Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung giải mã tranh luận 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình'

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung làm rõ những thắc mắc của khán giả liên quan đến ca khúc hot nhất tháng 4 vừa qua.

Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đăng tải lên trang cá nhân đoạn clip giải mã bài hát Viết tiếp câu chuyện hòa bình - bản hit "làm mưa làm gió" suốt tháng 4 lịch sử vừa qua, thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng mạng.

Nguyễn Văn Chung cho biết, những ngày qua nam nhạc sĩ đã nhận được rất nhiều tin nhắn, thư gửi về từ khán giả. Trong số đó, không ít cá nhân là giáo viên dạy môn Ngữ văn, Âm nhạc đã bày tỏ sự thắc mắc về câu hát: "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình".

Những khán giả này cho rằng việc kết hợp cặp từ "ngày xưa - ngày sau" có phần thiếu mạch lạc về đối xứng thời gian. Theo họ, "ngày xưa - ngày nay" sẽ tạo nên nhịp nối rõ ràng giữa quá khứ và hiện tại, dễ hiểu và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người sáng tác, Nguyễn Văn Chung không chọn từ ngẫu nhiên.

Nam nhạc sĩ lý giải rằng từ "ngày sau" mang hàm ý chưa xác định - một tương lai mơ hồ nhưng đầy kỳ vọng, đúng với tinh thần hy sinh cao cả của các bậc tiền nhân. "Cha ông ta sẵn sàng hy sinh ngay cả khi không chắc chắn ngày nào đất nước hòa bình. Điều đó càng khiến sự hy sinh của họ thêm cao đẹp, vĩ đại. Vì vậy, tôi dùng từ 'ngày sau' - thể hiện sự chưa xác định rõ ràng - thay vì 'ngày nay'. Câu hát này cũng tương tự cha mẹ chúng ta hay nói 'ngày xưa làm việc vất vả, sống tiết kiệm để các con ngày sau có cái ăn, cái mặc' vậy", Nguyễn Văn Chung phân tích.

Không dừng lại ở mặt nội dung, nam nhạc sĩ cũng cho biết yếu tố kỹ thuật trong âm nhạc là lý do quan trọng khiến anh ưu tiên dùng từ "ngày sau". Theo Nguyễn Văn Chung, âm "s" ở cuối từ "sau" tạo độ ngân tự nhiên, cho phép ca sĩ xử lý câu hát một cách mềm mại và cảm xúc hơn - điều mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp luôn cân nhắc trong quá trình sáng tác.

Một điểm khác cũng được làm rõ trong video là cụm từ "giữa khói binh". Dù không phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, cụm từ này được Nguyễn Văn Chung chọn lọc kỹ lưỡng từ "khói lửa binh đao" - hình ảnh tượng trưng cho những cuộc chiến đã qua, đồng thời cũng là biểu hiện cô đọng của tinh thần yêu nước bất diệt. Với giới hạn dung lượng trong một ca khúc, nam nhạc sĩ buộc phải chọn từ mang sức nặng biểu tượng cao nhất để truyền tải thông điệp trọn vẹn.

Không né tránh tranh luận, Nguyễn Văn Chung thể hiện tinh thần cầu thị khi chia sẻ rằng anh biết ơn những góp ý của khán giả, bởi đó chính là những chất liệu quý để người làm nghệ thuật hoàn thiện tác phẩm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh ca từ sau khi bài hát đã được phát hành rộng rãi là điều không đơn giản, vì còn liên quan đến bản quyền và các đơn vị phát hành đã đăng ký khai thác.

Ngoài ra, nam nhạc sĩ cũng thông báo cho phép các thầy cô giáo dạy thanh nhạc và nhạc cụ sử dụng Viết tiếp câu chuyện hòa bình trong các tiết học online mà không cần trả phí bản quyền. Quyết định này nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ cộng đồng, bởi nó cho thấy tâm huyết và thiện chí của người nghệ sĩ không chỉ trong sáng tác mà còn trong việc lan tỏa giá trị nhân văn của âm nhạc.

Bình Nguyên

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/nhac-si-nguyen-van-chung-giai-ma-viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-202505081714261115.html
Zalo