Nhàm tai với 'sale khủng', nhiều người ngó lơ Lễ độc thân 11/11
Ngày Lễ độc thân 11/11 kém thu hút trong mắt người dùng do đã quá quen thuộc với các chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu trên các sàn thương mại điện tử.
Từ trước ngày Lễ độc thân 11/11, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoạt động tại Việt Nam như Lazada, Shopee, TikTok Shop... đã ráo riết chạy đua với các chương trình khuyến mãi, giảm giá, livestream.
Tuy nhiên, nhiều người dùng tỏ ra không mấy hào hứng với các chương trình "sale sập sàn", "giá sốc" hay "giảm 70%" như trước.
Giá trên sàn không còn đủ hấp dẫn
Minh Vi (25 tuổi, TP.HCM) cho biết do cả năm đều thấy các chương trình livestream giảm giá, ưu đãi khuyến mại từ các sàn nên không cần chờ đến ngày 11/11 để mua món đồ mong muốn.
"Tôi cảm thấy mình đã nghe nhàm tai các từ khóa khuyến mãi nên không có cảm giác FOMO như trước đây", Minh Vi nói.
Sau 3 năm săn sale trên các sàn thương mại điện tử, người dùng này nhận thấy để có giá tốt, khách hàng cần có một chiến lược kỹ càng như tích lũy voucher, căn thời gian livestream để mua được giá ưu đãi cho 10-100 người đầu tiên, mua hàng từ các KOL/KOC có voucher và quà tặng độc quyền từ nhãn hàng...
Vì vậy, người dùng cần lên danh sách mặt hàng và mua đúng với nhu cầu thay vì mua sắm cảm tính theo các đợt giảm giá trước đây.
Trong khi đó, anh Hồng Phúc (29 tuổi, TP.HCM) cho biết anh đã cảnh giác hơn với các lời quảng cáo hay mức giá hấp dẫn khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử.
"Nếu để ý, người dùng dễ dàng phát hiện nhiều thương hiệu sale quanh năm với mức giá này chứ không cần chờ đến ngày 11/11", anh Phúc chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh cũng phát hiện các công cụ giúp tìm kiếm lịch sử giá của sản phẩm để né các sản phẩm nâng giá rồi sale ảo hay so sánh giá của các sàn thương mại điện tử khác nhau.
Khi có sự so sánh, người dùng sẽ tỉnh táo hơn trong việc đưa ra quyết định, không bị chi phối bởi sự FOMO giảm giá như trước đây.
Theo khảo sát của Tri Thức - Znews, một sản phẩm kem dưỡng da được giảm giá 50% còn 696.000 đồng trong dịp này trên Shopee Mall thực tế đã giữ mức giá này suốt 10 tháng qua. Thậm chí nếu mua vào ngày 10/10, khách hàng chỉ phải trả 655.000 đồng.
Tương tự, một cặp dầu gội - xả được giới thiệu giảm giá 60% còn 350.000 đồng ngày Lễ độc thân 11/11, nhưng thực tế có thời điểm chỉ được bán với giá 300.000 đồng.
Một thương hiệu sữa được giảm giá 54% với lời quảng cáo "duy nhất ngày 11/11" ở mức 1,09 triệu đồng, thực tế đã giữ giá quanh mức 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng suốt nhiều tháng qua. Nếu mua vào tháng 2, khách hàng cũng chỉ phải trả 939.000 đồng thay vì chờ đến Lễ độc thân.
Bên cạnh đó, các "tín đồ săn sale" sau nhiều năm mua sắm trên sàn TMĐT đã không còn "nghiện" săn sale các sản phẩm giá rẻ từ 0 đồng đến vài chục nghìn đồng.
Hà Trang (21 tuổi, TP.HCM) cho biết các năm trước luôn tìm niềm vui trong việc săn sale các sản phẩm nhỏ có giá trị thấp. Tuy nhiên, cô nhận ra mình không mấy khi dùng đến các sản phẩm như dây buộc tóc, khẩu trang, ốp điện thoại...
"Niềm vui chỉ đến tức thời nhưng sau đó, tôi mệt mỏi cả tuần vì phải chạy lên chạy xuống lấy đồ từ shipper, nhà thì ngập trong đống rác", Hà Trang nói thêm.
Hào hứng hơn với livestream
Bước ngoặt trong năm 2024 của ngành thương mại điện tử chính là trào lưu shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí). Vì vậy, các sàn đã không tiếc tiền tổ chức các buổi livestream hoành tráng với sự góp mặt của các KOL/KOC "chiến thần" như Võ Hà Linh, Phạm Thoại... cùng các nghệ sỹ nổi tiếng.
Dịp Lễ độc thân 11/11 này, Shopee còn tuyên bố tặng 100 xe máy điện VinFast cho người xem và tương tác trên các phiên live ngày 11-12/11, trong khi Lazada giới thiệu chương trình “săn” iPhone 16 Pro Max với giá chỉ 11.000 đồng cùng các ưu đãi trúng thưởng tivi, điện thoại, máy lạnh...
Đại diện Lazada cho biết người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm các ưu đãi giá mà còn mong muốn trải nghiệm mua sắm toàn diện, từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm - dịch vụ cho đến chốt đơn, thanh toán, nhận hàng và đổi trả.
Khi những con số trên sàn như "giảm 50%", "sale khủng" không còn nhiều sức hút, các livestream mang tính giải trí dễ khiến khán giả nán lại lâu hơn, có cảm xúc vui vẻ, phấn khích hơn từ đó chuyển đổi thành hành vi mua hàng.
Ngọc Hà (23 tuổi, Đà Nẵng) thừa nhận cô xem livestream để ủng hộ ca sĩ mình hâm mộ nhưng nếu thấy deal tốt, vị khách này cũng sẽ xuống tiền để mua sản phẩm.