Nhà văn Trần Quốc Toàn - Vẫn nhớ về Hà Nội

Ở tuổi 75, nhà văn Trần Quốc Toàn vẫn khiến không ít người ngạc nhiên vì sự xông xáo, nhiệt huyết dành cho chữ nghĩa. Ông vừa ra mắt tập truyện ký Phố hàng thương hàng nhớ (NXB Dân Trí), gợi nhắc nhớ về 'Thủ đô yêu dấu', nơi ông được sinh ra và lớn lên, để rồi sau đó là chuỗi ngày xuôi Nam đến tận bây giờ.

1. Trong bài viết được chọn làm tên cho tập sách, nhà văn Trần Quốc Toàn viết mà như đang bộc bạch cõi lòng của mình: “Sinh ở Hàng Ngang, lớn lên ở Hàng Trống, đón tiếp quản thủ đô ở ngã tư Hàng Bông, Hàng Hòm, Hàng Trống rồi xa Hà Nội từ phố Hàng Thùng… Bây giờ nhìn về nơi ấy thấy đâu đâu cũng là hàng nhớ, hàng thương! Nhớ quá thì tìm người Hà Nội đang xa Hà Nội mà hàn huyên”.

 Nhà văn Trần Quốc Toàn trong phòng làm việc của mình

Nhà văn Trần Quốc Toàn trong phòng làm việc của mình

Phức cảm nhớ thương Hà Nội hẳn ai cũng đều có nếu đã từng sống hoặc có lần ghé qua, nhưng phức cảm ấy càng đậm đặc hơn với một người được sinh ra ở Hà Nội, nhất là trong những ngày Hà Nội đang bị tạm chiếm, với bao nhiêu thiếu thốn, vất vả vì đạn bom. Và giờ đây, như một tâm lý chung của những người đã ở bên kia con dốc cuộc đời, sự ngóng vọng về Hà Nội càng rõ ràng hơn. Phố hàng thương hàng nhớ là minh chứng cho tấm lòng ấy của ông.

Tác phẩm được chia làm 2 phần tương ứng với 2 thể loại: truyện và ký. Nhưng dẫu bằng thể loại gì thì điều dễ dàng nhận thấy trong đó là niềm thương nhớ da diết dành cho Hà Nội, được viết bằng sự chậm rãi, như thủ thỉ, như chuyện trò. Đặc biệt, ở phần truyện ngắn, nhà văn Trần Quốc Toàn chủ ý tạo ra một phong cách riêng của mình khi xóa mờ ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu. Đọc Một chiều hồ Gươm, Thầy là Hà Nội của tôi, Người viết bằng Tổ quốc ghi công, Người mẫu vô danh… bạn đọc mơ hồ nhận ra những con người, những câu chuyện có thật ngoài đời. Điều này cũng có thể xem như một cách tạo thêm dư vị cho người đọc văn chương.

Nhà văn Trần Quốc Toàn bảo, sau nhiều năm làm báo, viết văn, một cách tự nhiên, đề tài về Hà Nội hình thành trong ông. “Nhà văn đến một tuổi nào đó, khi có đủ điều kiện nhìn lại thành quả của mình, có người sẽ dũng cảm dừng lại, cũng có người quyết định bước tiếp. Tôi thấy mình vẫn còn khỏe, vẫn còn nhiều đam mê, tâm huyết với chữ nghĩa, nếu dừng lại thì không khiến mình thỏa mãn với bản thân mình. Tôi xem đây là thời kỳ hậu thu hoạch của mình”, nhà văn Trần Quốc Toàn chia sẻ.

2. Nhà văn Trần Quốc Toàn có một cuộc đời dịch chuyển đầy thú vị. Năm 1970, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông lên Ba Vì (trước là Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) dạy học. Giống như bao thế hệ thanh niên Hà Nội thời đó, sau ngày đất nước thống nhất, ông quyết định vào Nam để thỏa chí tang bồng của một người trai Hà Nội mang trong mình đam mê văn chương.

Năm 1976, ông vào Đồng Tháp dạy học rồi lập gia đình với một cô giáo miệt vườn. Được mấy năm, từ sự thúc giục mạnh mẽ trong lòng, một lần nữa ông lại dịch chuyển lên TPHCM để có thể chuyên tâm làm báo viết văn. Năm ấy, đi cùng ông trên “con xe 50” từ Lấp Vò lên TPHCM còn có hai cậu con trai, đứa lớn chuẩn bị vào lớp 6, còn đứa nhỏ lớp 2. Riêng người vợ của ông mãi sau này mới chuyển lên TPHCM. Cả gia đình ông sống trong căn nhà nhỏ xinh dưới chân cầu Bông (quận Bình Thạnh) từ đó đến giờ.

Lên định cư ở TPHCM, ngoài làm báo, nhà văn Trần Quốc Toàn còn chuyên tâm sáng tác, đặc biệt là dành cho thiếu nhi. Ông là tác giả của bài thơ Mẹ và cô được đưa vào sách giáo khoa nhiều thời kỳ khác nhau. Đến nay, nhà văn Trần Quốc Toàn đã có 38 đầu sách, trong đó đa phần là các tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Tháp Mười nhỏ, Nhà có đội xiếc thú, Sở thú mười hai con giáp, Cây me nước đeo vòng cẩm thạch, Học trong bụng mẹ, Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Nhành cọ non, Lộc vừng hồ Gươm đường Trường Sa, Cô Vít chưa qua cô Vịt đã tới…

Ở tuổi 75, nhà văn Trần Quốc Toàn vẫn xông xáo tham dự các chương trình giao lưu, giới thiệu sách để viết báo. Ông trở nên nổi bật với mái đầu bạc, chăm chú ghi chép, có lúc đi lại chụp ảnh giữa rất nhiều đồng nghiệp trẻ. Ông cũng hoạt động trên facebook khá sôi nổi.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, nhà văn Trần Quốc Toàn khiến nhiều người lấy làm thú vị khi chia sẻ việc “làm những bài tập luyện bút” mỗi ngày: “Viết để ngược thời gian, bé lại thành thí sinh thi vào trường tiểu học, chờ lớn lên dự một khóa “cao khảo” diễn ra trên khắp thế giới”. Từ bài tập đó mà nhiều bài thơ dễ thương, vui nhộn dành cho các em nhỏ được ra đời: “Quả bí rợ lùn tịt/ Quàng tay bầu hồ lô/ Quầy dừa xiêm cao tít/ Quơ tay xanh che mưa” (Người lùn tịt dễ thương).

Năm 2025 sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng và ý nghĩa: 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, xong tác phẩm Phố hàng thương hàng nhớ, nhà văn Trần Quốc Toàn cũng đang thực hiện cuốn sách về 50 nhân vật văn nghệ sĩ của TPHCM, chọn lọc từ vài trăm nhân vật ông đã viết thời gian qua, như một cách bày tỏ tình cảm với nơi mình đã sống và cầm bút hơn 30 năm. Cùng với đó là một tác phẩm truyện dài dành cho thiếu nhi, viết về tuổi thơ ở Hà Nội với tên gọi Bí mật đáy hồ thiêng.

Nhà văn Trần Quốc Toàn có một phòng làm việc riêng. Ở đó có tủ sách hàng ngàn cuốn với nhiều thể loại khác nhau. Ông bảo, thời gian của ông không còn nhiều. Vậy nên, đều đặn mỗi ngày, ông đều thức dậy từ 2 giờ sáng rồi ngồi vào bàn viết. Ông luôn cố gắng thu xếp để tham dự các trại viết hay các chương trình giao lưu ra mắt sách, đó là cách để ông được sống với nhiều vùng đất, được sống với không khí văn chương và gặp gỡ bạn bè. Rồi từ đó, đam mê chữ nghĩa tiếp tục được nuôi dưỡng và cho những thành quả ngọt ngào.

Nhà văn Trần Quốc Toàn từng được tặng thưởng các huy chương: Vì thế hệ trẻ (2 lần), Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật, Vì sự nghiệp giáo dục. Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng Thơ - Báo Văn Nghệ (1973), Giải thưởng Truyện ngắn - Báo Văn Nghệ (1985), Tặng thưởng của Ban Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam (1995), Giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học “Vì tương lai đất nước” lần 2 (1997), Giải thưởng Thơ cuộc thi sáng tác văn học “Tương lai vẫy gọi” - Báo Thiếu niên Tiền Phong 1998-1999, Giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần 3 (2005), Giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học của dự án Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2007)…

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-van-tran-quoc-toan-van-nho-ve-ha-noi-post747012.html
Zalo