Nhận biết bệnh thận qua một số dấu hiệu ở mắt, có thể phát hiện ngay ở giai đoạn đầu
Mắt có mạng lưỡi mạch máu lớn nên những thay đổi ở mắt có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận.
90% người có các vấn đề về thận không biết mình mắc bệnh. Chỉ đến khi bước vào giai đoạn muộn và phát triển thành triệu chứng mới có thể phát hiện. Điều này là do bệnh thận trong giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng.
Tuy nhiên, những thay đổi ở mắt có thể tương quan với một số vấn đề về thận và có thể giúp dự đoán những người bị suy giảm chức năng thận. Trên thực tế, những thay đổi ở mắt thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thận, với những thay đổi xảy ra trước khi bất kỳ triệu chứng nào khác xuất hiện.
1. Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận giai đoạn đầu ở mắt
Trong giai đoạn đầu của bệnh thận, những thay đổi về mắt có thể không quá rõ ràng và tương đối khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu bạn thăm khám mắt theo định kỳ, những thay đổi này có thể dễ dàng được nhận ra.
Một số thay đổi ở mắt liên quan đến dấu hiệu của bệnh thận bao gồm:
- Mờ mắt hoặc khó nhìn do thay đổi mạch máu võng mạc: Võng mạc là một phần của mắt cảm nhận ánh sáng và truyền hình ảnh đến não. Các mạch máu võng mạc dễ bị ảnh hưởng bởi lưu lượng máu và thay đổi áp suất.
Ở giai đoạn đầu của bệnh thận, các mạch máu trong võng mạc có thể bắt đầu hẹp, xoắn hoặc phình ra, gây ra những thay đổi về thị lực. Kết quả là, bệnh nhân có thể bị mờ mắt hoặc khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu.
- Nhìn hình méo mó do xuất tiết cứng võng mạc: Xuất tiết cứng là các chất lắng đọng màu trắng vàng hình thành trong võng mạc khi lipid hoặc chất béo tích tụ.
Ở giai đoạn đầu của bệnh thận, xuất tiết cứng có thể xuất hiện xung quanh điểm vàng, phần võng mạc chịu trách nhiệm cho thị lực để nhìn sắc nét và chi tiết. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị méo mó thị lực hoặc gặp khó khăn khi đọc chữ nhỏ.
- Cục máu li ti trên võng mạc: Đây là những tổn thương màu trắng, mịn trên võng mạc. Cục máu li ti trên võng mạc được gây ra bởi sự tích tụ của các sợi thần kinh và tế bào bạch cầu.
Ở giai đoạn đầu của bệnh thận, các cục máu li ti này có thể xuất hiện xung quanh dây thần kinh thị giác, phần mắt truyền tín hiệu thị giác đến não, gây ra các điểm mù hoặc giảm thị lực ngoại vi.
- Phù gai thị: Phù gai thị là tình trạng sưng ở đầu dây thần kinh thị giác, phần dây thần kinh thị giác đi vào mắt.
Ở giai đoạn đầu của bệnh thận, phù gai thị có thể xảy ra do áp lực tăng lên ở các mạch máu ở đầu. Bệnh nhân được biết là bị đau đầu, buồn nôn và nôn do phù gai thị.
- Mắt sưng tấy không giảm: Protein trong nước tiểu là dấu hiệu sớm cho thấy bộ lọc của thận đã bị tổn thương, khiến protein rò rỉ vào nước tiểu. Sưng tấy quanh mắt có thể là do thận của bạn đang rò rỉ một lượng lớn protein vào nước tiểu, thay vì giữ lại trong cơ thể.
2. Bệnh về mắt ở người bệnh thận trong giai đoạn tiến triển
Khi bệnh thận tiến triển, những thay đổi ở mắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Ở giai đoạn này, các dấu hiệu của bệnh thận thường đã trở nên rõ ràng.
Một số thay đổi về mắt thường gặp liên quan đến bệnh thận giai đoạn tiến triển bao gồm:
- Bệnh võng mạc tiểu đường: Bệnh võng mạc tiểu đường là tình trạng các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương do lượng đường trong máu cao.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn tiến triển, bệnh võng mạc tiểu đường có thể xảy ra do bệnh tiểu đường không được kiểm soát. Bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tiểu đường thường có dấu hiệu mờ mắt, đốm đen trước mắt và mất thị lực.
Bệnh thận và tiểu đường có mối quan hệ liên hệ hai chiều. Thận điều chỉnh nồng độ glucose bằng cách lọc máu và tái hấp thu glucose một cách có chọn lọc khi cần thiết. Trong trường hợp suy giảm chức năng thận, chẳng hạn như bệnh thận mãn tính, chuyển hóa glucose bị suy yếu có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và tiểu đường.
Ngoài ra, đường huyết cao cũng có thể làm hỏng các mạch máu trong thận. Khi các mạch máu bị tổn thương, thận không hoạt động tốt và gây ra các vấn đề về thận.
- Bệnh võng mạc tăng huyết áp: Bệnh võng mạc tăng huyết áp là tình trạng các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương do huyết áp cao.
Đối với những người mắc bệnh thận giai đoạn tiến triển, bệnh võng mạc tăng huyết áp có thể là kết quả của tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát được. Các triệu chứng của bệnh võng mạc tăng huyết áp như mờ mắt, đau đầu và mất thị lực.
Tăng huyết áp cũng là một trong những nguy cơ gây bệnh thận. Khi huyết áp tăng cao, thận không thể loại bỏ hết chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Chất lỏng dư thừa trong mạch máu có thể tiếp tục làm tăng huyết áp nhiều hơn nữa, tạo ra một chu kỳ nguy hiểm và gây ra nhiều tổn thương hơn dẫn đến suy thận.
- Phù hoàng điểm: Phù hoàng điểm là tình trạng sưng hoàng điểm, phần võng mạc chịu trách nhiệm cho thị lực sắc nét, chi tiết.
Đối với những người có triệu chứng suy thận tiến triển, phù hoàng điểm có thể xảy ra do tích tụ dịch trong hoàng điểm. Bệnh nhân bị phù hoàng điểm thường bị mờ mắt, khó đọc và nhạy cảm với ánh sáng.
3. Triệu chứng khác cảnh báo bệnh thận
Ngoài những dấu hiệu ở mắt, các triệu chứng toàn thân khác có thể cảnh báo bệnh về thận:
- Mệt mỏi và khó có thể tập trung: Suy giảm nghiêm trọng chức năng thận có thể dẫn đến tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này có thể khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt và khó tập trung. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu - tình trạng này có thể gây ra tình trạng yếu ớt và mệt mỏi.
- Khó ngủ: Thận không lọc được các tạp chất ra khỏi cơ thể khiến cơ thể suy yếu và khó ngủ.
- Da khô và ngứa: Thận không còn khả năng duy trì sự cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu nên có thể gây ngứa và khô da.
- Đi tiểu thường xuyên hơn: Bộ lọc thận bị tổn thương có thể gây ra sự gia tăng nhu cầu đi tiểu, đặc biệt vào ban đêm.
- Thấy máu trong nước tiểu: Thận khỏe mạnh thường giữ các tế bào máu trong cơ thể khi lọc chất thải từ máu để tạo ra nước tiểu, nhưng khi bộ lọc của thận bị tổn thương, các tế bào máu này có thể bị rò rỉ ra nước tiểu.
- Nước tiểu có bọt: Tình trạng này có thể chỉ ra protein trong nước tiểu
- Mắt cá chân và bàn chân bị sưng: Chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến tình trạng giữ natri, gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân.
- Chuột rút cơ bắp: Sự mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận suy giảm. Nồng độ canxi và phốt pho thấp cũng như không được kiểm soát có thể dẫn tới chuột rút.
Nhìn chung, bệnh thận ở giai đoạn đầu thường ít có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, để kiểm tra chức năng thận, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm liên quan.
Nguồn: Resetkidneyhealth