Nhà văn Lê Minh Quốc: Bản sắc, linh hồn tiếng Việt là lắt léo, lịch lãm, uyển chuyển tài tình
Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm của tác giả Lê Minh Quốc là tựa sách mới nhất vừa được phát hành thuộc bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của Nhà xuất bản Trẻ, tiếp tục khẳng định sự phong phú, tình cảm, thâm thúy, uyển chuyển tài tình của bản sắc và linh hồn tiếng Việt.
Tác phẩm Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm thể hiện nỗ lực của tác giả Lê Minh Quốc góp thêm minh chứng tiếng Việt luôn mở rộng, biến đổi, “ngày càng trở nên phong phú hơn, diễn tả được nhiều điều hơn nhưng vẫn theo cách rất Việt Nam”.
Lắt léo và lịch lãm
Trong tác phẩm mới, tác giả Lê Minh Quốc khảo sát sự biến hóa muôn màu muôn vẻ của tiếng Việt, đào sâu và khám phá sự đa dạng phương ngữ vùng miền Trung Bộ và Nam Bộ. Ông Quốc cũng đặc biệt nghiên cứu sâu rộng văn chương bình dân, từ ca dao tục ngữ cho đến nhóm từ ngữ xuất hiện gần đây trong đời sống hàng ngày: “trẻ trâu”, “ảo tung chảo”, “bóc phốt”…
Nhà thơ, tác giả Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, là tác giả của hơn 50 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo…
Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần, ông Lê Minh Quốc cho hay: “Khi nói tiếng Việt mình “lắt léo” và “lịch lãm”, tôi nghĩ mọi người đồng thuận”. Ông Quốc tâm niệm “phải hiểu tiếng Việt, cảm được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt” khi tìm về ngữ nghĩa của tiếng Việt xưa nay nói chung thì sẽ nhận thấy hai yếu tố “lắt léo” và “lịch lãm” mà ông lấy làm tựa sách sau một quá trình dài học hỏi, nghiên cứu tiếng Việt và nỗ lực chứng minh.
Ví dụ trong tập sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, ông Quốc đặt dấu hỏi chúng ta hiểu thế nào cho đúng nguyên cớ của câu tục ngữ “Chó treo mèo đậy”? Ông cũng đưa ra ví dụ và lý giải về từ “tàu” trong “thịt kho tàu”, “tôm kho tàu” thật sự có nghĩa là gì mà “nếu không hiểu sẽ dẫn đến tranh luận”.
“Khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, tôi nghĩ, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại” - tác giả LÊ MINH QUỐC.
“Tình dân tộc, nghĩa đồng bào”
* Gần đây sau cơn bão số 3 tàn phá miền Bắc và cả nước chung tay đóng góp, dành tình cảm đến đồng bào vùng bão lũ bị thiệt hại nặng nề - một lần nữa chúng ta lại nghe những cụm từ rất ý nghĩa và thiêng liêng như “đồng bào”, “nghĩa đồng bào”, “tình dân tộc”, “tình quân dân”. Ở góc độ ngữ nghĩa tiếng Việt, ông có thể chia sẻ những cụm từ này có giá trị như thế nào trong dòng chảy ngôn ngữ, truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc Việt Nam?
- Tác giả LÊ MINH QUỐC: “Về chữ nghĩa, ở đây, có lẽ không gì thú vị hơn, khi chúng ta đọc lại văn bản viết tay năm 1659 của Bento Thiện khi ông trình bày về “Lịch sử nước Annam”: “Lạc Long Quân trị vì, lấy vợ tên là Âu Cơ, có thai đẻ ra một bọc có một trăm trứng, nở ra được một trăm con trai”.
Thật đáng kinh ngạc cách đây hơn 300 năm câu văn sử dụng tiếng Việt đã chuẩn mực, trong sáng đến thế, với câu “có thai đẻ ra một bọc có một trăm trứng”, chính là nghĩa của từ “đồng bào”.
Trong khả năng hiểu biết của tôi, từ “đồng bào” đã xuất hiện trong Dictionarium Anamitico - Latinum (1773) của Pigneau de Béhaine, của Tabert (1877) đã giải thích: “germani fratres”.
Tra lại Dictionarium Anamitico - Latinum (1938) của Taberd, ta hiểu rõ các từ này liên quan đến tình thân thiết, ruột thịt của anh em, thân quyến trong dòng tộc...
Sau này, Việt Nam tự điển (1931) cũng giải thích tương tự: “Cùng một bọc cha mẹ sinh ra: Anh em đồng bào. Nghĩa rộng: Người cùng một nước: Nên cứu giúp người đồng bào trong khi hoạn nạn”.
Từ huyền thoại lịch sử đã lưu truyền đời này sang đời khác, có lẽ duy nhất dân tộc Việt Nam có tên gọi “đồng bào” là nhằm chỉ “người trong một nước”.
Cụm từ này, tự bản thân nó đã là một lời nhắc nhở đừng bao giờ quên điều thiêng liêng đó. Vì thế, từ ngàn năm chống chọi với “thủy hỏa đạo tặc” bao giờ người Việt cũng xuất phát từ tinh thần:
Nước lụt thì lút cả làng
Đắp đê chống lụt, cả làng cùng lo
Nhìn rộng ra, khi sự việc nào đó xảy ra thì cũng là mối quan tâm của cả cộng đồng từ Bắc chí Nam, của tâm thế bất di bất dịch: “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “Máu chảy ruột mềm”, “Anh em như thể tay chân”…
Tập sách phản ánh cách sử dụng tiếng Việt của người Việt xưa và nay.
“Một khi chúng ta có ý thức tìm về dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt, ngoài việc có thể nhìn từ kiến trúc miếu mạo, đình chùa, từ những di tích còn sót lại, từ thư tịch... thì còn tìm thấy trong “văn chương bình dân” lưu truyền từ đời này qua đời khác, có thể chỉ truyền miệng nhưng đó chính là vẻ đẹp của những “viên ngọc” còn tồn tại muôn đời trong tâm thức dân gian mà sóng gió thời gian không thể che mờ, không thể xóa bỏ...
Tôi quan niệm đó vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ. Trộm nghĩ đó là một cách “giữ của” tốt nhất đã có từ thời dựng nước - giữ nước, chứ không nhất thiết phải thể hiện trên giấy trắng mực đen, bia đá. Đất nước luôn đối đầu với nạn ngoại xâm, cha ông ta chọn lối truyền miệng, không một kẻ thù nào có thể tước đoạt hoặc tiêu diệt nổi” – Trích Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm (Lê Minh Quốc).