Nhà thơ Hồ Dzếnh ngỡ hồn mình là mây

Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916 - 1991) là một nhân vật cầm bút người Việt gốc Hoa. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Tác phẩm Hồ Dzếnh thực sự góp thêm hương sắc dân tộc Hoa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật Hà Triệu Anh. Cha của ông là người Quảng Đông - Trung Quốc lưu lạc sang Việt Nam và gặp mẹ của ông ở bên bờ sông Ghép thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Duyên nợ đặc biệt của hai đấng sinh thành, được ông viết lại trong tác phẩm “Ngày gặp gỡ” với lời thú nhận: “người đàn ông gọi đò đêm ấy, sau này là cha tôi. Còn người phụ nữ lái đò đêm ấy, sau này là mẹ tôi”.

Mang hai dòng máu Việt - Hoa, nhưng Hồ Dzếnh chưa một lần trở về quê nội, như ông bộc bạch “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng, vượt trùng dương sang tôi, như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu bạt”.

Hồ Dzếnh chỉ có “quê ngoại” để dành hết mọi niềm trân trọng, như tên tập thơ đầu tay của ông. Hồ Dzếnh đích thực một nhà thơ gốc Hoa đậm tâm hồn Việt, mà ông bày tỏ: “Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng xuống lòng Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo”.

Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991).

Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991).

Khi Hồ Dzếnh được 9 tuổi, thì người cha qua đời. Ông lớn lên trong vòng tay của người mẹ lam lũ và trong sự bao dung của nông thôn nghèo khó được ông cảm nhận là “dải đất cần lao, cái dải đất thoát được ra ngoài sự lọc lừa phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ”.

Năm 15 tuổi, Hồ Dzếnh rời phố huyện “khi vàng đứng bóng im trưa/ tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường”, để lên Hà Nội làm thuê cho các hiệu buôn người Hoa. Lận đận mưu sinh nơi đô hội, Hồ Dzếnh không nguôi hoài vọng làng quê đã nuôi nấng thời thơ ấu mà mỗi bận ngoái lại thấy mình bâng khuâng. Làng quê ấy có những số phận gieo neo được ông miêu tả bằng tất cả sự chân thành xót thương trong tập truyện “Chân trời cũ”. Làng quê ấy cũng cất giữ mối tình đầu của Hồ Dzếnh, đó là người con gái tên Hiền được ông gọi thảng thốt “Bong bóng tàn theo mộng/ Nhân duyên dần hết mùa/ Ai như Hiền áo trắng/ Loáng thoáng qua hơi mưa”.

Một lần về Thanh Hóa thăm gia đình, biết tin cô Hiền cũng đã lên Hà Nội, trái tim Hồ Dzếnh xôn xao nhắn gửi “Sáng nay Hà Nội giao mùa/ Hồ Thu. Tóc liễu. Tháp Rùa lung linh/ Nước non đây nghĩa đây tình/ Đọc thơ em sẽ thấy mình trong thơ”. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, Hồ Dzếnh cũng gặp được cô Hiền. Thế nhưng, cô Hiền không còn là thôn nữ thuở nào nữa: “Con người tôi gọi bằng em/ Nhớ tôi nhưng cũng thành duyên lâu rồi/ Mộng tàn, nước chảy, mây trôi/ Tôi lui hồn lại, nhưng đời đã xa”. Ít lâu sau, cô Hiền lấy chồng. Mối tình đầu câm lặng không một kỷ niệm nào rõ hình rõ dáng với cô Hiền, đã tạo cảm hứng cho Hồ Dzếnh có bài thơ “Ngập ngừng” được nhiều thế hệ ưa thích: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở/ Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ/ Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa”.

Sau khi chia biệt cô Hiền nhiều day dứt “Bây giờ tôi đã lớn/ Ít lúc trông trời mưa/ Như tôi, Hiền cũng lớn/ Má đỏ không như xưa”, Hồ Dzếnh tiếp tục viết về những cuộc đời hẩm hiu và bất hạnh. Những tác phẩm giàu trắc ẩn của ông đã làm rung động một người con gái khác ở Thanh Hóa, có họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Huyền Nhân. Xuất thân gia đình giàu có, nhưng mẹ mất sớm và phải chịu cảnh dì ghẻ con riêng, Nguyễn Thị Huyền Nhân đồng điệu với tác phẩm của Hồ Dzếnh. Trong “Cuốn sách không tên” xuất bản sau khi Hồ Dzếnh qua đời, công chúng có được chút mường tượng về Nguyễn Thị Huyền Nhân “thiếu tình thương ruột thịt, người con gái mười hai tuổi đã sắp đặt cho đời mình những phương tiện sống cần thiết: không luồn lụy ai, không vay mượn ai, bằng lòng nhận lấy hoàn cảnh hiện tại”.

Tuần nào, Nguyễn Thị Huyền Nhân cũng chờ đợi tờ báo quen thuộc để đọc bài của Hồ Dzếnh. Khi phát hiện mấy số báo liền không có bút danh Hồ Dzếnh, Nguyễn Thị Huyền Nhân đoán rằng tác giả mình mến mộ đã xảy ra sự cố phiền muộn. Cô vội gom hết 800 đồng dành dụm, lên Hà Nội tìm thăm Hồ Dzếnh.

Trước tình cảm của thiếu nữ nhỏ hơn mình 4 tuổi, Hồ Dzếnh rất xao xuyến. Khác những câu thơ tê tái viết cho cô Hiền, nhà thơ Hồ Dzếnh có những dòng âu yếm viết cho Nguyễn Thị Huyền Nhân. Dẫu có chút đắn đo “Yêu là khó nói cho xuôi/ Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh”, thì Hồ Dzếnh vẫn xác định “Mây nước vô tình, lãnh đạm trôi/ Tình không giống nước, tình không xuôi”.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Hồ Dzếnh và Nguyễn Thị Huyền Nhân chỉ ở mức lưng chừng, theo đánh giá của dăm người bạn thân thiết với ông bấy giờ là nhà văn Thanh Châu (1912-2007) hoặc nhà văn Kim Lân (1920-2007). Nguyên nhân có thể do Hồ Dzếnh mặc cảm lớn lên trong gia cảnh sa sút “đời tình ái của tôi, một cuộc đời chỉ toàn thấy những dang dở, vì lẽ tôi không biết giữ trong tay những hạnh phúc mau biến”. Quan trọng hơn, lúc ấy Hồ Dzếnh tuổi đôi mươi vẫn hào hứng lang bạt giang hồ khắp Đông Dương để trải nghiệm: “Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây/ Ngỡ lòng mình là rừng/ Ngỡ hồn mình là mây/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây”.

Khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, Hồ Dzếnh quay lại miền Bắc và xuất bản tập thơ “Hoa xuân đất Việt” với cảm hứng chào đón tương lai cho những mảnh đời triền miên tăm tối chung quanh ông: “Mẹ tôi sống lặng trong làng nhỏ/ Đâu biết thời gian đổi mới rồi/ Lòng vẫn đau buồn thiên vạn cổ/ Nào hay non nước đã reo vui”.

Đi theo kháng chiến về Thanh Hóa, như một sự sắp xếp của định mệnh, Hồ Dzếnh trùng phùng Nguyễn Thị Huyền Nhân, người con gái đã đối đãi thật ân cần những ngày ông là một văn sĩ nghèo tạm cư Hà Nội. Hồ Dzếnh ngỡ ngàng vì cố nhân vẫn chờ đợi mình, vẫn mong ngóng mình.

Đầu năm 1947, Hồ Dzếnh và Nguyễn Thị Huyền Nhân cưới nhau, rồi hai đứa con trai lần lượt ra đời. Oái oăm thay, hạnh phúc của họ thật ngắn ngủi. Trận dịch tả năm 1950 cướp đi đứa con trai lớn, rồi cướp đi người vợ của Hồ Dzếnh.

Trong “Cuốn sách không tên”, Hồ Dzếnh đã mượn lời đứa con trai còn sống để chia sẻ khoảnh khắc hiền thê mới 30 tuổi phải vĩnh biệt dương gian: “Dẫu là nhà văn như cha tôi, không khi nào người biết đến tất cả ý nghĩa của câu trối trăng từ miệng vợ: “Em yêu anh từ ngày em biết thở, cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Em không có gì ân hận cả”. Mẹ tôi đã tinh hơn một tư tưởng nghệ thuật, đẹp hơn một bài thơ, quý hơn những cái gì đáng quý nhất. Vì sao mẹ tôi nghĩ được như vậy? Bởi vì người thành thật, đã chịu đau khổ, và biết hưởng tình yêu”.

Nhà thơ Hồ Zếnh và vợ (bà Hồng Nhật) cùng các con.

Nhà thơ Hồ Zếnh và vợ (bà Hồng Nhật) cùng các con.

Chôn cất vợ xong, Hồ Dzếnh ôm đứa con trai Hà Chính được 5 tháng tuổi, quay về Hà Nội. Những ngày gà trống nuôi con cơ cực trên đất Thăng Long, Hồ Dzếnh hạnh ngộ bà Hồng Nhật, người vợ của đồng nghiệp Trần Trung Phương mà ông từng quen biết khi cộng tác nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bà Hồng Nhật là người phụ nữ đảm đang và tháo vát, nhưng nhiều gian truân. Người chồng đầu tiên của bà Hồng Nhật là ông Trần Trung Phương, một tác giả chuyên viết cho thiếu nhi.

Vì hoạt động cách mạng, Trần Trung Phương bị Pháp bắt giam và tra tấn, sau khi được thả ra thì ông qua đời ngày 7/6/1945. Chồng mất, bà Hồng Nhật góa bụa lúc 25 tuổi và đứa con trai Trung Cường mới sinh được 6 tháng. Có những tương đồng bất hạnh hôn nhân, nhà thơ Hồ Dzếnh và bà Hồng Nhật quan tâm và thấu hiểu lẫn nhau. Hồ Dzếnh giúp bà Hồng Nhật tuyển chọn di cảo Trần Trung Phương để in tập thơ “Mấy vần tươi sáng”, như một chút lòng thành cho người quá cố.

Năm 1951, Hồ Dzếnh đưa con trai Hà Chính vào Sài Gòn, và cặm cụi làm báo để nuôi con. Thế nhưng, cuối năm 1953, hai cha con ông lại bay về Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) là cháu họ của bà Hồng Nhật, hé lộ: “Ông Hồ Dzếnh trở về, vì không thể sống xa Hà Nội và không thể sống xa cô tôi. Xa Hà Nội thì mất văn chương, xa cô tôi thì mất mọi niềm vui để muốn sống”. Mùng 2 Tết Giáp Ngọ 1954, nhà thơ Hồ Dzếnh và bà Hồng Nhật làm đám cưới. Tại hôn lễ đơn sơ của họ, có một vế đối đưa ra là “vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ”, nhưng bạn bè và người thân đều không ai tìm được vế đối lại.

Sau năm 1954, vợ chồng Hồ Dzếnh - Hồng Nhật chuyển nhà từ địa chỉ 200A Phố Huế về cư ngụ tại số 80 Hòa Mã. Bà Hồng Nhật vẫn mở tiệm sách Bình Minh để có kế sinh nhai, còn Hồ Dzếnh tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957, sau đó công tác ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho đến khi nghỉ hưu. Cuộc hôn nhân thứ hai của Hồ Dzếnh rất đầm ấm. Họ không phân biệt con ông hay con bà. Họ đối xử bình đẳng với hai đứa con trai, con trai lớn Trung Cường là nghệ sĩ hòa tấu và con trai thứ Hà Chính là giáo viên dạy Toán. Ông bà nương tựa nhau phu thê tương kính gần bốn thập niên.

Ngày 13/8/1991, nhà thơ Hồ Dzếnh vĩnh biệt nhân gian ở tuổi 75. Lúc hấp hối trên giường, ông nắm chặt tay bà Hồng Nhật, thều thào hai tiếng “mình ơi”. Bài thơ cuối cùng của Hồ Dzếnh được tìm thấy sau khi ông đi xa, là những lời quyến luyến sắt son dành cho bà Hồng Nhật: “Mình vừa là chị là em/ Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời/ Mai này tới phút chia đôi/ Hai ta, ai sẽ là người tiễn nhau/ Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình/ Cuộc đời đâu phải phù sinh/ Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi”.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-ho-dzenh-ngo-hon-minh-la-may-i746064/
Zalo