Nhạc sĩ 'Bà tôi' ra mắt tập thơ 'Hỗn độn và khu vườn'
Tập thơ 'Hỗn độn và khu vườn' của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp cùng Công ty Nhã Nam ra mắt bạn đọc trong mùa hè 2024.
Sách dày 268 trang, được chia làm 5 chương, gồm: Hoa lạ, Hỗn độn và khu vườn, Trầm cảm đô thị, Chàng thơ, Hoa nở không tên, mang đến một hình dung về những chặng đường đời, những chặng đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã với câu hỏi tôi là gì, và ở phần cuối là mảnh tâm tư đã nhiều phần tìm được chốn bình yên. Nếu đọc từ đầu đến cuối tập thơ, độc giả sẽ thấy được một giọng thơ riêng trôi chảy, ý thơ tuột ra như không, bất chấp các ranh giới của thể loại, vần điệu, của truyền thống và thể nghiệm. Nguyễn Vĩnh Tiến chu du từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi chán chường hiện tại. Chính vì thế, đọc thơ anh người đọc hay gặp bất ngờ, từ những câu lục bát thả ngang trong một bài thơ văn xuôi, hay những câu kết bài “chốt hạ” độc đáo, hay những liên tưởng thú vị của một tâm hồn giàu có. Nguyễn Vĩnh Tiến đôi khi dừng lại, tạt ngang, hoặc phóng vụt lên trước, khiến cho cuộc du ngoạn trong vườn thơ của anh có đầy sự kỳ thú.
Có hai nhân cách hiển hiện trong thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, con người của nhà quê và con người của lang bạt. Con người nhà quê nhớ thương nguồn cội, nhớ về ông bà, đám giỗ, với bờ ao, mảnh vườn, tường gạch, cọng rơm… Còn con người lang bạt, lang bạt nơi thị thành hay lang bạt trong cõi riêng, hiện ra mơ mộng hơn, suy tư hơn, chán chường hơn, lại có chút bông phèng bất cần đời.