Nhà thơ Phong Việt: 'Tôi từng sấp mặt vì tin vào những ảo ảnh'

Đối với nhà thơ Phong Việt, sau những lần vấp ngã, anh đã nhận ra rằng đôi khi ước mơ cũng giống như ảo ảnh, dù có nỗ lực hết mình, bạn vẫn không thể chạm tới nó.

 Nhà thơ Phong Việt tại buổi ra mắt sách Chúng ta sống để bước tiếp ngày 14/12. Ảnh: Phong Khang.

Nhà thơ Phong Việt tại buổi ra mắt sách Chúng ta sống để bước tiếp ngày 14/12. Ảnh: Phong Khang.

Từ năm 2020, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã bắt đầu một dự án đặc biệt. Bốn tập tản văn mở đầu bằng cụm từ "Chúng ta sống…" lần lượt ra đời vào dịp năm hết Tết đến. Mỗi tập sách là những tìm tòi và lý giải cho hai câu hỏi: "Chúng ta sống thế nào?" và “Chúng ta sống để làm gì?”.

Trong năm nay, nhà thơ Phong Việt quay đã quay trở lại với tác phẩm Chúng ta sống để bước tiếp. Câu chuyện của nhà thơ Phong Việt mở ra những suy nghĩ mới về những ảo ảnh trong cuộc đời, một khái niệm được ví như ước mơ. Ý tưởng này xuất phát từ nhiều lần tác giả đã vấp ngã và hiểu ra cuộc đời không như là mơ.

"Tôi không hợp để viết về những điều lớn lao"

- Chào anh Phong Việt! Cuốn sách mới nhất của anh - Chúng ta sống để bước tiếp - đã được tái bản chỉ sau 24 giờ phát hành. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận tin này?

- Thú thật cảm giác đầu tiên của tôi là bất ngờ, vì không nghĩ mọi người lại chào đón cuốn sách nhanh đến như vậy. Còn niềm vui đến liền sau đó, mang đến cho tôi một trải nghiệm kiểu như: “Ông trời vẫn còn thương cho nghề viết của mình quá!”. Hai ngày sau khi tôi nhận được tin cuốn sách Chúng ta sống để bước tiếp tái bản, tôi lại nhận thêm tin vui khác từ biên tập viên của NXB Trẻ là cuốn tản văn Chúng ta sống để lắng nghe phát hành cuối năm 2023 cũng sẽ được tái bản ngày trong tháng 12/2024 này. Tôi thật sự đã nhận được những món quà Giáng sinh rất đặc biệt và rất sớm so với mọi người khác, không còn gì tuyệt hơn thế vào lúc này.

- Cuốn sách này là mảnh ghép thứ tư trong series tản văn Chúng ta sống để bước tiếp của anh. Cuốn sách có điểm gì khác biệt với những tản văn trước đó của anh?

- Điểm khác biệt đầu tiên là Chúng ta sống để bước tiếp là câu chuyện nối liền mạch của 3 tập tản văn trước đó. Năm 2024 là một năm khó khăn nữa với chúng ta ở rất nhiều khía cạnh, ai trong chúng ta cũng đều có những câu chuyện đầy thử thách phải bước qua… Tôi chỉ nghĩ, chúng ta phải sống tiếp, phải đi tiếp… vì với tất cả những nỗ lực, cố gắng cho đến ngày hôm nay, chúng ta xứng đáng có một ngày mai, một năm mới, một hành trình sắp tới trọn vẹn, trưởng thành và tốt đẹp hơn.

 Tản văn Chúng ta sống để bước tiếp ra mắt dịp Giáng sinh 2024. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Tản văn Chúng ta sống để bước tiếp ra mắt dịp Giáng sinh 2024. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Điểm khác biệt thứ 2 là sau ba năm ngừng lại với thơ để tập trung vào tản văn, tôi nghĩ Chúng ta sống để bước tiếp là cuốn tản văn mà tôi cảm giác mình đủ tự tin với cách viết, kể và chia sẻ những gì thuộc về trải nghiệm. Bất kỳ một ngã rẽ mới nào cũng sẽ khó khăn với người bắt đầu, tôi cũng vậy thôi. Nhưng phải đến cuốn tản văn thứ 4 này, tôi mới cảm giác thở phào là mình rốt cuộc cũng chọn ra được một giọng tản văn cho mình, một kiểu của Nguyễn Phong Việt, không có gì đặc biệt hay độc đáo gì lắm, nhưng tôi tin là một nét rất khác…

- Trong chương sách “Ảo ảnh”, anh so sánh ước mơ cũng giống như “ảo ảnh”, có mặt tích cực song cũng có mặt tiêu cực. Bản thân anh trong đời đã có nhiều ước mơ/ảo ảnh thành thực và bất thành như vậy chưa? Anh có thể chia sẻ một câu chuyện tiêu biểu?

- Tôi có nhiều ảo ảnh và cũng có nhiều lần sấp mặt với những ảo ảnh mà mình tin rằng nó có thật, hoặc nó sẽ diễn ra trong thì tương lai gần nếu mình cố gắng bằng mọi giá. Song, đời không như là mơ. Khi càng hiểu rõ về mình, tôi càng nhận ra mình chỉ phù hợp với những điều nhỏ bé, giản dị… Thơ cũng vậy hay tản văn cũng vậy, tôi không hợp để viết về những điều lớn lao hoặc quá sâu sắc. Tôi hợp với những thứ có thể “cầm nắm được” và ai trong số chúng ta cũng có đôi lần cảm nhận được những thứ ấy một cách rõ ràng.

Một trong những ảo ảnh mà tôi từng có là khi tôi học đại học Ngành công nghệ thông tin, và tin rằng mình có thể làm được một kỹ sư tin học giỏi, không thua kém người khác. Nhưng càng học, càng đi về năm cuối… tôi càng nhận ra mình không hề có năng lực cho việc ấy, kể cả một người làm công ăn lương bình thường trong ngành IT. Đó là lý do khi tôi tốt nghiệp đại học năm 2002, tôi quyết định rẽ qua nghề báo. Tôi phải tự học và tự bồi đắp cho con đường mà không có bất kỳ ai nắm tay chỉ lối. May mắn rằng tôi đi được con đường ấy, trọn vẹn và đầy đủ, để có ngày hôm nay.

Làm trọn vẹn "di sản cảm xúc" trong 10 năm cầm bút

- Được biết đến là một người viết thơ trước khi được độc giả yêu mến qua tản văn, anh thích được gọi là nhà thơ hay nhà văn hơn?

- Tôi nghĩ mọi người sẽ thích gọi tôi là nhà thơ nhiều hơn vì các tập thơ tôi viết trong suốt hành trình 10 năm từ 2012-2021 để lại ấn tượng với độc giả. Tuy rằng, tôi vẫn yêu nghề báo và tôi vẫn viết cho vài tờ báo quen thuộc. Nhưng tựu trung tôi nghĩ mình là một người sống bằng nghề viết lách. Còn với độc giả, họ thích gọi tôi như thế nào cũng vui mà, vì tất cả đều là cách mọi người ấn tượng về cá nhân mình…

 Nhà thơ Phong Việt ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Phong Khang.

Nhà thơ Phong Việt ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Phong Khang.

- Viết thơ và viết tản văn, đối với anh giống và khác nhau ở điểm nào, tôi luyện con người cá nhân anh ra sao? Hai công việc này có bổ trợ cho nhau?

- Thật ra tôi vẫn nghĩ thơ khó viết hơn vì sự giới hạn câu chữ cũng như một số chủ đề. Trong khi đó, với tản văn, tôi dễ dàng chia sẻ những trải nghiệm mang tính riêng tư mà không bị ép vào khuôn khổ nào cả. Dĩ nhiên, thơ hay tản văn, để viết hay thì đều khó như nhau. Với tôi thơ mang tính riêng tư nhiều, còn tản văn cần một cái nhìn mang tính thời sự, phản biện.

Dẫu vậy, nhiều độc giả vẫn nói đọc tản văn của tôi vẫn thấy có chút ý tứ, nhịp điệu của thơ ẩn bên trong. Điều này có thể là do sự vô thức của người viết chứ không phải là chủ ý. Thơ và tản văn đều là cách tôi muốn nói những suy nghĩ của mình với mọi người, dù hai thể loại này có những điểm khác biệt nhất định.

- Anh có lời hẹn sẽ trình làng tập thơ mới vào cuối năm 2025, anh có thể hé lộ một số điểm thú vị mà độc giả có thể trông đợi?

- Kế hoạch của tôi có một chút thay đổi là Giáng sinh 2025 tôi vẫn sẽ ra tập tản văn, để kết lại hành trình của chuỗi "Chúng ta sống…". Tôi cũng muốn “đóng gói” lại hành trình ấy bằng một book set 5 cuốn tản văn như một món quà cho chính mình và cho mọi người.

Còn đến Giáng sinh 2026, tôi mới trở lại với thơ. Và lúc ấy tôi nghĩ sẽ có nhiều điều với thơ mà tôi muốn chia sẻ cùng mọi người sau khi ngừng thơ trong 5 năm gần nhất. Một trong những điểm đặc biệt ấy chính là tôi muốn phát hành một phiên bản giới hạn book set 10 tập thơ (2012-2021), để mọi người lần đầu tiên cầm trên tay trọn vẹn một “di sản cảm xúc” rất cá nhân của Nguyễn Phong Việt.

- Anh có thể kể tên một số bộ phim và cuốn sách hay anh đã xem, đọc trong năm 2024 mà anh muốn giới thiệu đến độc giả?

- Vào năm tháng này, tôi xem phim nhiều hơn đọc sách. Nếu kể hết thì chắc không biết phải dài đến bao nhiêu… Nên thôi cho phép tôi nói về những gì gần nhất. Cuốn sách hay gần nhất tôi đọc là Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn (Stephen Hawking) và bộ phim hay nhất gần đây tôi xem là Robot hoang dã

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-tho-phong-viet-toi-tung-sap-mat-vi-tin-vao-nhung-ao-anh-post1518308.html
Zalo