Nhà thơ Dương Kỳ Anh tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên thế nào?

Ấp ủ ý tưởng tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại nước Việt Nam thống nhất gần 10 năm, nhà thơ Dương Kỳ Anh mới đủ quyết tâm biến mong muốn đó thành hiện thực.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh trút hơi thở cuối cùng lúc 8h30 ngày 25/2, hưởng thọ 77 tuổi. Bên cạnh những thành tựu về báo chí và văn học, ông được biết đến là người tiên phong khởi xướng tổ chức cuộc thi sắc đẹp cho phụ nữ Việt Nam bằng cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong (sau này là Hoa hậu Việt Nam), tờ báo mà ông làm tổng biên tập trong nhiều năm.

Đây là cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại nước Việt Nam thống nhất. Sau đó, nhiều cuộc thi sắc đẹp khác ra đời và nở rộ. Vì thế, nhà thơ Dương Kỳ Anh được gọi là "cha đẻ' của các cuộc thi Hoa hậu Việt". Ông đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến 2008.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh được gọi là 'cha đẻ' của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh được gọi là 'cha đẻ' của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Sinh thời, nhà thơ từng kể, ông mất gần 10 năm mới đủ quyết tâm để tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên. Năm 1970, khi còn là phóng viên báo Tiền Phong, trong chuyến công tác tại Sapa, ông gặp một cô gái xinh đẹp là con út trong gia đình có hai chị em gái, cùng bố mẹ chuyển từ miền xuôi lên Sapa sinh sống.

"Những buổi tối tá túc tại nhà cô ấy, tôi thường ngồi bên bếp lửa chuyện trò, đọc thơ cho cô nghe. Lúc chia tay, cô ấy khóc vì chúng tôi đã có cảm tình với nhau. Cô ấy đưa cho tôi một lá thư dán kín, dặn phải về Hà Nội mới được mở ra đọc. Lúc đó tôi rất hồi hộp vì nghĩ đó là thư tình. Đến khi mở ra, chỉ thấy vẻn vẹn hai dòng: 'Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay'. Câu ca dao giống như nỗi lòng của cô gái đó, xinh đẹp dường ấy mà có ai biết đâu. Mãi đến sau này tôi vẫn ám ảnh bởi lá thư đó.

Lần khác, vào khoảng năm 77-78, tôi đến thăm dinh Bảo Đại ở Đà Lạt. Tôi đã bắt gặp tấm ảnh Nam Phương Hoàng Hậu tuyệt đẹp, bên dưới có chú thích Hoa hậu Nam Kỳ Lục tỉnh. Lúc đó, tôi chợt tự hỏi, liệu đó có phải là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam? Và ý nghĩ về cuộc thi hoa hậu bắt đầu lóe lên trong tôi", ông kể.

Năm 1988, lần đầu tiên một cô gái châu Á người Thái Lan tên là Phon Thít đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu thế giới, ý nghĩ này mới bùng lên mãnh liệt. Thủ tướng Thái Lan khi đó đã ra tận sân bay đón tân hoa hậu và nói một câu mà nhà thơ Dương Kỳ Anh nhớ mãi: “Tôi đã đón nhiều vị khách quan trọng có cả vua và hoàng hậu các nước nhưng sao tôi không thấy run như khi đón Hoa hậu Phon Thít trở lại quê hương mình”.

Khi xem lại cuốn băng ghi hình cuộc thi đó, ông tự hỏi: “Tại sao Việt Nam không tổ chức thi hoa hậu nhỉ? Sao Báo Tiền Phong không thử tổ chức cuộc thi hoa hậu?”. Vì thế, sau khi thống nhất việc tổ chức Ngày hội báo Tiền Phong 35 năm tại Cung Văn hóa Thiếu nhi trong 3 ngày, Ban tổ chức quyết định trong chương trình sẽ có cuộc thi tuyển chọn người đẹp mang tên “Hoa hậu Hội báo Tiền Phong năm 1988”.

Thời điểm đó, nhà thơ Dương Kỳ Anh khẳng định, mục đích của cuộc thi hoa hậu là định hướng cho thanh niên về cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, tôn vinh con người...

Nhà thơ Dương Kỳ Anh trong một dịp hội ngộ Hoa hậu Bùi Bích Phương.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh trong một dịp hội ngộ Hoa hậu Bùi Bích Phương.

Năm 1988, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên tại nước Việt Nam thống nhất được tổ chức với ngôi vị cao nhất thuộc về Bùi Bích Phương. Nhà thơ Dương Kỳ Anh kể rằng: "Giải thưởng của hoa hậu được dắt ra sân khấu là chiếc xe đạp Mipha với màu sơn sáng loáng. Dạo đó, nhà Phương còn ở phố Bà Triệu, chỉ có một phòng rộng ở gác hai. Chiếc xe đạp bấy giờ là cả gia tài. Sau 3 tháng ngắm, mọi người bảo Phương mang xe ra tập đi. Một hôm đi học về muộn, trong người thấy mệt, Phương để xe ở chân cầu thang và cẩn thận khóa xích. Nhưng sáng hôm sau ngủ dậy, chạy vội xuống, chiếc xe đã không cánh mà bay”.

Sau hàng chục năm, khi được hỏi "Hoa hậu nào mà anh cho là tiêu biểu cho các hoa hậu Việt Nam?", nhà thơ Dương Kỳ Anh vẫn luôn khẳng định đó là hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất - Bùi Bích Phương.

Kể từ năm 2008, nhà thơ Dương Kỳ Anh không còn đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban tổ chức của Hoa hậu Việt Nam. Chia sẻ cảm xúc về điều này, ông cảm thấy được "thở phào nhẹ nhõm".

"Làm một người cha, nuôi con khôn lớn, trưởng thành bước ra với đời thì mình phải vui mừng chứ sao lại buồn. Giờ nghĩ lại nếu lại phải sinh con, nuôi nấng nó 20 năm nữa thì ngại lắm (cười)", nhà thơ thổ lộ.

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh tên thật là Dương Xuân Nam, sinh năm 1948 tại Xuyên Cẩm (nay là thôn Trần Phú) xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Ngữ Văn, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là sỹ quan điều khiển tên lửa. Năm 1975, ông về công tác tại Báo Tiền Phong cho đến lúc nghỉ hưu. Ông là một trong những nhà thơ, nhà báo hiếm hoi của Việt Nam được ghi tên trong từ điển "Danh nhân Văn hóa Thế giới" (Khu vực châu Á – Thái Bình Dương).

Nhà thơ Dương Kỳ Anh giành một số giải thưởng về văn học nghệ thuật: Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988, Giải thưởng Bài thơ hay do Báo Nhân Dân tuyển chọn 1988, Giải Đặc biệt - Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du với tiểu thuyết Xuyên Cẩm năm 2005.

Ngọc Thanh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nha-tho-duong-ky-anh-to-chuc-cuoc-thi-hoa-hau-dau-tien-the-nao-ar928118.html
Zalo