Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần lấy 'giáo dục' là tinh thần lớn nhất

Giáo dục phải là tinh thần lớn nhất của NXB Giáo dục Việt Nam; doanh nghiệp, kinh doanh là công cụ để thực hiện trách nhiệm giáo dục với xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh.

Sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự Lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hai từ “giáo dục” không chỉ là tên gọi mà còn phải là tinh thần, triết lý

Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Phát biểu chúc mừng ông Nguyễn Tiến Thanh nhận quyết định bổ nhiệm, chúc mừng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiện toàn nhân sự chủ chốt để bước vào chặng đường mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhắc lại bề dày truyền thống, vai trò, đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với mỗi học sinh, mỗi nhà giáo, với ngành Giáo dục và đất nước.

Theo Bộ trưởng, mỗi học sinh, mỗi nhà giáo đi qua hoạt động giáo dục đều nhớ, đều biết đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bởi những ấn phẩm ở đây đã hết sức quen thuộc và có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với giáo dục Việt Nam.

“Trong quá trình phát triển, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp cho nền giáo dục của nước nhà. Những năm gần đây, trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đổi mới, tiên phong trong đổi mới và đã có nhiều đóng góp, đặc biệt trong biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Bộ trưởng nhận định.

Nhấn mạnh sự sâu sát của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ trong thời gian qua với các hoạt động của Nhà xuất bản và sự nỗ lực vượt qua khó khăn với tinh thần đổi mới chính mình của mỗi cán bộ, nhân viên, Bộ trưởng đánh giá: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành được trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Các bộ sách giáo khoa được xuất bản bảo đảm đúng tiến độ, số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn, đồng thời đã có những cố gắng trong giảm giá sách giáo khoa. Điều này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, nỗ lực, Bộ trưởng cũng cho rằng, so với kỳ vọng của đất nước, của ngành Giáo dục và của mỗi học sinh, giáo viên vẫn còn những việc khiến dư luận xã hội băn khoăn, trăn trở về sự phát triển và đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.

Đứng trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Bộ trưởng cho rằng, so với các tập đoàn kinh tế lớn, quy mô của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn nhỏ bé; song xét về phương diện vị trí, vai trò, sự ảnh hưởng, tác động xã hội, sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội đối với đơn vị lại vô cùng lớn. Do đó rất cần sự quyết tâm, nỗ lực hơn nữa từ nhân sự mới, từ đội ngũ cán bộ, nhân viên để tiếp tục đưa Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vào chặng đường mới với kỳ vọng mới.

Nhận định biên soạn SGK đã đi được một chặng đường quan trọng, nhưng theo Bộ trưởng, chặng đường sắp tới không chỉ là câu chuyện SGK. Nhà xuất bản cần có những đột phá, tiên phong trong chặng đường đổi mới sắp tới của ngành Giáo dục. Theo đó, không chỉ xuất bản SGK, tư liệu tham khảo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần cung cấp các ấn phẩm khác phục vụ nghiên cứu, học thuật, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật… vừa nâng cao dân trí, vừa phục vụ mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, đúng như mục tiêu đổi mới giáo dục – đào tạo.

“Hai từ “giáo dục” không chỉ là tên gọi mà còn phải là một tinh thần, một triết lý. Chúng ta không phải là một doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh SGK, mà là một nhà xuất bản cần mô hình hoạt động của doanh nghiệp để hoàn thành trách nhiệm của giáo dục… Lúc này, tinh thần giáo dục phải là tinh thần lớn nhất của nhà xuất bản.

Doanh nghiệp, kinh doanh, thu lợi là công cụ để chúng ta thực hiện trách nhiệm giáo dục với xã hội” - từ nhấn mạnh này, Bộ trưởng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những điều chỉnh về chiến lược, cơ cấu tổ chức bộ máy. Phải có sự cải tổ từ bên trong, phát huy truyền thống của Nhà xuất bản với đội ngũ chuyên gia, nhà biên tập hùng hậu để thực hiện tốt trách nhiệm với ngành, với đất nước.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng giám đốc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua nhiều thách thức đang đặt ra. Đó là thách thức để làm sao để vừa chỉ huy đúng các vai, thuộc bài, đúng trách nhiệm và vận hành được Nhà xuất bản một cách tốt nhất.

Nhà xuất bản có quy mô hoạt động lớn, bộ máy còn cồng kềnh. Vận hành sao cho hiệu quả, đổi mới được một cách hợp lý cũng là một thách thức.

Đổi mới được mục tiêu hoạt động, nâng cao vị thế, uy tín của Nhà xuất bản, đáp ứng kỳ vọng của ngành, của đất nước; làm sao giải quyết được những tồn đọng của quá khứ để làm tốt hơn… Đó là áp lực, thử thách, và còn nhiều điều nữa đặt ra trước mắt.

Bộ trưởng mong tập thể ban lãnh đạo Nhà xuất bản cùng chung tay đoàn kết một lòng; thực sự nhận thấy tầm quan trọng, hệ trọng của sự đoàn kết. Bài học của thời kỳ đã qua có nhiều điều chúng ta phải rút kinh nghiệm. Đó là bài học về sự tuân thủ phát luật, bài học về sự phối hợp công tác, của sự công khai minh bạch, đó là bài học trách nhiệm với ngành… Cần rút kinh nghiệm để bước vào giai đoạn phát triển mới.

Về phía Bộ GD&ĐT, Lãnh đạo Bộ trong thời gian vừa qua càng ngày càng thấy cần phải theo sát đơn vị hơn, lãnh đạo một cách kịp thời và chặt chẽ hơn. Với tinh thần đó, cá nhân Bộ trưởng và Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng được phân công trực tiếp chỉ đạo Nhà xuất bản sẽ theo sát hoạt động và hỗ trợ Nhà xuất bản hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình.

Nhân đây, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến Hội Luật gia Việt Nam đã chia sẻ cán bộ cho Bộ GD&ĐT; cảm ơn các cơ quan, bộ, ngành, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hết sức ủng hộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát biểu.

Mục tiêu cốt lõi: Cung ứng đủ, kịp thời sách giáo dục với chất lượng cao, giá thành rẻ

Phát biểu nhận nhiệm vụ, thay mặt tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ cảm ơn đến Lãnh đạo cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT, cơ quan chỉ đạo xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), cơ quan quản lý xuất bản (Bộ Thông Tin - Truyền Thông) và các cơ quan chức năng đã quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong mọi mặt hoạt động của Nhà xuất bản trong thời gian qua; đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tiến Thanh đồng thời chia sẻ những tâm sự trong thời gian đầu nhận nhiệm vụ, cũng như nỗ lực của cả tập thể Nhà xuất bản trong thời gian qua, tạo dựng nên thương hiệu của một nhà xuất bản luôn hoàn thành nhiệm vụ với sự nghiệp giáo dục, với xã hội, đồng thời luôn dẫn đầu thị trường xuất bản cả về uy tín lẫn sản lượng và doanh thu.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng nỗ lực trong việc giảm giá SGK; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm sách giáo dục khác để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, hướng tới những giá trị mang tính phục vụ cộng đồng đã mang lại hiệu quả.

“Đối với cá nhân tôi, tôi hiểu rằng, công việc có thể là mới mẻ, môi trường công tác và những kỹ năng cần thiết trong việc quản trị có thể mới mẻ, nhưng những giá trị mà tôi cần dựa vào để hoàn thành công việc của mình trong thời gian tới lại là những điều rất cũ: tinh thần đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi, sự liêm chính và tận tâm với trách nhiệm được giao…” - chia sẻ điều này, ông Nguyễn Tiến Thanh đồng thời nhận thấy rõ, với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tổ chức tốt công việc sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, cải thiện đời sống người lao động…

Việc bảo toàn vốn Nhà nước, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là phương tiện, là công cụ để thực hiện mục tiêu mang tính giá trị cốt lõi: hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nghĩa vụ xã hội, đó là cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách giáo dục nói chung và SGK nói riêng.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, sinh năm 1968, có hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí. Quá trình công tác của ông Thanh trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Phóng viên báo Thanh Niên; Phó ban biên tập báo Thanh Niên; Phó Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội; Phó Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật; Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật; Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-can-lay-giao-duc-la-tinh-than-lon-nhat-post686623.html
Zalo