Nhận diện các luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới

Hiện nay, khi Đảng ta nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN), coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước thì các thế lực xấu nhân cơ hội này xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, cho rằng việc thừa nhận vai trò quan trọng của KTTN là Đảng Cộng sản Việt Nam 'thừa nhận sự thất bại của kinh tế Nhà nước' và 'đang hướng lái theo CNTB'. Từ đó chúng rêu rao rằng, đã đến lúc bỏ cụm từ 'theo định hướng XHCN', để KTTN tự do phát triển.

Cần hiểu đúng về vai trò, vị trí của KTTN, cảnh giác thủ đoạn đánh tráo bản chất

Trên Internet, xuất hiện luồng quan điểm xuyên tạc việc Đảng Cộng sản Việt Nam coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế là “thừa nhận bóc lột, thừa nhận quan hệ sản xuất TBCN”, là Đảng đang “từ bỏ mục tiêu CNXH để đi theo quỹ đạo TBCN”. Các đối tượng cổ xúy rằng, những ai đang tin tưởng đi theo CNXH thì đây là chỉ dấu để “thay đổi cách nghĩ”, “Đảng thừa nhận sai lầm, thất bại về con đường đi lên CNXH”. Từ đó, các đối tượng ra sức tung hô, ca tụng thành tựu hào nhoáng của CNTB, đồng thời miệt thị những nước đi theo CNXH, phỉ báng nền kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, ra sức ca tụng KTTN.

Kinh tế tư nhân được đặt nhiều kỳ vọng bứt phá và phát triển, đưa kinh tế đất nước vững mạnh bước vào kỷ nguyên mới. (Ảnh: TTXVN)

Kinh tế tư nhân được đặt nhiều kỳ vọng bứt phá và phát triển, đưa kinh tế đất nước vững mạnh bước vào kỷ nguyên mới. (Ảnh: TTXVN)

Tổ chức khủng bố Việt Tân tiếp tục ca tụng cái gọi là “văn kiện 50: Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoát cho tương lai”, cho rằng Đảng phải giảm vai trò của nhà nước trong kinh tế, phải “bỏ đuôi theo định hướng XHCN” để cạnh tranh lành mạnh, nền KTTN mới có sáng tạo, giới trí thức mới sẵn sàng đóng góp cho những công trình nghiên cứu công nghệ cao. Từ việc tung hô kinh tế tư bản tư nhân, chúng bôi lem đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam, vu cáo nửa thế kỷ tụt hậu do sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó đòi Đảng “phải thừa nhận đã bất lực trong việc đưa đất nước đi lên thoát cảnh nghèo đói, lạc hậu”.

Với luận điệu sai trái đó, các đối tượng quy kết rằng, muốn chuyển đổi xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lựa chọn nào khác là dân chủ hóa đất nước, xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, thay đổi thể chế!

Những luận điệu sai trái nói trên vốn quá cũ kỹ, nay chỉ là chiêu trò làm nóng vấn đề, thổi phồng sự việc khi Đảng ta đưa ra các chủ trương, đường lối xác định vai trò quan trọng của KTTN trong giai đoạn phát triển mới. Ở đây cần thấy rằng, việc thừa nhận và tạo điều kiện cho KTTN phát triển là yêu cầu khách quan. Dựa trên lý luận kinh tế của Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để khẳng định rằng, chủ trương phát triển KTTN không phải là từ bỏ mục tiêu CNXH mà ngược lại là sử dụng chính KTTN để tạo động lực phát triển, rút ngắn chặng đường ở thời kỳ quá độ (TKQĐ) đi lên CNXH.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ, trong TKQĐ cần thiết phải sử dụng các thành phần kinh tế phi XHCN cho mục đích xây dựng CNXH. Về xây dựng quan hệ sản xuất trong TKQĐ lên CNXH, Lênin chỉ ra một số hình thức CNTB nhà nước như tô nhượng, đại lý, cho thuê xí nghiệp, khu mỏ... Cả về lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga Xô viết, Lênin cũng đã chỉ dẫn rằng, trong TKQĐ cần phải sử dụng cả thành phần kinh tế phi XHCN như tư bản nhà nước, tư bản tư nhân cho mục tiêu phát triển lực lượng sản xuất, coi đó là biện pháp tối ưu để khơi dậy động lực, giải phóng sức sản xuất, tăng năng suất lao động… Nhờ đó, Liên Xô thời kỳ đó giải quyết được khó khăn kinh tế sau chiến tranh, đồng thời từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH.

Ở nước ta, nền kinh tế thị trường được xác định là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Cần thấy rằng, Việt Nam thừa nhận KTTN, coi đây là động lực phát triển song không đồng nghĩa với xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất TBCN. Thừa nhận KTTN không có nghĩa là chúng ta thừa nhận bóc lột và tạo điều kiện cho quan hệ bóc lột được hiện diện trong các quan hệ kinh tế ở nước ta. Mục tiêu nhất quán của cách mạng nước ta là xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Và để KTTN phát triển lành mạnh, là động lực của nền kinh tế nhưng không gây ra các hệ lụy tiêu cực như bất công, bóc lột, chèn ép sức lao động… đòi hỏi phải được quản lý theo định hướng XHCN, đó là điểm khác biệt với việc để KTTN phát triển một cách tự nhiên, không kiểm soát. KTTN được tự do cạnh tranh bình đẳng trong khuôn khổ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do vậy, quan hệ sản xuất hình thành trong thành phần KTTN phải chịu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều tiết của Nhà nước nhằm giữ vững định hướng XHCN.

Đồng thời cần thấy rằng, việc coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế không đồng nghĩa từ bỏ hay coi nhẹ vai trò của kinh tế Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng định hướng rõ sự phát triển của từng thành phần kinh tế ở nước ta, trong đó chỉ rõ: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; KTTN là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.

Vai trò của từng thành phần kinh tế được xác lập theo đúng tính chất, vị trí. Thành phần kinh tế nhà nước nắm giữ nguồn lực vật chất quan trọng, then chốt được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất để nhà nước ổn định vĩ mô, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. KTTN được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, trong đó có khuyến khích sự hợp tác liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, ngoài ra còn khuyến khích phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của người lao động.

Như vậy, cần hiểu đúng về vai trò, vị trí của KTTN và mối quan hệ của KTTN trong các thành phần kinh tế ở nước ta. KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế song phải đảm bảo tính định hướng XHCN. Do đó, thành phần KTTN cũng không thuần túy như trong chế độ TBCN mà có sự đan xen, giao thoa, liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế XHCN, đảm bảo cùng tương hỗ nhau để phát triển, vì mục đích xây dựng nền kinh tế Việt Nam vững mạnh. Đó là những cơ sở về lý luận và thực tiễn bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực xấu khi Đảng ta xác định vai trò quan trọng của KTTN trong giai đoạn phát triển mới.

Khẳng định vai trò, vị trí KTTN trong giai đoạn phát triển mới

Trong bài viết “Phát triển KTTN – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ tầm quan trọng và những giải pháp trọng tâm để KTTN phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng tầm trong kỷ nguyên mới của đất nước. Tổng Bí thư khẳng định, KTTN không chỉ là một thành phần của nền kinh tế mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, khu vực này đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, cho thấy vai trò không thể thay thế.

Bài viết nêu rõ, hướng đến tầm nhìn chung của đất nước, KTTN cũng cần xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn của mình. KTTN phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế. KTTN cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030.

Nhìn lại tiến trình phát triển chúng ta thấy, trước đổi mới, KTTN được coi là đối tượng trực tiếp của chủ trương cải tạo XHCN và hạn chế phát triển. Từ khi đổi mới đến nay, quan điểm của Đảng về phát triển KTTN luôn nhất quán và ngày càng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực này. Vị trí và vai trò KTTN từng bước được thừa nhận qua từng giai đoạn, từ chỗ chỉ là thành phần kinh tế cần cải tạo bằng những bước đi thích hợp, đến nay trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Gần 40 năm đổi mới cho thấy, thành tựu đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực KTTN. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, KTTN chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017, khu vực kinh tế này đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực KTTN hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Nghị quyết đã đưa ra một số quan điểm chỉ đạo như: cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển KTTN, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thực tiễn, dù KTTN có bước phát triển mạnh mẽ song còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích KTTN phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ…

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta là, phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. KTTN là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Trước yêu cầu của thời kỳ mới, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước. Nền kinh tế quốc gia chỉ thực sự cường thịnh khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà nhà, ai cũng hăng say lao động. Do đó, nhất quán quan điểm “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, cần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực KTTN, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược.

Nguyễn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-cac-luan-dieu-xuyen-tac-chu-truong-cua-dang-ve-kinh-te-tu-nhan-trong-giai-doan-phat-trien-moi-i765049/
Zalo