Nhân chứng lịch sử đồng hành cùng phim 'Địa đạo' là ai?

Điều đặc biệt về bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên công chiếu trong những ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là sự đồng hành, cố vấn, cổ vũ của những nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu ngay trên mảnh đất Củ Chi thành đồng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (phải) và Tô Văn Đực (trái) trong buổi chiếu đặc biệt ra mắt phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: sggp.org.vn

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (phải) và Tô Văn Đực (trái) trong buổi chiếu đặc biệt ra mắt phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: sggp.org.vn

2 Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân: Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (bí danh: Tư Cang) và anh hùng Tô Văn Đực. Đây là những người từng trực tiếp chiến đấu tại Củ Chi, chứng kiến những năm tháng ác liệt và góp phần tạo nên lịch sử hào hùng của vùng đất này.

2 ông đã cố vấn cho đoàn làm phim, thậm chí có mặt ở trường quay trong những ngày đoàn làm phim quay tại một trường quay dựng lên bên sông Sài Gòn. Chính sự góp mặt của những nhân chứng sống, những nguyên mẫu được đưa vào bộ phim xây dựng theo phong cách tài liệu mà tác phẩm điện ảnh này đã ra mắt khán giả một cách sinh động, chân thực, như một bộ phim tài liệu.

Đoạn cuối của bộ phim, 2 vị anh hùng lực lượng vũ trang đã xuất hiện trong những thuớc phim hé lộ về nguyên mẫu của nhân vật.

Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực cùng đoàn làm phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: sggp.org.vn

Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực cùng đoàn làm phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: sggp.org.vn

Với vai trò là đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, Bùi Thạc Chuyên tiếp cận anh hùng Tô Văn Đực và xây dựng nhân vật Tư Đạp (diễn viên Quang Tuấn thủ vai) từ chính anh hùng đời thực này.

Ông Tô Văn Đực sinh năm 1942 được mệnh danh "anh hùng mìn gạt" nhờ sáng chế ra mìn tự chế với cống hiến to lớn của mình trong lực lượng công binh Bộ Tư Lệnh Miền.

Ông chia sẻ rằng ông là một người dân Củ Chi chính gốc, nếu không có địa đạo, ông và đồng đội đã không thể tồn tại.

Năm 1962, ông Tô Văn Đực tham gia dân quân xã đội Nhuận Đức sửa chữa súng các loại để cung cấp cho lực lượng du kích xã chống lại các trận càn địch. Các loại súng chủ yếu gồm carbin, K54, colt 12 li.

Đến đầu năm 1965 xe bọc thép xuất hiện nhiều trong các trận càn, ông nghiên cứu và tái sáng chế các loại mìn, bẫy bằng thuốc nổ TNT chống lại xe cơ giới, xe tăng. Khi có vũ khí hạng nặng trong tay, đơn vị của Tô Văn Đực tham gia chiến đấu, phá hỏng 13 xe M.113, bắn hạ được 32 binh sĩ đối phương. Ông được gia nhập lực lượng công binh của tỉnh đội Gia Định.

Tô Văn Đực chính là tác giả của loại mìn cải tiến cấu trúc có công tắc phát nổ khi gạt ngang. Vỏ mìn làm bằng lon sữa, kíp nổ lấy từ bom bi xịt, sử dụng chất nổ TNT tái chế. Một cành cây cũng có thể là công tắc nối với chốt khai hỏa bên trong thân quả mìn. Khi xe máy, pháo địch gạt cành cây sẽ tác động vào công tắc kích quả bom bi mồi nổ trước, rồi đốt cháy thuốc nổ bên trong để tạo sức công phá. Loại mìn này có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt ở các xưởng quân giới dưới địa đạo, dễ dàng cài đặt ở bất cứ địa hình nào và có sức công phá đủ để làm hư hỏng M.113

Đây là loại mìn thô sơ, một thứ bẫy mìn tự chế gây kinh hoàng cho địch ở vùng tam giác sắt - những năm các trận càn phá nát căn cứ địa Củ Chi. Tô Văn Đực nhờ chiến công tự chế bom mìn, tham gia chiến đấu đạt được cả 2 danh hiệu: Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt Mỹ.

Năm 1967, ông Tô Văn Đực được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kỳ đại hội chiến sĩ thi đua cùng 4 huân chương các loại, 17/9/1967.

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) cùng đoàn làm phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: sggp.org.vn

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) cùng đoàn làm phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: sggp.org.vn

Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (sinh năm 1928), biệt danh Tư Cang, là Đại tá tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên cụm trưởng cụm tình báo quân sự H63 hoạt động trong Chiến tranh Việt Nam mà Phạm Xuân Ẩn là điệp viên chính.

Ông từng giữ vị trí cụm trưởng H63 - đơn vị giữ trọng trách truyền tin vô tuyến điện từ địa đạo về chỉ huy cao nhất được nhắc đến trong bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Trong phim đội du kích 21 thành viên có nhiệm vụ bảo vệ công tác tình báo quan trọng đặc biệt bí mật này. Có thể nói công lao của chiến đấu trong địa đạo vô cùng lớn góp phần vào tổng tiến công đến độc lập dân tộc.

Vai trò của Đại tá Tư Cang vô cùng lớn khi ông chỉ huy cụm tình báo chiến lược sống trong lòng địch. Đứng sau ông là cả mạng lưới truyền tin từ nội đô ra căn cứ rồi về chỉ huy cấp cao. Những tin tức của cụm tình báo đã đưa đến những quyết định sống còn cho cả hệ thống quân đội đang chiến đấu, và có ý nghĩa sinh tử trong chiến dịch thống nhất đất nước.

Ngoài ra, đồng hành cùng đoàn làm phim còn có nhiều du kích Củ Chi - những người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở vùng miền Đông Nam Bộ anh hùng.

Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối thành công nhờ tái hiện những tình tiết có thật, đan xe với sáng tạo nghệ thuật, khiến đoàn làm phim, nhân chứng lịch sử và cả khán giả cùng đồng cảm với khí thế hào hùng những ngày đánh Mỹ. Trận nào cũng có thể là trận cuối - dù bom rơi và máu đổ nhưng lòng tự hào dân tộc sống mãi cho dù đã qua 50 năm hay nhiều hơn nữa!

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-chung-lich-su-dong-hanh-cung-phim-dia-dao-la-ai-179250406000427423.htm
Zalo