Nhà văn Đỗ Chu âm thầm làm thơ từ lúc còn trẻ

Đỗ Chu là một trong số ít các văn tài đặc biệt của xứ Bắc Hà, một số truyện ngắn và bút ký của ông được xếp vào hạng 'đặc sản' truyền kỳ của dòng văn chương lịch lãm, thâm thúy suốt mấy chục năm qua.

Về sự nổi tiếng, có lẽ ông chỉ thua kém nhà văn tiền bối Nguyễn Tuân có vài bậc. Mấy năm gần đây, một số bạn văn bảo tôi: “Xem chừng, ông Đỗ Chu dạo này đang “giả đò” sắm vai “cụ lý” của làng văn để bỡn cợt, hài hước với mọi nhân vật, mọi sự kiện của văn chương đương đại”. Mới đầu, tôi cũng thấy ngạc nhiên về nhận xét trên. Nhưng, qua đôi ba lần tiếp xúc với nhà văn Đỗ Chu, tôi chợt thấy, hình như ông cũng có vẻ thích thú với hình ảnh “cụ lý” trong làng văn của mình.

Từ văn xuôi hào hứng nhảy sang “chiếu thơ”

Trong một lần trò chuyện với bạn hữu văn chương, có các nhà thơ Ngô Thế Oanh, Nguyễn Đức Mậu và tôi, nhà văn Đỗ Chu hào hứng nhảy sang “chiếu thơ” làm các bạn văn cứ há hốc mồm ra mà cười. Với vẻ mặt nghiêm trọng, Đỗ Chu hóm hỉnh nói: “Các cậu đừng tưởng bở chỉ có các cậu mới là nhà thơ chính hiệu đâu nhé, tất cả cánh viết văn xuôi chúng tớ, thằng nào thằng nấy cũng đều âm thầm quyết liệt làm thơ ngay từ lúc chưa làm văn xuôi. Tớ cũng làm thơ từ rất lâu rồi, từ lúc còn trẻ, các thể loại trường ca, đoản ca, độc ca..., tớ đều viết cả, chỉ có cái chưa bao giờ thèm in ra thôi! Vì thật ra, thơ của tớ cũng không có gì hay ho hơn thơ của các cậu, vả lại, có in ra, nó cũng không đóng góp được gì cho sự phát triển của nền thi ca hiện đại, nên tớ “đếch” thèm in, cho các cậu biết tay. Chuyện tớ làm thơ, “cu Oanh”, “cu Mậu”... đều biết cả đấy chứ. Tớ chỉ cho phép các “cu” thơ ấy đọc thơ của tớ để biết tài thơ của tớ mà thôi, chứ dứt khoát tớ không cho in!”.

Nhà văn Đỗ Chu.

Nhà văn Đỗ Chu.

Chúng tôi được một mẻ cười nghiêng ngả. Tôi chất vấn: “Tại sao, bác lại gọi mấy nhà thơ là “cu” nọ, “cu” kia, thế bác không sợ các nhà thơ phật lòng à?”. Đỗ Chu cười toác loác, phân giải: “Tao yêu lắm lắm thì tao mới gọi chúng nó là mấy thằng cu chứ! Chúng nó hồn nhiên thành thực dâng hiến cả cuộc đời cho nàng thơ sang trọng. Thế thì làm sao tao lại không yêu mấy thằng cu ấy được nhỉ, mày cũng là một thằng cu thơ đáng yêu đấy, em nhé!”. Đỗ Chu lại tít mắt cười.

Ở tuổi “Bát thập cổ lai hy”, không hiểu vì nguyên cớ gì, nhà văn nổi tiếng Đỗ Chu lại muốn trở thành “nhà thơ trẻ” và “họa sĩ trẻ”. Những năm gần đây, ông chăm làm thơ lắm và tôi đã không ít lần bị ông “tra vấn” bằng thơ theo kiểu, đọc thơ cho tôi nghe và yêu cầu góp ý, xem sửa chữa như thế nào cho nó hay lên! Có lần ông tâm sự: “Tôi kính trọng người làm thơ vô cùng. Thi ca nó sang trọng lắm chứ, nó như viên ngọc quý lấp lánh trên vương miện của nữ hoàng văn chương...”.

Chuyện Đỗ Chu làm thơ và vẽ tranh là có thật và ông còn tỏ ra rất si mê thơ. Tôi nhớ một lần giao lưu với các nhà văn quốc tế, Đỗ Chu đã xúc động tặng bức tranh mình vẽ cho nhà thơ Kevin Bowen và đứng lên đọc bài thơ vừa làm tặng ông bạn người Mỹ này: “Tôi có một người bạn/ anh tên là Kevin Bowen/ trong ngôi nhà gỗ ấm áp ngày ấy/ ở Boston mọi người cùng nhóm lửa/ nghe thơ anh kể/ những người đàn bà lam lũ/ mải mê nhặt những con ốc vặn/ bên chân thành hoang vắng Cổ Loa/ rồi tất cả ra về/ đêm khuya/ tôi ngồi vẽ anh nhưng không thành/ lần này hay tin anh sắp sang Hà Nội/ tôi bèn căng toan cặm cụi pha màu/ lan man kiếm tìm gương mặt/ người đàn ông trung hậu/ ở một nơi chẳng gần nếu không nói là rất xa/ bất chợt hiện ra/ anh tóc trắng mắt buồn/ nhìn vào cái thế gian với một nhân loại/ rất khó hiểu và quả là rất cũ/ từ lúc nào anh đã ngồi đó sâu thẳm ký ức...”. Lúc Đỗ Chu ngâm nga xong bài thơ, tôi thấy kính mắt ông như nhòa đi, không còn thấy vẻ tinh ranh, hóm hỉnh trong ấy nữa. Hóa ra, khi làm thơ, con người ta sống thật nhất với mình, có phải không “cụ lý”?

Nhà văn Đỗ Chu (sinh năm 1944, quê ở xã Quảng Minh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một người văn khá cởi mở, dễ gần gũi và thú vị đặc biệt. Đặc biệt là bởi tài năng văn xuôi của Đỗ Chu đã “vang bóng” từ thời ông mới in tập truyện ngắn đầu tay “Hương cỏ mật” năm 1963 và tập truyện ngắn “Phù sa” năm 1967.

Đến nay, với hơn chục tác phẩm “để đời”, Đỗ Chu có hẳn một bộ sưu tập các giải thưởng văn chương, từ giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1963 đến giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002, từ Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 đến Giải thưởng ASEAN năm 2004. Còn một điều thú vị khác là bởi, ông luôn xem nhẹ các giải thưởng văn xuôi này và chỉ có thú vui thích ngồi kể những câu chuyện khôi hài theo kiểu “châm chọc” cho bạn bè nghe.

“Thi ca là viên ngọc trên vương miện văn chương”

Theo tôi, nếu Hội Nhà văn Việt Nam mở cuộc thi kể chuyện khôi hài hấp dẫn về “làng văn” ở nước ta, có lẽ khó ai theo kịp được Đỗ Chu. Đầu ông thì bé như “quả trứng bẹp” mà chứa bên trong cả một kho tàng “linh tinh mục” đủ các thứ chuyện trên giời, dưới bể, chuyện văn chương, chuyện thế sự, chuyện xã hội, chuyện thành thị, chuyện làng quê, chuyện quá khứ, chuyện tương lai... chuyện nào cũng độc đáo, khôi hài cả.

Đáng chú ý, có một sự thật trái ngược nhau, khi có người biết khá nhiều chuyện “bếp núc” thú vị về làng văn ở nước ta nhưng lúc kể ra, không hiểu vì sao cứ thấy “nhạt phèo”, còn nếu chuyện ấy mà được nghe Đỗ Chu kể ra thì chắc chắn nó lại mang một phong vị khác hẳn.

Cái hấp dẫn ấy, có lẽ cũng là do cái cách kể chuyện, cách thong thả, nhâm nhi, nhấn nhá các tình tiết quan trọng với vẻ mặt đặc biệt rất hóm hỉnh của Đỗ Chu. Lúc ấy, con mắt tinh ranh của ông “nấp” sau cặp kính dày cộp, tròn xoe giống đít chai, cứ như muốn nhảy xổ ra, chụp lấy người nghe mà đè sấp xuống, mà bảo rằng “Chuyện ông kể là chuyện thật một trăm phần trăm, ông nghe chúng nó kể, rồi ông kể lại cho chúng mày nghe ở một cấp độ hay hơn nhiều cái sự thật giản đơn lúc ban đầu”. Rồi, Đỗ Chu cười, nụ cười mới thật sung sướng, rạng rỡ, hể hả làm sao.

Tôi có cảm giác, khi Đỗ Chu kể chuyện, ông trở thành một nhà “độc tài” bảo thủ, ông chỉ cho phép mỗi mình ông nói và không bắt tay ai trong lúc kể chuyện. Có điều khá lạ, không hiểu vì sao vốn là một nhà văn xuôi nổi tiếng, nhưng ông không ít lần tỏ ra “xem thường” người viết văn xuôi và thường “ngả mũ” khâm phục người làm thơ.

Có lần Đỗ Chu nheo mắt, ví von so sánh bảo với mấy nhà thơ chúng tôi đang ngồi xung quanh hóng chuyện ông: “Thi ca nó sang trọng lắm chứ, nó như viên ngọc quý lấp lánh trên vương miện của nữ hoàng văn chương. Nó hơn hẳn cái anh văn xuôi cứ phải hì hục viết suốt ngày suốt đêm đến ho lao, thối phổi. Tôi kính trọng người làm thơ vô cùng. Vừa qua, đọc được chùm thơ mới của ông Nguyễn Khoa Điềm ở Huế gửi ra, tôi thấy xúc động vì cái “tôi” trong thơ của ông ấy nó sang trọng quá, sâu sắc quá. Nó chẳng hề véo von, vay mượn, sáo rỗng như mấy anh “cười thuê, khóc mướn” khác. Nhất là vừa rồi, tôi đọc được một chùm thơ của Ý Nhi mới in trên Tạp chí Thơ thì mới thấy, thơ của cô ấy hiện nay là hay nhất nước, nó vượt qua các cậu rồi. Thơ kiểu ấy là nó “ngồi” lên mặt mấy ông “nhà thơ đương đại” ấy chứ và chả đùa với thơ của nó được đâu, các cậu nghe chưa!”.

Nhớ lại hôm đi dự “Hội thảo Văn học Việt - Mỹ sau chiến tranh” ở tỉnh Hòa Bình, tôi thấy “cụ lý” Đỗ Chu khá sang trọng trong bộ quần áo cổ tròn, khuy vải kiểu Lỗ Tấn, chống ba-tong thong thả đi dạo chơi khắp khu bể bơi “nóng-lạnh” của V. Resort - Kim Bôi. Không hiểu lúc ấy “cụ lý” có chịu “ngắm” các em “dáng ngọc mình ngà” đang hớn hở vầy vò dưới nước hay không mà gương mặt cụ vẫn đăm đăm khó chịu như ra vẻ không hài lòng về chuyện gì đó. Chỉ riêng cặp kính đít chai trên mắt cụ là còn hấp háy một vẻ tinh quái rất khác thường khi nhìn chị em nô đùa bơi lội.

Tôi trêu chọc Đỗ Chu: “Nhìn cụ lý đeo cặp kính ấy trông đẹp lão theo kiểu “gián điệp” lắm, may mà là thời bình, chứ nếu trong thời chiến tranh, cụ cứ ra khỏi nhà là sẽ bị bắt giữ tức thì, không bị ta bắt thì cũng bị địch bắt, cụ nhỉ!”. Đỗ Chu lườm tôi, cười hóm hỉnh: “Có bắt mấy thằng hay nói láo như mày thì có, ông trông “đẹp rai” thế này mà mày bảo ông là “gián điệp”. Mày nói thế thì mấy em dưới bể bơi kia nó coi cánh đàn ông văn chương chúng mình còn ra cái gì nữa...”.

Tối hôm ấy, sau khi dự hội thảo thơ Việt - Mỹ về đến phòng nghỉ, “cụ lý” Đỗ Chu bắt phạt tôi bằng cách bảo phải đấm bóp, tẩm quất cho cụ. Tôi thú thật, từ bé đến giờ không biết tẩm quất là gì, nếu tôi mà “đấm” thì chắc chắn cụ chỉ có mà “om xương”. Đỗ Chu chán nản: “Mày đúng là đồ vô tích sự, chỉ được cái láo toét là không ai bằng!”, rồi cụ lồm cồm bò dậy, ngồi kể chuyện phiếm suốt đêm cho chúng tôi nghe.

Nguyễn Việt chiến

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-van-do-chu-am-tham-lam-tho-tu-luc-con-tre-i756786/
Zalo