Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Đàm Vĩnh Hưng... tiễn biệt 'vua nhạc sến' Vinh Sử
Nhạc sĩ Vinh Sử ra đi để lại hàng trăm ca khúc trữ tình bất hủ cho nền âm nhạc Việt và khiến giới văn nghệ sĩ và khán giả không khỏi tiếc thương.
Lúc 3h sáng 10-9, nhạc sĩ Vinh Sử đã ra đi tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định sau nhiều ngày chống chọi với bạo bệnh, hưởng thọ 79 tuổi.
Đối với nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Vinh Sử đã để lại nhiều ca khúc nổi tiếng, ghi dấu ấn trong lòng khán giả như: Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Chuyến xe lam chiều, Vòng nhẫn cưới, Đoạn buồn đêm mưa, Qua ngõ nhà em, Hai mái nhà tranh, Không giờ rồi, Làm dâu xứ lạ, Mưa bụi, Trách người trong mộng, Quên cây cầu dừa, Nối lại tình xưa, Tình đẹp mùa chôm chôm...
Sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè văn nghệ sĩ cũng như khán giả yêu mến dòng nhạc bolero trữ tình quê hương.
Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long viết “Vĩnh biệt ‘vua nhạc sến’ Vinh Sử” chia sẻ về dòng nhạc của ông cũng như tiếc thương trước sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa.
"Người đời gọi ông là Vua nhạc sến, vua của dòng nhạc bình dân cũng phải thôi. Bởi nó phổ cập tới nỗi một thời, ai cũng thuộc làu làu nhiều câu hát của ông. Bất cứ nơi đâu cũng có thể nghe được những câu hát của ông. Mà hình như ngày xưa là vậy, ngày nay dù có giảm bớt bởi thời đại, bởi vô số những dòng nhạc mới mẻ đang cuốn hút giới trẻ thì nhạc của ông vẫn lan tỏa đâu đó rất rộng trong cuộc sống này.
Những câu hát của ông thực sự là chỗ dựa cho những người lao động nghèo, lam lũ. Là chỗ để người thành đạt có địa vị, chức sắc đôi khi nao lòng nhớ lại chuyện ngày xưa. Là chỗ để nhiều khi trong cuộc sống bon chen, nhiều lo toan con người ta bỗng thấy dịu đi.
Nhạc của ông như kể chuyện, như suy tư những nỗi suy tư rất đỗi bình dị, giản đơn mà trong cuộc sống thường nhật ông phải trải qua. Nhạc của ông giống như một kiểu xẩm đời mới, cho nên chỉ cần bật bưng tiếng ghi-ta cất giọng hát không cần nuột nà trau chuốt cũng đã đủ chinh phục rất nhiều người…." - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long viết.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: "Chú rất gần gũi và anh chị em ca sĩ nào cũng quý mến và kính trọng chú. Những ca khúc của chú luôn dung dị và đã đi vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Tôi xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình của chú cũng như khán giả của chú".
Nhà thơ Trương Minh Nhật đưa tiễn nhạc sĩ với bài thơ: "Mười năm tìm ánh trăng tròn / Mười năm tình lỡ chỉ còn vầng trăng / Người đi trong ánh trăng rằm / Ta nghe giọt lệ rơi thầm trong tim / Nơi miền cực lạc an nhiên / Ánh trăng thu tiễn bên thềm Tây phương".
Tác giả Nguyễn Thị Bích Hậu cũng dành những lời tiễn biệt với người nhạc sĩ tài hoa.
"Bài ca của ông mà mình thích nhất là Phu kéo xe mo. Bài kể về tình yêu thời thanh mai trúc mã, khi chàng trai làm đầu trò kéo cái xe mo cau chở cô bé hàng xóm đi khắp thôn làng.
Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau/Chở em quanh ngõ vườn/Cô bé mỹ miều, cười run run bờ vai/Tay ôm chắc vành mo.../Chiếc tàu mo nhỏ bé.
Anh giả người phu xe, hỏi "Đi đâu bé à?"/Em trả lời "Nhà em ở cuối thôn"/Mo cau anh lại kéo, làm vui cô khách nghèo/ Tình đầu thơ ngây, nhưng lại trắc trở. Họ không tới được với nhau. Nàng lên xe hoa và chàng thất tình.
Một câu chuyện quá phổ biến. Nhưng bài ca rất trong sáng, ngôn ngữ dung dị, ai nghe cũng cảm động và thuộc làu.
Cách viết nhạc và lời như vậy, sau này hiếm khi thấy được. Dù là nhạc bình dân thôi.
"Hỏi ai còn nhớ tên phu kéo mo cau chở rong cô khách nghèo/Nay đã hết rồi, tuổi thơ ngây tìm đâu/Nghe tan tác bể dâu.../Kỷ niệm xưa hờn dỗi, anh lối mòn chở mo/Thì em xây tiếng cười/Vui với người/Bỏ mặc phu lẻ loi, ôm mo cau cằn cỗi/Tình bay xa cuối trời...".
Tiễn biệt ông, một người tài hoa nhưng cũng rất đào hoa" - tác giả Bích Hậu bày tỏ.