Nhà thơ Hồ Thi Ca: Xanh những dấu chân, đậm mãi ân tình

Nhắc đến Hồ Thi Ca, nhiều thế hệ yêu thơ và nhạc của thập niên 1980 chắc chắn sẽ biết bài thơ 'Dấu chân phía trước' nói về cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ trên bến cảng Nhà Rồng. Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc và vang mãi từ ngày đó đến nay. Hơn 60 tuổi, nhà thơ Hồ Thi Ca vẫn miệt mài lưu dấu thơ mình trên hành trình văn chương.

Từ cảm xúc dệt nên tác phẩm ấn tượng

Trong buổi gặp gỡ gần đây nhất, chúng tôi ngồi trò chuyện nhiều về văn chương. Dường như trong thâm tâm của nhà thơ vẫn đau đáu cho lớp viết trẻ của TP Hồ Chí Minh. Anh đùa nếu bây giờ chẳng làm gì đó cho một dịp hội tụ thì chắc gì 5 năm nữa anh còn đủ sức. Dễ thấy trong ánh mắt đó là cả một sự đăm chiêu. Hôm đó thành phố không nóng bức như vốn dĩ mùa hè xứ này thường thế. Thay vào đó, trời có vẻ gió dịu và mênh mang như chính câu chuyện mà chúng tôi trao đổi.

Nhà thơ Hồ Thi Ca tên thật là Hồ Bửu Trân, sinh năm 1958, ở Tây Ninh, hiện đang là biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Hồ Thi Ca từng công tác ở Ban Tuyên giáo Thành ủy, rồi về Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, lại có lúc thấy anh về làm ở Báo Công an TP Hồ Chí Minh (nay là chuyên đề thuộc Báo CAND), rồi lại qua Vietnamnet. Hầu như ở đơn vị nào anh vẫn luôn gắn bó với mảng văn học và nghệ thuật.

Nhà thơ Hồ Thi Ca.

Nhà thơ Hồ Thi Ca.

Anh bắt đầu làm thơ từ năm 1976, sau khi đất nước thống nhất. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 1980. Trong khoảng thời gian này, như anh chia sẻ, đó là lúc anh chiêm nghiệm tuổi trẻ chính mình qua những ngày đầu đất nước độc lập. Không còn vĩ tuyến nào chia cắt, trong niềm vui của sự nối liền trọn vẹn dải đất hình chữ S, lớp trẻ ngày ấy luôn háo hức cống hiến cho một cuộc thay đổi mới mẻ trên chính quê hương mình. Những năm tháng đó, khói súng vẫn vang trên chiến trường biên giới Tây Nam, nhưng ở trong lòng thành phố, lớp lớp người trẻ luôn cố gắng phấn đấu. Dù còn khó khăn, với sự cấm vận, với cơm độn bo bo hay khoai lang nhưng đó là một thời tuổi trẻ đáng sống nhất đối với nhà thơ.

Từ cảm xúc mãnh liệt về tuổi trẻ, bài thơ "Dấu chân phía trước" ra đời vào năm 1981, khi nhà thơ 23 tuổi, nhân dịp TP Hồ Chí Minh kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Với Hồ Thi Ca, những câu thơ nảy lên trong tâm tưởng anh từ những nghĩ suy của chính tuổi trẻ ngày tháng đó, trước bến cảng Nhà Rồng, trước câu chuyện người thanh niên mang tên Văn Ba quyết tâm tìm kiếm con đường độc lập cho đất nước. Những câu thơ cứ thế vang lên trong anh: "Khi tôi còn là hạt bụi/ Người đã lên tàu đi xa...". Chỉ mấy ngày sau đó, bài thơ dạt dào cảm xúc được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc và lan tỏa khắp thành phố, được Đài Truyền hình tổ chức ghi hình và cứ thế mấy chục năm nay luôn được nhắc đến, rất nhiều ca sĩ đã thu âm và quay hình.

Bài thơ cũng như nhịp cầu nối cho Hồ Thi Ca có thêm người bạn tri kỉ gần 50 năm nay, đó là nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Lúc phổ nhạc ca khúc này, giữa nhạc sĩ và nhà thơ chưa hề quen biết hay gặp gỡ lần nào. Khi vô tình đọc được bài thơ đăng trên Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, người nhạc sĩ đã đồng cảm ngay và phổ nhạc ra bài hát. Từ đó họ kết nối và song hành nhiều lần cùng nhau trong các cuộc giao lưu với thanh niên xung phong, sinh viên, học sinh khắp thành phố. Quả thực, lúc đó bài thơ như tiếng lòng của rất nhiều người trẻ TP Hồ Chí Minh trong những ngày đầu giải phóng, đang trong công cuộc xây dựng cuộc đời mới. Thơ và nhạc đồng điệu cùng cảm xúc đã gây ra một tiếng vang lớn với nhiều tầng lớp thanh niên ngày đó. Bài hát "Dấu chân phía trước" cũng là bài hát được phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình và được ca sĩ chọn hát nhiều nhất mỗi dịp kỉ niệm lớn về ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, ngày sinh của Bác hay các dịp TP Hồ Chí Minh kỉ niệm những dấu mốc lịch sử quan trọng.

Người thầy của nhiều cây bút trẻ

Tôi nhớ lần đầu tiên mình gặp nhà thơ Hồ Thi Ca là khoảng 20 năm trước. Khi ấy anh về công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, anh cho ra đời chương trình "Văn học Tuổi xanh" phát sóng thơ, truyện, tản văn định kỳ hằng tuần vào khung giờ vàng sáng Chủ nhật. Chương trình này như một sân chơi cho nhiều cây bút học sinh, sinh viên đam mê văn chương. Từ chương trình này, Hồ Thi Ca chăm chút, nắn nót tạo nhiều điều kiện để một lớp viết trẻ của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ phát triển rực rỡ hôm nay như nhà văn Phương Huyền (Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Truyền thông Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh), Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang), tiểu thuyết gia Tim Huỳnh, nhà văn La Thị Ánh Hường, nhà văn Trần Huyền Trang, nhà báo Trương Quốc Phong... Tôi năm đó mới 16 tuổi, cũng tập tễnh gửi bài về cộng tác và may mắn những câu chữ đầu đời đã được anh chỉnh sửa, khích lệ rất nhiều.

Nhà thơ Hồ Thi Ca và các bạn viết trẻ của chương trình “Văn học tuổi xanh” do anh dìu dắt.

Nhà thơ Hồ Thi Ca và các bạn viết trẻ của chương trình “Văn học tuổi xanh” do anh dìu dắt.

Hồ Thi Ca cũng là thế hệ sáng lập nên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Vào năm 1981, CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP Hồ Chí Minh do Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy còn là Bí thư Thành ủy đỡ đầu chính, hoạt động sôi nổi với nhiều cây bút đình đám như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hồ Thi Ca, Lý Lan, Lưu Thị Lương... Nhận thấy cần có sự tập hợp chung lực lượng văn chương của TP Hồ Chí Minh lại nên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh ra đời quy tụ lực lượng từ 3 nguồn chính là các nhà văn từ khu, từ Hà Nội vào như Bảo Định Giang, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Chim Trắng...; các nhà văn đang hoạt động tại chỗ như Sơn Nam, Nguyễn Nguyên, Vũ Hạnh... và lực lượng từ CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn. Trong hàng ngũ các nhà văn sáng lập Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, có lẽ số còn sống hiện nay khá ít ỏi và còn hoạt động văn chương thì chỉ còn vài cái tên như Nguyễn Nhật Ánh, Hồ Thi Ca, Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc...

Những năm đầu thập niên 1990, giới văn chương TP Hồ Chí Minh lần đầu tiếp cận công nghệ thông tin. Nơi công tác chỉ được cấp 2 bộ máy tính để hiện đại hóa công sở, anh là người đầu tiên mày mò sử dụng và rồi nhận thấy việc ứng dụng máy tính vào công việc sẽ mang đến nhiều tiện dụng trong tương lai nên đăng ký theo khóa học do Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh mở. Khóa học mấy chục nhà báo nhưng đi đến cuối chỉ còn Hồ Thi Ca và một vài người. Từ việc học được căn bản anh đã tìm tòi và nghiên cứu tài liệu trên mạng khi Internet bắt đầu phổ biến. Thời đó, Hồ Thi Ca là người làm website cá nhân được nhiều nhà văn, người của công chúng đặt hàng nhất. Mải mê làm website cho mọi người, riêng website của anh thì vẫn "đang được xây dựng".

Như bút danh mình chọn, hai chữ "thi ca" luôn gắn chặt với anh trong suốt hành trình viết. Anh có nhiều bài thơ được phổ nhạc, mà trong đó thế hệ 8X và 9X của chúng tôi ngày xưa mê mẩn bài thơ "Thơ ấu" của anh in trong tập "Thơ dưới vòm lá" năm 1999. Bài thơ tình trong trẻo được đám học sinh chép vào các trang lưu bút và hay đọc cho nhau nghe những đêm lửa trại hướng nghiệp. Năm 2001, bài thơ "Thơ ấu" được nhạc sĩ Trương Quang Lộc phổ nhạc với tên gọi "Chim sáo xa rồi" do ca sĩ Quang Linh thể hiện lập tức lọt vào bảng xếp hạng top ten Làn Sóng Xanh, trụ vững cả năm trời. Thời đó, đi đâu cũng nghe các quán cà phê mở bài nhạc đó và hầu như các hội diễn văn nghệ của lứa học sinh cấp 3 chúng tôi lúc nào cũng có bạn chọn bài này để hát.

Hiếm có nhà văn nào ở cái ngưỡng đã đi qua trọn cuộc người mà vẫn luôn đắm đuối và chăm chút cho lực lượng văn trẻ như Hồ Thi Ca. Với vai trò biên tập viên của tuần Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, anh vẫn đang nâng đỡ các cây bút thế hệ GenZ chập chững tập viết. Mới đây thôi, tôi ngồi cùng anh và một cây bút sinh năm 2000 từ An Giang lên TP Hồ Chí Minh chỉ để gặp và nghe anh hun đúc tinh thần, chia sẻ kinh nghiệm, đủ để thấy anh nặng lòng với văn chương biết dường nào. Có thể nói, với Hồ Thi Ca, hành trình văn chương của anh luôn xanh mãi những dấu chân, đậm mãi những ân tình.

Tống Phước Bảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nha-tho-ho-thi-ca-xanh-nhung-dau-chan-dam-mai-an-tinh-i742126/
Zalo