Nhận diện quyền lực của tỉ phú Elon Musk trên chính trường Mỹ
Việc tỉ phú Elon Musk có một loạt hành động 'làm mưa làm gió' trên chính trường Mỹ đặt ra câu hỏi về giới hạn quyền lực của doanh nhân này.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu gần một tháng và đây cũng là thời gian chính trường Mỹ bị khuấy động với loạt hành động và quyết định của tỉ phú Elon Musk - lãnh đạo Bộ Hiệu suất chính phủ (DOGE).
Việc ông Musk “hô mưa gọi gió” ở hàng loạt cơ quan chính phủ, bao gồm việc cắt giảm ngân sách, nhân sự và giải thể các cơ quan, đã khiến dư luận Mỹ xáo động, đặt ra câu hỏi về giới hạn quyền lực của vị tỉ phú này.
Tỉ phú Elon Musk “dưới một người trên vạn người”
Tỉ phú Musk đã chỉ đạo DOGE truy cập vào các hệ thống thanh toán nhạy cảm của Bộ Tài chính - vốn chịu trách nhiệm xử lý hàng nghìn tỉ USD chi tiêu chính phủ; thúc đẩy việc giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) - cơ quan có hơn 10.000 nhân viên, quản lý ngân sách viện trợ hàng năm lên đến trên 40 tỉ USD; gửi email cho 2 triệu công chức liên bang khuyến khích họ nghỉ việc ngay rồi sẽ được nhận bảy tháng lương,...
Gần nhất, đội ngũ của ông Musk tiếp tục hành động nhắm vào cơ quan nữa - Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng. Trụ sở chính của cơ quan này tại thủ đô Washington, D.C. vừa thông báo sẽ đóng cửa và nhân viên sẽ làm việc từ xa.
![Tỉ phú Elon Musk. Ảnh: MIKE SEGAR](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_114_51462456/b17c0eff3eb1d7ef8ea0.jpg)
Tỉ phú Elon Musk. Ảnh: MIKE SEGAR
Dù tung ra những động thái gây sốc như vậy nhưng tỉ phú Musk lại không công khai, giải trình công việc của mình hay chịu trách nhiệm với bất kỳ ai ngoài Tổng thống Trump. Cho tới nay, ông Musk không trả lời các câu hỏi của truyền thông hoặc tham dự bất kỳ phiên điều trần nào với các nhà lập pháp, dù các đảng viên Dân chủ trong Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ Hạ viện đã cố gắng đưa ra lệnh triệu tập để buộc ông Musk phải ra điều trần. Nỗ lực này đã bị đảng Cộng hòa chặn lại.
Phải mất hơn hai tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, người dân Mỹ mới biết rằng tỉ phú Elon Musk đã chính thức gia nhập chính quyền với tư cách là nhân viên đặc biệt của chính phủ.
Lo ngại quyền lực của tỉ phú Elon Musk
GS Allison Stanger tại Trung tâm Berkman Klein về Internet và Xã hội (ĐH Harvard, Mỹ) cho rằng việc ông Musk tiếp cận các hệ thống nhạy cảm của chính phủ và có thể tái cấu trúc các cơ quan chính phủ đã mang lại cho ông Musk thương hiệu. Điều này giúp ông Musk khai thác các lợi ích tài chính và chiến lược cho cả bản thân và công việc kinh doanh của ông, bao gồm công ty xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX.
Theo GS Stanger, với cương vị là lãnh đạo DOGE, ông Musk có thể giám sát và thậm chí xóa bỏ các cơ quan chính phủ vốn thường có các quy định dường như làm hạn chế hoạt động kinh doanh của ông.
Chẳng hạn, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia đã nhiều lần điều tra hệ thống Autopilot của Tesla; Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ đã phạt ông Musk vì những dòng tweet làm chao đảo thị trường và các quy định về môi trường đã hạn chế hoạt động của SpaceX.
Thông qua DOGE, tất cả các cơ chế giám sát này có thể bị ông Musk làm suy yếu hoặc bị loại bỏ dưới ngọn cờ tăng cường hiệu quả cho chính phủ, GS Stanger nhận định.
![Người dân Mỹ biểu tình phản đối tỉ phú Elon Musk bên ngoài Bộ Tài chính Mỹ ngày 4-2. Ảnh: BLOOMBERG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_114_51462456/06eece6dfe23177d4e32.jpg)
Người dân Mỹ biểu tình phản đối tỉ phú Elon Musk bên ngoài Bộ Tài chính Mỹ ngày 4-2. Ảnh: BLOOMBERG
Cạnh đó, GS Stanger cho rằng việc DOGE có quyền truy cập vô hạn vào kho dữ liệu của chính phủ, bao gồm thông tin cử tri, có thể giúp ông Musk và các hệ thống trí tuệ nhân tạo mà ông tạo ra dự đoán những thay đổi kinh tế, xác định các điểm yếu của chính phủ và mô hình hóa hành vi của cử tri. Theo vị học giả này, đó là một nguồn thông tin và quyền lực khổng lồ và đáng báo động mà người nắm giữ nó có được.
Làn sóng phản đối, kiện tụng
Những động thái của ông Musk đã vấp phải cả sự phẫn nộ của dư luận lẫn thách thức pháp lý.
Tạp chí Time ra ngày 7-2 có động thái đầy ngụ ý về giới hạn quyền lực của ông Musk khi có trang bìa là hình ảnh tỉ phú Elon Musk ngồi phía sau chiếc bàn Kiên định - vốn là chiếc bàn làm việc của tổng thống Mỹ ở phòng Bầu dục.
Ông Donald K. Sherman - Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Citizens for Responsibility and Ethics tại Washington chuyên giám sát đạo đức và trách nhiệm giải trình của chính phủ Mỹ - cho rằng Tổng thống Trump đã cho phép ông Musk "sử dụng quyền lực và thẩm quyền chưa từng có đối với hệ thống chính phủ với “mức độ bí mật tối đa" và "ít hoặc không phải chịu trách nhiệm".
Những ngày qua nhiều người dân Mỹ đã tập trung biểu tình tại tòa nhà lập pháp ở các bang California, Minnesota, Michigan, Texas, Wisconsin, Indiana,...và giơ cao biểu ngữ phản đối ông Musk như “DOGE vô pháp”, “Trục xuất Elon Musk”, “Tại sao Elon lại có thông tin An sinh xã hội của bạn?”,...
Trong khi đó theo tờ The New York Times, ít nhất bốn vụ kiện đã được đệ trình lên tòa án liên bang yêu cầu xem xét thẩm quyền của ông Musk và các động thái của chính quyền mới. Gần đây nhất, ngày 8-2, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết khẩn cấp, ngăn DOGE truy cập dữ liệu thông tin cá nhân và tài chính của hàng triệu người Mỹ được lưu trữ tại Bộ Tài chính.
Trước những lo ngại, Nhà Trắng khẳng định DOGE “vô cùng minh bạch" và tuân theo pháp luật. Hồi đầu tháng này, trước làn sóng phản đối tỉ phú Elon Musk lạm quyền, ông Trump đã phải khẳng định rằng ông Musk không thể làm và sẽ không làm bất kỳ điều gì nếu không có sự chấp thuận của ông.
Ông Trump đã hứa rằng ông Musk sẽ tránh xa bất kỳ lĩnh vực nào có xung đột lợi ích, song không đưa ra chi tiết về cách đánh giá những lĩnh vực đó. Gần đây, ông Trump tiếp tục ca ngợi tỉ phú Elon Musk rằng ông đã "giúp ích rất nhiều" trong nỗ lực tìm ra các khoản chi tiêu lãng phí và khẳng định vị tỉ phú sẽ giúp phát hiện hàng tỉ, hàng trăm tỉ USD bị gian lận và lợi dụng.
Khởi đầu tươi sáng của ông Trump
Tổng thống Donald Trump có khởi đầu nhiệm kỳ khá tươi sáng khi nhiều người dân Mỹ đánh giá ông bằng những từ ngữ tích cực và cho rằng ông Trump đã thực hiện những gì đã hứa trong chiến dịch tranh cử, theo kết quả khảo sát của đài CBS/YouGov công bố ngày 9-2.
Cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ đồng tình chung đối với công việc mà ông Trump làm cho đến nay là 53%. Những người tham gia khảo sát cũng sử dụng những từ tích cực để mô tả tổng thống, với 69% cử tri mô tả ông là “cứng rắn”, 63% là “năng động”, 60% “tập trung” và 58% “hiệu quả”. Cạnh đó, 70% người tham gia khảo sát tin rằng ông Trump đang thực hiện những gì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử.
Về sự đồng tình với công việc của tỉ phú Elon Musk và DOGE, 51% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ tin rằng cơ quan mới này nên có "nhiều" hoặc “một số” ảnh hưởng đến chi tiêu của chính phủ, trong khi 49% còn lại cho rằng ông Musk và DOGE “không nên có” hoặc “có ít”.
Có 2.175 cử tri Mỹ tham gia cuộc khảo sát này từ ngày 5 đến ngày 7-2-2025.