Nhà văn Nguyễn Đình Tú - Sóng chữ từ cửa biển

Nhà văn Nguyễn Đình Tú tuổi Giáp Dần - 1974, mệnh Thủy (Đại Khê Thủy) nên tính cách anh mang đặc tính của nước với sự mềm mại, ưa thích tự do và một sức mạnh đáng gờm. Có lẽ vậy nên trước những khó khăn, thử thách mới, Tú luôn hứng khởi, tìm cách vượt qua nó hơn là ngần ngừ, thoái thác.

1. Đêm khuya lắc. Gió từ vịnh Hạ Long từng cơn thổi tới. Rượu sá sùng mềm môi thanh xuân. Anh còn trẻ lắm và duyên chuyện. Bọn đàn em văn chương chúng tôi hứng từng lời anh rót vào, như mặt biển ngoài kia đang khao khát uống thỏa từng sợi trăng vàng... Đêm ấy, lũ người trẻ chúng tôi về phòng muộn, mỗi đứa đều mang theo một cảm xúc của riêng mình, với tôi, bức chân dung về nhà văn Nguyễn Đình Tú đã thêm những mảng màu: thanh xuân - nhiệt huyết - hào hoa - tài chuyện, nhưng cũng sắc lẹm, mặn lời.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

2. Thời gian gió cuốn, nước trôi. Xuân Ất Tỵ này chàng văn nhân hơn ba mươi tuổi trò chuyện với chúng tôi tại đêm biển Hạ Long năm xưa đã bước qua tuổi năm mươi. Nhưng khi gặp anh hoặc ngắm anh qua Facebook sẽ không ai nghĩ nam nhân này đã sang bên kia con dốc của đời người. Vẫn là Tú của hai mươi năm về trước: hào hoa, năng động, ham rong ruổi, duyên chuyện và luôn trẻ trung, làm mới mình.

Hình ảnh Tú đã phá vỡ “khuôn mẫu” về một ông Đại tá, nhà văn quân đội trong suy nghĩ của nhiều bạn văn và độc giả. Phong cách giao tiếp, ăn mặc của anh khác xa với rất nhiều nam văn nhân cùng lứa, cả trong và ngoài quân đội. Tú theo đuổi phong cách năng động, trẻ trung, biến hóa nên cánh trẻ thường gắn cho anh biệt danh “hot boy” làng văn.

3. Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, văn đàn chứng kiến sự xuất hiện đội hình hùng hậu của các cây viết trẻ: Nguyễn Vĩnh Tiến, Trang Hạ, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Châu Giang, Hoàng Anh Tú, Đàm Huy Đông, Bình Nguyên Trang, Phong Điệp,... Tú xuất hiện giữa làng văn khi là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội và bắt đầu nổi tiếng với truyện ngắn “Chim quý về trời” đoạt giải cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền phong.

Và từ đó, chàng trai đất Cảng như một con tàu hăm hở lao ra biển lớn văn chương. Tú giành hàng loạt các giải thưởng văn chương uy tín khi tuổi đời còn khá trẻ, đặc biệt là giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1999 khi mới hai lăm tuổi. Chính giải thưởng này tạo ra bước ngoặt lớn trong văn nghiệp của anh, bởi sau đó không lâu anh được Nhà số 4 mời về đầu quân cho ban Văn xuôi. Từ biên tập viên rồi Trưởng ban, Phó tổng biên tập, Nguyễn Đình Tú cùng các đồng đội, nhà văn thế hệ 7X tạo nên một luồng gió mới cho “ngôi đền” văn chương - Nhà số 4.

4. Cách đây gần hai chục năm, khi còn học lớp giáo viên tại Hà Nội, tôi hay lân la vào các hiệu sách báo cũ quanh khu phố Phạm Văn Đồng để tìm những cuốn sách bấy lâu mong gặp. Một lần, trong xấp báo ố vàng tôi thấy những bài thơ của Nguyễn Đình Tú.

Sau này, trong một cuộc trò chuyện Tú chia sẻ ngày mới bén duyên văn chương, anh “đi” bằng cả “hai chân” văn xuôi và thơ. Thậm chí, anh còn đoạt giải cuộc thi thơ, cũng trên Báo Tiền phong! Nhưng rồi, nhận được lời khuyên của các tiền bối và chính anh cũng ngộ ra nếu vẫn còn tham lam dan díu với thơ khi đã quyết trở thành một tiểu thuyết gia là điều không dễ dàng. Hiếm người cùng lúc làm tốt nhiều việc khi năng lượng, tinh lực bị phân tán. Thế nên, Nguyễn Đình Tú dứt tình đoạn tuyệt nàng Thơ, nhẹ nhàng như chia xa một mối tình thời hoa mộng.

Tiểu thuyết “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú

Tiểu thuyết “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú

Nếu nói “nhà văn là thư ký trung thành của thời đại” (Balzac) thì Nguyễn Đình Tú là người thư ký xuất sắc của thế hệ mình. Biên độ đề tài sáng tác của anh khá đa dạng, từ chiến tranh - cách mạng, người lính hôm nay, đến đời sống thị dân, tội phạm, thiếu nhi... Nguyễn Đình Tú rất giỏi “phù phép” các nhân vật của báo chí, của những lời đồn thổi trong giới giang hồ,... thành những nhân vật đặc sắc trong tác phẩm văn học.

Tướng cướp Phạm Bạch Đàn (Hồ sơ một tử tù) được nhào nặn từ những tên tội phạm có xuất thân là sinh viên mà Tú từng nghiên cứu hồ sơ hoặc tiếp cận. Đọc tiểu thuyết “Phiên bản” độc giả không khó nhận ra Hương Ga đậm nét “chân dung” bà trùm xã hội đen đất Cảng một thời - Dung Hà. Và mới đây, câu chuyện trong “Lửa thiên đường” - tác phẩm tham dự cuộc thi truyện ngắn 2023 - 2024 của Báo Văn nghệ làm độc giả nhớ đến một thiền am tốn không ít giấy mực của báo chí.

Tú không né tránh bất cứ vấn đề gì, nhất là những cái mới, cái lạ tác động tiêu cực đến đời sống đương đại. Những hiện tượng dị biệt như đồng tính, ma túy, lên đồng, quần hôn,.. được nhà văn đưa vào tác phẩm một cách trực diện, phơi mở hết những gì là bề mặt của hiện tượng, đồng thời đi tìm cái hạt nhân bên trong của nó.

Đặc biệt, tội phạm là một đề tài thành công của Nguyễn Đình Tú. Nhà văn không chủ đích mô tả các tình tiết gay cấn, rùng rợn, man rợ để câu khách như một số tác phẩm vụ án của các tác giả giai đoạn trước vẫn hay bị “miệt thị” là dòng tiểu thuyết “ba xu”. Nguyễn Đình Tú “lặn sâu” vào vùng hỗn mang tăm tối, thế giới bí ẩn bên trong nhân vật để thấu hiểu, lý giải về hành trình của cái ác, tội ác.

Vệt tác phẩm này bắt đầu từ “Hồ sơ một tử tù”, tiểu thuyết được hoàn thành khi tác giả mới hai mươi tám tuổi, là tác giả trẻ nhất đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết và ký do Hội Nhà văn và Bộ Công an phối hợp tổ chức năm 1998 - 2002. Tiếp đến là “Nháp”, “Phiên bản”, “Kín”, “Cô Mặc Sầu”. Hàng loạt các tiểu thuyết về tội phạm mang tính “thời thượng” của Nguyễn Đình Tú liên tiếp trình làng đã khẳng định một sức sáng tạo đáng nể của nhà văn thông minh, tài hoa. Dạo ấy, anh trở thành nhà văn “hot”, ăn khách phía Bắc. Người ta có cảm giác rằng năng lượng chữ trong Nguyễn Đình Tú tựa hồ những con sóng từ cửa biển ùa ạt không ngưng nghỉ.

Tôi vẫn nhớ có một diễn đàn hoạt động rất sôi nổi tập hợp lực lượng khá lớn những người hâm mộ Nguyễn Đình Tú và tác phẩm của anh. Giới mộ điệu tác phẩm của nhà văn rất đa dạng, có thể ở trong nước hoặc nước ngoài, ở mọi độ tuổi, thành phần từ văn nghệ sĩ, giới trẻ, nhất là các bạn sinh viên, người làm nghề tự do, thậm chí cả những tên tội phạm. Tôi từng biết có một người đang thụ án hình sự, vì mê tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú mà anh ta đã cầm bút ngay khi đang ở trong tù; sau này anh ta ra sách và chính nhà văn quân đội đã đến dự.

5. Nguyễn Đình Tú tuổi Giáp Dần - 1974, mệnh Thủy (Đại Khê Thủy) nên tính cách anh mang đặc tính của nước với sự mềm mại, ưa thích tự do và một sức mạnh đáng gờm. Có lẽ vậy nên trước những khó khăn, thử thách mới, Tú luôn hứng khởi, tìm cách vượt qua nó hơn là ngần ngừ, thoái thác. Thông minh, nhạy bén, hoạt ngôn nên trong các kì cuộc, diễn đàn nào đó, anh có thể “cứu nguy” bạn bè, cộng sự thoát khỏi một “bàn thua” ngoạn mục. Nhưng “đồng bọn” hãy dè chừng, rất có thể khi Tú “say” quá, “bon” miệng quá thì anh sẽ chiếm spotlight và “đồng bọn” thành những kẻ... vô hình!

Năng động, thích cảm giác mới nên Nguyễn Đình Tú không chịu ở yên một chỗ, ngay khi anh còn gánh những trách nhiệm của một Phó Tổng biên tập ở cơ quan hay lúc đã rảnh rang hơn với công việc chuyên tâm sáng tác. Anh không muốn làm một công việc gì đó quá lâu, bước ngoặt từ Viện Kiểm sát Quân khu 3 về Tạp chí Văn nghệ quân đội là lúc anh thấy đã đủ với vai trò cán bộ kiểm sát. Rồi khi xin thôi chức Phó Tổng biên tập Tú chia sẻ rằng lúc anh phải kết thúc một công việc nào đó là khi anh thấy không còn hứng thú nữa. Có một dạo Tú bảo muốn làm diễn viên, đạo diễn hoặc nhà biên kịch.

Tính khí vậy nên dường như các món đồ của Tú cũng không ở bên chủ nhân được lâu. Chính tôi và các bạn văn khác như Trần Đức Tĩnh, một vài anh em học viên lớp Viết văn quân đội khóa 1 từng được anh tặng cho món đồ gì đấy mà trước đó ít phút nó còn trên người văn nhân có cá tính rất thú vị này. Rất có thể trong buổi offline nào đó với các fan dễ mà anh cởi áo, nhấc mũ, đồng hồ,... ném tặng người hâm mộ như mấy chàng ca sĩ vẫn thường làm trên sân khấu.

Tôi vẫn còn giữ cuốn sách, đương nhiên là cả chiếc vòng gỗ anh tặng ở trại viết Hạ Long. Dự định mấy chục năm nữa gia đình anh có làm nhà lưu niệm nhà văn Nguyễn Đình Tú thì tôi sẽ hồi lại cả cuốn sách và chiếc vòng kia.

Và khi ấy, biết đâu, số đầu sách của anh đã có thể lên đến gần trăm.

Nguyễn phú

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-van-nguyen-dinh-tu-song-chu-tu-cua-bien-i759111/
Zalo