Nhạc sĩ Hoàng Tạo: Người nhạc sĩ suốt đời gắn bó với Quân đội

Nhạc sĩ Hoàng Tạo (1936 - 2004) sinh ra tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1953, ông nhập ngũ rồi tập kết ra Bắc. Trong suốt cuộc đời gắn bó với Quân đội, ông đã sáng tác nhiều ca khúc với nhiều đề tài, đặc biệt là mảng ca khúc tạo dấu ấn tốt đẹp về người chiến sĩ.

Nhiều tác phẩm của ông đã đi cùng năm tháng như "Đưa anh đi hái măng rừng", "Tên lửa về bên sông Đà", "Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện", Mây trắng", "Pháo thủ Hàm Rồng", "Khúc ru tìm đồng đội"… Nhạc sĩ Hoàng Tạo được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Năm 2004, cách đây tròn 20 năm, nhạc sĩ Hoàng Tạo đã "buộc gọn lại chiếc ba lô", cũng là "khi con chim đầu cành gọi nắng xôn xao" để rồi ông bỏ lại cuộc đời phía sau nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn còn mãi với thời gian. Khi mới vào quân đội, ông làm cán bộ tài chính. Nhờ năng khiếu và đam mê sáng tác âm nhạc mà ông được đơn vị cho đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Học xong, ông công tác ở Đoàn Văn công Phòng không - Không quân (PK - KQ) rồi về Phòng Tuyên huấn Quân chủng PK-KQ cho đến khi về hưu. Gắn bó với lực lượng PK - KQ nên nhiều ca khúc của ông gắn liền với những sự kiện lịch sử của lực lượng PK - KQ.

Nhạc sĩ Hoàng Tạo.

Nhạc sĩ Hoàng Tạo.

Ca khúc "Tên lửa về bên Sông Đà" được nhạc sĩ Hoàng Tạo sáng tác ghi dấu ngày bộ đội tên lửa Phòng không Việt Nam xuất trận, đánh thắng trận đầu 24/7/1965. Ngay sau đó, bài hát đã trở thành bài ca truyền thống và đơn vị lấy tên bài hát làm tên hiệu đơn vị mình là "Đoàn Tên lửa Sông Đà".

Người viết bài này được nghe kể một chuyện vui: Khi mới ra đời, ca khúc "Tên lửa về bên Sông Đà" đã được tốp ca nam đoàn Văn công PK-KQ trình bày. Sau buổi báo cáo tác phẩm mới, một đồng chí lãnh đạo Quân chủng PK-KQ đã nhận xét (đại ý): "Bài hát về tên lửa gì mà lại "nhấm nha nhấm nhẳng" thế, nó phải khỏe, nhanh vun vút như tên lửa ấy chứ?". Anh chị em trong đoàn nhìn nhau lấm lét. Tác giả bài hát thì lặng im không nói gì…

Cho đến một buổi tối, khi đoàn được vinh dự biểu diễn trong một cuộc gặp gỡ quan trọng, có Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tới dự. Xem xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi bài "Tên lửa về bên Sông Đà" này rất hay! Nó vừa diễn tả được tình cảm của bộ đội Tên lửa, vừa khẳng định khí thế dũng mãnh của một đoàn tên lửa trong đêm hành quân để đi tới chiến thắng… Sau này, nhiều lần anh em văn nghệ sĩ ngồi với nhau đều đồng tình khâm phục tài thưởng thức, thẩm định âm nhạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970, tốp ca nam biểu diễn ca khúc này đã giành được Huy chương vàng đầy ấn tượng. Và kể từ đó đến nay "Tên lửa về bên Sông Đà" đã trở thành ca khúc truyền thống của bộ đội PK-KQ với tràn đầy niềm tự hào, phơi phới tin yêu về một lực lượng anh hùng: "Đêm nay ta về bên sông Đà, rừng phấp phới nở hoa. Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt…"!

Bài hát "Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện" được nhạc sĩ Hoàng Tạo viết khi cuộc chiến tranh Biên giới vừa xảy ra (1979). Trước dã tâm xâm lược của kẻ thù thì bất kỳ người lính nào cũng sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh người lính hiện lên trong những câu hát thật đẹp: "Ba lô nhẹ nhàng, khẩu súng trong tay. Là bài ca tình nguyện vì Tổ quốc yêu thương… Đầu súng trăng treo biên giới, nơi biên giới, gió đã nổi! Thôi thúc bài ca lên đường".

Viết về chuyến bay Vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân, Hoàng Tạo có ngay ca khúc "Những mùa bay đôi" đánh dấu chuyến bay lịch sử của Anh hùng Liên Xô Gorbatko và Anh hùng Phạm Tuân (ngày 23/7/1980). Tiết mục này do tứ ca nữ đoàn Nghệ thuật Không quân biểu diễn đã giành Huy chương vàng trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong "Khúc ru tìm đồng đội", ta ngỡ như là trong từng giây phút của những ngày hòa bình xây dựng đất nước, lòng người không nguôi một khúc ru... Ta ru bạn, ru anh đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình:

Ơi à bạn, ơi à anh
Đất đai lặng yên đầy tình,
Có thiêng thì cho mình gặp...

Hình ảnh đi tìm đồng đội vẫn dành để trong lòng ta một chỗ thiêng, vẫn đau đáu một niềm tin "đi tìm đồng đội" - gặp lại chỗ anh nằm nơi chiến trường xưa. Bài hát đã vào bộ phim cùng tên "Đi tìm đồng đội" của Điện ảnh Quân đội Nhân dân và đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 tại Hải Phòng. Rồi "Quần đảo đồng đội", "Những mùa bay đôi"... mỗi lần những ca khúc ấy được vang lên, chúng tôi lại thấy bồi hồi như gặp lại những sự kiện, những kỷ niệm không thể nào quên.

Từ phải sang: Các nhạc sĩ: Hoàng Tạo, Ngọc Khuê, Văn Cao, AHLLVT Nguyễn Văn Cốc, bà Thúy Băng, nhạc sĩ Văn Dung.

Từ phải sang: Các nhạc sĩ: Hoàng Tạo, Ngọc Khuê, Văn Cao, AHLLVT Nguyễn Văn Cốc, bà Thúy Băng, nhạc sĩ Văn Dung.

Trong quá trình sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Tạo thường không tránh né những điều gai góc mà ở đó bắt gặp sự mạnh dạn tìm tòi, khai thác. Từ những gắn bó tích cực với cuộc sống đã khơi nguồn cho những bài ca như thế: Một "Cây măng rừng", một "Mưa trên chốt", một "Chú ngựa hồng lên điểm tựa", một "Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện", một "Khúc si mê Đảo Hòn Mê", "Hát lên mùa xuân Công binh", một "Kho hàng", một "Ru bích tình yêu" ... những điều tưởng như nhỏ bé bất ngờ kia đã rung ngân thành giai điệu. Như không kể đâu là đề tài lớn, đâu là đề tài nhỏ mà quan trọng là cách nhìn và sự phát hiện để tìm ra một hình tượng âm nhạc. Nhạc sĩ Hoàng Tạo là người tài tình trong việc tìm ra những đề tài thú vị, một giai điệu cởi mở, một nhóm lời ca ý nhị hay là một khúc thức sáng tạo...

Giai điệu trong các ca khúc của Hoàng Tạo thường gần gũi với chất dân ca. Gần gũi nhưng không dễ dãi, không bị "dân ca hóa". Trong nhiều tác phẩm của Hoàng Tạo, người ta tin rằng để tìm thấy cái "gồ ghề bất ngờ" kia là sự sắp xếp có ý tứ, dễ mến, dễ yêu và thấm lâu. Mới đầu cảm thấy khó hát, khó nghe mà càng hát, càng nghe lại càng thấy yêu mến ca khúc của ông.

Những điều riêng - chung của mình, ông cũng đã gửi gắm vào khá nhiều tác phẩm. Hình như đâu đó đều có cái riêng chung của một mình, của một người và của mọi người. Những bóng dáng riêng - chung ấy như mối dây liên tưởng hàm súc những mến thương luôn tìm nhau và để gặp nhau. Có một điều không nhiều người biết, những niềm riêng - chung ấy được thể hiện rất rõ trong một số ca khúc của ông. Chung thì mọi người đều biết, nhưng để nói đến những điều sâu kín, riêng tư nhất của cuộc đời, để nói về một người phụ nữ yêu quý của ông thì phải ngẫm mới ra: "Mây ơi mây của ta, bốn mùa mây trắng mây hồng/ Nhắn giùm cho ta, sẽ cùng đăm đắm chân mây/ Mây ơi mây của ta/ Mây ơi mây cùng ta! (Mây trắng). Hay là, "Kìa là mây, mây ơi cứ xa xôi/ Sao em không là mây, mây bên mây bồng bềnh?" (Én trắng).

Mặc dù trong cuộc sống riêng tư, có một khoảng thời gian dài hai ông bà xa nhau, nhưng ông luôn nhớ và viết những dòng ấy "Sao em không là mây, mây bên mây bồng bềnh?". "Mây" hay "Vân" là thế, là "Mây hồng" thì cũng "Hồng Vân" đó thôi… Đâu chỉ viết về trời mây cho Không quân, mà ông còn gửi gắm vào đó với bao tình thương mến, những điều chung, riêng ấy được hòa quyện trong nhau.

Cho đến thời gian ông lâm bệnh và mất (năm 2004), thì bà cùng con trai, con dâu và các cháu đã làm tròn bổn phận của mình. Ông đã cảm thấy hạnh phúc vì những người thân yêu đã ở bên và trên tay, trên ngực ông vẫn tỏa hơi ấm của sự sống những tác phẩm của mình được gom lại trong cuốn sách tuyển tập nhạc của ông với tựa đề "Theo dấu măng rừng". Cuốn sách dày 258 trang, chứa đựng 120 bản nhạc cùng phụ lục (Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành) được gửi từ Hà Nội vào ngay khi ông còn cảm nhận được.

Hoàng Tạo rất duyên với "Đưa anh đi hái măng rừng", đã hát lên niềm lạc quan yêu đời, trẻ trung mà trải nghiệm cùng nhắn gửi thiết tha "nhớ lắm mai khi vui chiến thắng". Anh vẫn đuổi theo những dòng đời kỷ niệm, những bài ca tình nguyện, vẫn cứ hồn nhiên, yêu đời như "Khi ta buộc gọn lại chiếc ba lô, là khi con chim đậu cành gọi nắng xuân sang. Tiếng hát nhắc gì mà ríu rít vui"… Như khi xưa gặp cô gái nuôi quân binh trạm đã đưa nhạc sĩ đi hái măng rừng vậy. Không riêng gì Hoàng Tạo mà tất cả chúng ta đều tình nguyện gắn bó với bao đau khổ sướng vui của cuộc đời, tự nguyện sống ở bên nhau và để dành cho nhau.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhac-si-hoang-tao-nguoi-nhac-si-suot-doi-gan-bo-voi-quan-doi-i753921/
Zalo