Nhà thơ Thanh Thảo phủ nhận bài thơ của mình vào đề thi lớp 6 chuyên Trần Đại Nghĩa
Trong đề thi khảo sát vào lớp 6 của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) mới đây có bài thơ 'Con đường của bé' của tác giả Thanh Thảo. Tuy nhiên, sau kỳ thi, nhà thơ Thanh Thảo đã phủ nhận mình là tác giả bài thơ này.
Đề thi có trích bài thơ Con đường của bé, tác giả Thanh Thảo và yêu cầu thí sinh trả lời một số câu hỏi.
Ngày 6/7, trao đổi với PV, nhà thơ Thanh Thảo cho biết ông bất ngờ khi tên của ông đưa vào đề thi lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
“Con dâu tôi đọc báo thấy bài thơ với tên tác giả Thanh Thảo vào đề thi lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và gửi về cho tôi xem nhưng tôi bảo bài thơ này không phải của tôi”, nhà thơ Thanh Thảo nói.
Khi PV đặt câu hỏi, liệu có nhà thơ Thanh Thảo nào đó trùng tên với ông không thì nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: “Việc trùng tên tác giả là bình thường nhưng nếu ai đó lỡ đặt trùng tên thì nên đổi sẽ hơn, nếu có lẫn lộn thì cũng chỉ là nhất thời”.
Theo tím hiểu của PV Tiền Phong, bài thơ Con đường của bé của tác giả Thanh Thảo trong đề thi trên được lấy từ SGK Tiếng Việt 2, tập 2 Bộ sách Cánh diều do NXB ĐH Sư phạm TPHCM xuất bản. Bài thơ này mới đây còn được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 3, bộ sách Kết nối tri thức của NXB GDVN.
Về vấn đề này, nhà thơ Thanh Thảo cho rằng lẽ ra NXB Cánh Diều nên hỏi rõ tác giả trước khi đưa bài thơ vào SGK. “Lúc đó nếu có hỏi, tôi bảo ngay không phải của tôi thì có thể mọi chuyện sẽ khác”, nhà thơ Thanh Thảo nói.
PV Tiền Phong đã liên lạc với GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên của Bộ SGK Cánh Diều. Qua điện thoại, GS Thuyết cho biết bài thơ Con đường của bé được nhóm soạn sách lấy từ tập Thơ cho thiếu nhi của NXB Văn học, xuất bản năm 2017.
“Nhà thơ Thanh Thảo là bạn học của mình, mình chơi với anh Thảo nên mình biết bài thơ này không phải là phong cách của anh Thảo. Nếu thơ của anh Thảo vào SGK, mình đã gọi điện khoe với anh rồi”, GS Thuyết nói.
GS.Thuyết cũng khẳng định việc trùng tên tác giả là bình thường, ngoại trừ các cái tên đặc biệt như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tố Hữu…
“Cái tên Thanh Thảo hay nên có thể đây là hiện tượng trùng tên, còn việc muốn biết tác giả Thanh Thảo này là Thanh Thảo nào thì phải hỏi NXB Văn học”, GS Thuyết nói.
Xin phép thì cũng chỉ là lịch sự
Trước câu hỏi của PV về việc nhóm soạn sách lấy bài thơ Con đường của bé đưa vào SGK có xin phép tác giả hay không, GS Thuyết khẳng định: “Việc này trừ những nhà thơ mình biết và những người nổi tiếng như Thanh Thảo, còn về cơ bản, chúng tôi chọn tác phẩm nào đưa vào SGK còn qua Hội đồng thẩm định các cấp, rất nhiều khâu và bài có được duyệt hay không phải chờ đến phút cuối cùng mới biết. Lúc này mà xin phép thì cũng chỉ là lịch sự thôi, tác giả đồng ý thì tốt còn không thì chả lẽ đi thay bài, đến khâu này gần như đóng đinh hết cả rồi”.
Tuy nhiên, GS. Thuyết khẳng định việc chọn tác phẩm nào đưa vào SGK đều phải trả bản quyền cho tác giả.
“Ở bộ sách Cánh Diều có người làm bản quyền, họ ký hợp đồng với Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam và trả tiền qua đó. Tất cả tác giả nào là thành viên của trung tâm thì đều được nhận tiền bản quyền nếu có tác phẩm được đưa vào SGK”, GS. Thuyết nói và cho biết cũng có trường hợp tác giả có tác phẩm đưa vào SGK nhưng không là thành viên của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam thì có thể liên hệ trung tâm để nhận nhuận bút.
Trước đó, ngày 4/7, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức kỳ khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Nội dung bài khảo sát năng lực gồm hai phần trắc nghiệm và phần tự luận trong thời gian 90 phút.
Phần trắc nghiệm, thí sinh làm bài khảo sát 20 câu bằng tiếng Anh về sự hiểu biết khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thường thức đời sống trong thời gian 30 phút.
Phần tự luận, thí sinh làm trong thời gian 60 phút gồm khảo sát năng lực tiếng Anh nghe hiểu, đọc hiểu, viết. Thí sinh làm bài bằng tiếng Anh.
Phần khảo sát năng lực toán học và tư duy logic chú trọng năng lực đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm bài bằng tiếng Việt.
Con đường của bé