Nhà thơ, dịch giả gạo cội Dương Tường qua đời
Nhà thơ, dịch giả gạo cội Dương Tường qua đời vào hồi 20 giờ 8 phút ngày 24-2, hưởng thọ 92 tuổi
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tối 24-2 cho biết nhà thơ, dịch giả gạo cội của văn chương Việt qua đời vào hồi 20 giờ 8 phút ngày 24-2, hưởng thọ 92 tuổi
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932, từng làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch viên tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở Việt Nam và về hưu từ năm 1979.
Ông tự học tiếng Pháp, tiếng Anh và bắt tay vào dịch thuật từ năm 1960. Gia tài dịch thuật đồ sộ của ông có hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản, Na Uy…
Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng do ông dịch từng chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: "Cuốn theo chiều gió", "Cội rễ", "Đồi gió hú", "Bức thư của người đàn bà không quen", "Kafka bên bờ biển", "Con đường xứ Flandres", "Lolita", "Đi tìm thời gian đã mất"…
Dù đã từng tổ chức một buổi lễ để "rửa tay gác kiếm", tuy nhiên, công việc dịch thuật và tình yêu văn chương vẫn thôi thúc ông tiếp tục làm việc. Năm 2020, ông cho ra mắt bản dịch ngược, dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.
Bên cạnh sự nghiệp dịch thuật, Dương Tường còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất là thi phẩm "Tình khúc 24". Ông cũng là tác giả của tạp luận "Chỉ tại con chích chòe" và tập truyện ký "Thuyền trưởng" (bút danh Nguyễn Trinh).
Ông tự nhận bản thân "một đời ăn nằm với chữ". Chia sẻ về công việc dịch thuật, ông quan niệm "một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả".
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường được tôn vinh với giải thưởng về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.