của Việt Nam thời gian qua không đảm bảo tính chính xác. Việt Nam đang có vị thế tốt để hưởng lợi từ việc tham gia TMĐT xuyên biên giới B2C. Thế nhưng hiện có rất ít tài liệu ước tính quy mô, cơ hội và rào cản xuất khẩu qua TMĐT B2C của Việt Nam.
Để cải thiện hiện trạng, ông Vũ Minh Tâm, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương thông tin: “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam đã được chúng tôi phát hành thường niên từ năm 2016, nhưng nội dung về xuất khẩu trực tuyến là vấn đề mới. Chúng tôi sẽ báo cáo để bổ sung nội dung này”.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam đã ký kết 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm 16 FTA đã thực thi, 2 FTA đang đàm phán, 2 FTA đang chờ hiệu lực. Sắp tới có thể có thêm 1 số FTA với các quốc gia ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi. Việt Nam sẽ rà soát các FTA có chương riêng về TMĐT để xem xét việc nâng cấp, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình mới.
“MSME Việt Nam rất khó tiếp cận các khu vực như Nam Mỹ, châu Phi… để xuất khẩu theo cách thức truyền thống. Nhờ TMĐT xuyên biên giới, hàng Việt có thể dễ vào những thị trường này hơn”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng Tư vấn cấp cao của VECOM nhận định.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030, trong đó có những cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến. Thời gian tới sẽ có chính sách khuyến khích MSME kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn, để hàng hóa chủ lực và OCOP của các địa phương có thêm cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như nhiều thị trường khác.
Còn theo ông Đỗ Huy Thọ, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính), hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT sẽ hoàn thành trong quý I/2025; Việt Nam sẽ có cơ sở dữ liệu về TMĐT xuyên biên giới. Khi các sàn TMĐT liên kết, chia sẻ thông tin với cơ quan hải quan thì sẽ có số liệu minh bạch, rõ ràng hơn.
Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác VECOM:
"Theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: hỗ trợ tối đa 50% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước cho học viên của doanh nghiệp về phát triển TMĐT; hỗ trợ tối đa 50% chi phí duy trì tài khoản trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế, không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp và không quá 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đăng ký thành công tài khoản trên sàn TMĐT.
VECOM đã có chương trình hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, hỗ trợ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể mở gian hàng trên các nền tảng sàn TMĐT quốc tế như Alibaba. Song thực tế, phần hỗ trợ kinh phí khá khiêm tốn. Việc xét chọn doanh nghiệp được hỗ trợ cũng là cả một quá trình".