Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My: Nối dài những đam mê

Nối dài những đam mê của một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi bố mẹ đều là những Nghệ sĩ Ưu tú ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Thúy My (Đoàn Ca nhạc dân tộc, Ban Âm nhạc VOV3, Đài Tiếng nói Việt Nam) đến với âm nhạc dân tộc bằng cả lòng quyết tâm. Đầu năm 2024, chị là một trong 5 nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Hát hay nhưng lại trở thành… nhạc công

Có lẽ nhiều người đã không còn xa lạ với hình ảnh 2 cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn, hát hay My My cùng với Thúy Thúy – chị gái của Thúy My, hiện công tác tại Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, khi thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình những năm 80, 90 của thế kỷ trước. My My chính là nghệ danh của Thúy My. Giờ đây khi ở tuổi 40 đã trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, thi thoảng ở những nơi công cộng, chị vẫn thực sự bất ngờ khi có người nhận ra cô bé My My ngày nào.

 Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My kiên trì theo học ngành tam thập lục suốt 13 năm, từ hệ sơ cấp, trung cấp đến đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My kiên trì theo học ngành tam thập lục suốt 13 năm, từ hệ sơ cấp, trung cấp đến đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Thúy My ca hát từ năm 4 tuổi, tuy hát hay nhưng chị lại chọn học tam thập lục. Năm 1993, chị tham gia Festival Thiếu nhi thế giới được tổ chức ở Trung Quốc. Tại đây, chị đã gặp nhà giáo Xuân Dung, giảng viên đàn tam thập lục của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và là người truyền cảm hứng, đưa chị đến với bộ môn này. Nhờ sự động viên, khuyến khích của thầy, chị đã kiên trì theo học ngành tam thập lục suốt 13 năm, từ hệ sơ cấp, trung cấp đến đại học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Không chỉ thành thạo đàn tam thập lục, Thúy My còn được đào tạo và tự tìm hiểu thêm nhiều nhạc cụ dân tộc khác, như: Tỳ bà, nhị, t’rưng, k’lông pút... Chính điều này đã mang lại cho chị sự hiểu biết về các nhạc cụ dân tộc Việt Nam để rồi phát triển thành một nhạc công đa năng. Các nhạc cụ dân tộc có cách chơi khác nhau nhưng tựu trung lại có những nét tương đồng và chúng đều tạo ra thứ âm thanh mang được tâm hồn, bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Noi gương người bác nổi tiếng để sáng tác

Thế nhưng, sức sáng tạo trong nữ nghệ sĩ gốc Hà thành chưa dừng lại ở đó. Noi gương của người bác ruột là Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), chị đã chuyển sang sáng tác. Chị sáng tác tác phẩm khí nhạc đầu tiên vào năm 2013, mang tên “Một thoáng vùng cao” cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc. Tác phẩm này sau đó đã đoạt giải Khuyến khích - Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013.

Nối tiếp sự thành công đó, chị đã viết tác phẩm “Nét duyên quê” (hòa tấu dàn nhạc dân tộc), “Biển quê hương” (độc tấu đàn bầu), “Vị quê” (độc tấu đàn nhị), “Đón bình minh” (độc tấu đàn tranh), “Tình biển” (độc tấu đàn tam thập lục), “Về bản” (độc tấu đàn tranh)... Trong sáng tác khí nhạc, chị luôn cố gắng phát huy tối đa tính năng độc đáo của từng nhạc cụ dân tộc, mang lại sự mới mẻ cho người nghe.

Là nhạc công nên khi chuyển sang sáng tác, chị có nhiều lợi thế, vì có thể nắm rõ tính năng, ưu điểm của các nhạc cụ trong dàn nhạc. Thông qua các sáng tác của mình, chị muốn tôn vinh nét đẹp của những nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Chị luôn đặt tính sáng tạo lên hàng đầu, bởi theo chị, cuộc sống hằng ngày có những thay đổi và người nhạc sĩ phải tạo ra nét nhạc mới có sự hòa quyện giữa giá trị truyền thống và hơi thở thời đại. Đây chính là cách “làm mới” âm nhạc dân tộc, thu hút người trẻ đến với loại hình âm nhạc này.

Trách nhiệm của người con Hà thành

Là người con của đất Hà thành nên khi chuyển sang sáng tác, chị rất chú tâm đến việc sáng tác về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Mới đây, chị đã giành giải Ba trong Cuộc thi sáng tác “Công an quận Bắc Từ Liêm - Những mùa hoa chiến công” với ca khúc “Bắc Từ Liêm - những mùa hoa rực rỡ”. Ca khúc đã bao trọn được sự hình thành, phát triển của quận Bắc Từ Liêm mà ở đó có dấu chân của những người chiến sĩ Công an nhân dân. Với giai điệu hùng tráng, lời ca chắt lọc, giàu hình ảnh đã tạo nên một bản nhạc có sức lay động lòng người.

Ca khúc “Hà Nội Thủ đô em mến yêu” của nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My đã vinh dự đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức.

Ca khúc “Hà Nội Thủ đô em mến yêu” của nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My đã vinh dự đoạt giải A trong Cuộc thi sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức.

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, hai ca khúc “Hà Nội Thủ đô em mến yêu” và “Tự hào Thủ đô mến yêu” của chị đã đoạt giải trong cuộc thi sáng tác ca khúc “Thanh âm Hà Nội” do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức để chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2024), trong đó ca khúc “Hà Nội Thủ đô em mến yêu” đã vinh dự đoạt giải A.

Trước đó, vào năm 2023, chị cũng là một trong 10 tác giả có bài hát được Trung tâm Văn hóa Hà Nội chọn làm bài hát tập huấn hè cho thiếu nhi thành phố - ca khúc “Hà Nội - Thủ đô em mến yêu”. Các ca khúc viết cho thiếu nhi của chị đều có ca từ trong sáng, giai điệu tươi vui, hào hứng, sôi nổi, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Các bài hát đã nhân lên niềm tự hào trong các em nhỏ khi được sống trong thành phố có bề dày lịch sử hàng nghìn năm.

Chị coi những sáng tác của mình về Hà Nội như một món quà, là trách nhiệm từ tận trái tim của người nghệ sĩ. Với chị, Hà Nội là đề tài rất rộng và đã có nhiều sáng tác nổi tiếng, song trách nhiệm và thách thức vẫn còn đó với các nhạc sĩ khi Thủ đô ngày càng được mở rộng, phát triển. Chị tìm cho mình một lối đi riêng, với việc chọn sáng tác những ca khúc thiếu nhi.

Dễ dàng nhận thấy trong những ca khúc của mình, chị đã vận dụng sáng tạo nét nhạc dân gian. Khi sáng tạo một tác phẩm khí nhạc hay một ca khúc thì chị vẫn mang tâm thế của người học nhạc cụ dân tộc. Chị cho rằng, âm nhạc dân gian là vốn quý của dân tộc, vì thế nhạc sĩ phải biết vận dụng, nâng tầm để phù hợp với cuộc sống đương đại.

Nhận xét về những sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Thúy My, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Ở Thúy My có được nỗ lực và sự quyết tâm rất lớn với âm nhạc. My đã lần lượt trải qua những vị trí, như ca sĩ, nhạc công rồi nhạc sĩ. Tất cả những công việc ấy có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ lẫn nhau để tạo ra một nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy My đầy tài năng hiện nay. Vốn là người học nhạc cụ dân tộc nên Mỹ đã vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn được những nét tinh túy của âm nhạc dân tộc vào trong các sáng tác của mình”.

NGÔ KHIÊM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/nhac-si-nghe-si-uu-tu-thuy-my-noi-dai-nhung-dam-me-797010
Zalo