Nhận biết và phòng bệnh van hai lá

Bệnh van hai lá là bệnh khá phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đa số nguyên nhân gây bệnh là do thấp tim. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trong tim có các van tim như van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi giúp đưa máu đi nuôi khắp cơ thể. Nhưng tình trạng hở van 2 lá xảy ra, quy trình vận chuyển máu sẽ gặp khó khăn, tim phải làm việc dưới áp lực lớn, lâu ngày dẫn đến suy tim.

Nguyên nhân chính làm cho van hai lá bị hỏng là do thấp tim không được điều trị triệt để dẫn đến tổn thương van tim, khiến cho các lá van dầy lên, có thể lắng đọng canxi làm lá van cứng lại, hạn chế di động. Các mép van dính lại với nhau gây hẹp lỗ van, các dây chằng dầy dính lại với nhau thành một khối khiến van bị hở. Có 3 loại tổn thương chính: hẹp van, hở van và kết hợp vừa hở vừa hẹp van.

Bệnh van hai lá là bệnh khá phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bệnh van hai lá là bệnh khá phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nhận biết van hai lá do thấp

Khó thở là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh. Người bệnh ban đầu thấy khó thở khi làm việc nặng hoặc khi gắng sức như lên cầu thang, sau đó mức độ khó thở sẽ tăng dần, chỉ cần làm việc nhẹ như sinh hoạt hàng ngày người bệnh đã thấy khó thở, đỡ khi nghỉ ngơi.

Nếu không được điều trị, khó thở sẽ tăng hơn khiến người bệnh khó thở cả khi nghỉ không làm gì và ban đêm thường phải ngồi dậy để thở.

Có thể có ho ra máu, số lượng ít. Dấu hiệu này dễ nhầm với bệnh lý của phổi hay đường hô hấp nên nhiều khi chỉ kiểm tra về tim mới phát hiện ra bệnh.

Với những biểu hiện trên, nhưng nhiều người do điều kiện kinh tế hoặc chủ quan không đi khám làm bệnh nặng dần lên. Đa số người bệnh đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ chuyên khoa tim khám và nghe được tiếng thổi bất thường ở vùng tim. Để chẩn đoán chính xác cần làm thêm các xét nghiệm chụp phim X-quang, điện tim đồ và đặc biệt là siêu âm tim. Với siêu âm tim sẽ giúp cho bác sĩ có thể đánh giá chính xác mức độ hẹp hay hở van. Đánh giá được hình thái tổn thương của van, mức độ dầy, vôi hóa…

Điều trị van hai lá có khó?

Khó thở là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh.

Khó thở là dấu hiệu rất phổ biến của bệnh.

Sau khi đánh giá thương tổn van hai lá và các tổn thương phối hợp nếu có ở các van tim khác, đánh giá chức năng tim, mức độ suy tim… bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương án can thiệp phù hợp kết hợp với điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc) trước và sau khi can thiệp. Việc điều trị chống suy tim chủ yếu bằng chế độ ăn hạn chế muối, nghỉ ngơi, dùng thuốc chống suy tim và lợi tiểu...

Nếu người bệnh chỉ bị hẹp đơn thuần có thể sẽ được bác sĩ khuyên lựa chọn thực hiện phương pháp nong van tim. Đây là phẫu thuật can thiệp từ mạch qua da với chi phí thấp và có tính an toàn cao hơn so với mổ hở truyền thống. Bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng một ống thông để luồn vào trong mạch máu từ tĩnh mạch đùi tới van tim. Đầu ống thông được trang bị 1 quả bóng, nếu bơm căng bóng lỗ van sẽ được mở rộng ra. Khi lựa chọn biện pháp này, người bệnh sẽ không phải phẫu thuật mà thời gian nằm viện tương đối ngắn.

Nhưng nếu van tim rơi vào tình trạng bị thương tổn nặng nề hay vừa hẹp, vừa hở thì cần phẫu thuật thay thế van tim. Chỉ định sửa hay thay van không chỉ phụ thuộc vào mức độ thương tổn của van mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tuổi, thể trạng bệnh nhân, cơ sở vật chất …Tuy nhiên khi lá van dầy, vôi hóa nhiều, dây chằng lá van co rút nặng thì phải thay van nhân tạo, nếu lá van còn mềm mại, dây chằng chưa thương tổn nặng thì nên sửa van.

Lời khuyên của bác sĩ

Việc phòng bệnh thấp tim rất quan trọng bởi liên cầu khuẩn có thể khu trú ở đường hô hấp trên hoặc trên da và dễ lây nhiễm. Bệnh hay xảy ra ở môi trường ẩm thấp, thiếu vệ sinh, điều kiện dinh dưỡng không đảm bảo… Chính vì thế, khi có các dấu hiệu nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn tan máu β nhóm A như: sốt, viêm họng, viêm amidan, nuốt đau… hoặc khi trẻ có dấu hiệu đau khớp thì cần đưa ngay trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Cần giữ vệ sinh, nhất là vùng mũi họng, giữ ấm tránh nhiễm lạnh, nâng cao thể chất, nâng cao chất lượng sống, cần xây dựng một lối sống khoa học, lành mạnh, nâng cao sức khỏe để phòng bệnh: Tích cực ăn những loại thực phẩm như là rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng, trái cây tươi xanh, một số loại thịt trắng. Tránh đồ ăn có nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe: đồ ăn nhanh, thịt mỡ, đồ chiên xào,... Tập thói quen ăn nhạt và tập thể dục hàng ngày.

BS. Ngô Tuấn Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-phong-benh-van-hai-la-169241212193604663.htm
Zalo