Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia (BGQG) là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; được xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc cả thời bình và thời chiến. Bảo vệ BGQG được tiến hành bằng tổng thể các biện pháp với mục đích tối thượng là bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh ở KVBG và cả nước.
Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, bảo vệ biên cương, bờ cõi của ông cha ta; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật, phương sách bảo vệ biên giới của các quốc gia trong khu vực và thế giới; Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo trong bảo vệ BGQG. Trong đó, quan điểm xuyên suốt được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG: “Quản lý bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể...”.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng về Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Điều 64 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” và “Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”. Khẳng định nhân dân là chủ thể trong quản lý, bảo vệ BGQG, Điều 10 Luật BGQG chỉ rõ: “Xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG là sự nghiệp của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”; khoản 2 Điều 25 Luật Biên phòng Việt Nam xác định: “Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG”.
Như vậy, xuyên suốt quan điểm chỉ đạo của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đều khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp quản lý, bảo vệ BGQG nói riêng; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đây chính là mối quan hệ biện chứng để khẳng định chính nhân dân là chủ thể của sự nghiệp quản lý, bảo vệ BGQG.
Thực tiễn cho thấy, để phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ BGQG, BĐBP đã thực hiện, phát huy hiệu quả các giải pháp “sâu rễ, bền gốc” như đưa cán bộ Biên phòng về tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình: “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ khuyến nông quân hàm xanh”...; phát huy hiệu quả của các chương trình: “Mái ấm biên cương”, “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”...; đặc biệt là các phong trào: “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG”...
Việc phát huy hiệu quả các mô hình, chương trình, phong trào trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân, tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, xây dựng nền Biên phòng toàn dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền Quốc phòng toàn dân và thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân vững chắc; từng bước củng cố, tăng cường tiềm lực kinh tế trong bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định; trên Biển Đông tiềm ẩn nhiều bất ổn; các thế lực thù địch, phản động chống phá ngày càng quyết liệt, hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp; thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường diễn biến khó lường. Trong nước, tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức chuyển từ “Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển” sang “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Theo đó, kỷ nguyên này đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Các yếu tố, tình hình trên có cả thuận lợi, khó khăn đan xen, tác động trực tiếp đến việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ BGQG của BĐBP. Để nhân dân thực sự là chủ thể của sự nghiệp quản lý, bảo vệ BGQG, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu, rộng tới các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân, tạo nhận thức sâu, rộng về “Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp quản lý, bảo vệ BGQG" theo tinh thần của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị. Tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương BĐBP tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; chú trọng nhiệm vụ, giải pháp về củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở; thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ở KVBG, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới khó khăn, cơ cấu cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền cấp xã; giao nhiệm vụ cho đảng viên của đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở KVBG, cử đảng viên ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở các tổ đảng thôn, bản biên giới, không để thôn, bản “trắng” tổ chức đảng và đảng viên; làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật và năng lực quản lý, bảo vệ biên giới cho đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng xây dựng cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội các cấp vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ở KVBG.
Hai là, củng cố, xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG vững mạnh, đồng bộ cả lực lượng chuyên trách, nòng cốt và toàn dân rộng khắp. Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới vững mạnh, với quan điểm nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững BGQG. Với tinh thần quan điểm đó, giải pháp đặt ra là xây dựng tất cả các lực lượng bảo vệ BGQG vững mạnh; trọng tâm là xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, thông thạo ngoại ngữ, tiếng đồng bào dân tộc; thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới; bảo đảm các điều kiện cho BĐBP thật sự là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.
Ba là, phát huy hiệu quả, tiếp tục xây dựng các mô hình, chương trình, phong trào trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu cụ thể: “Đầu tư xây dựng, phát triển các cụm cư dân biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển nhanh, mạnh và bền vững KVBG”. Mục tiêu này là sự kế thừa, phát triển tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị và được thể chế hóa tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/8/2018 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Vì vậy, để quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới, lực lượng BĐBP cần phát huy hiệu quả, tiếp tục xây dựng các mô hình, chương trình, phong trào trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG, với mục tiêu phấn đấu vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, góp phần xây dựng KVBG vững mạnh.
Có thể khẳng định, trải qua hơn 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng BĐBP luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, lấy dân làm gốc, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy vai trò của nhân dân - những chủ thể chính - “cột mốc sống” cùng với BĐBP, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững BGQG thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu