Nhà thầu lên tiếng về thông tin dùng rác thải để thi công đường Tam Trinh, Hà Nội
Ban chỉ huy công trường dự án mở rộng đường Tam Trinh, Hà Nội thuộc Chi nhánh Trường Sơn 97 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) khẳng định, việc thi công các hạng mục sử dụng đúng vật liệu theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vật liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ
Liên quan đến phản ánh nhà thầu sử dụng vật liệu, phế thải xây dựng trên để san lấp tại dự án mở rộng đường Tam Trinh (Hà Nội), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Vĩnh Ban điều hành dự án thuộc Chi nhánh Trường Sơn 97 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) khẳng định, thông tin này là chưa chính xác.
"Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, việc thi công chân tường chắn dọc bờ phải sông Kim Ngưu, nền vỉa hè và mang hào kỹ thuật được sử dụng toàn bộ đất tận dụng đào nền đường dự án được điều phối dọc.
Một số lượng đất đào từ nền đường phía trái tuyến được nhà thầu tập kết tại vỉa hè phía bờ sông tại Km 1+500 đến Km 1+800.
Chúng tôi khẳng định đất tận dụng được Phòng thí nghiệm vật liệu đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng vật liệu đầu vào và nhà thầu đang thi công theo đúng hồ sơ mời thầu và biện pháp thi công dược phê duyệt", lãnh đạo đơn vị thi công nói.
Cũng theo ông Vĩnh, việc thông tin của người dân nhằm mục đích xây dựng chất lượng dự án là rất tốt. Song, do chưa hiểu rõ quy định của hồ sơ được dùng đất tận dụng đào từ nền đường nhằm tiết kiệm chi phí, giảm bớt tổng mức đầu tư dự án tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nên đã có những thông tin chưa được chính xác.
Đại diện Tư vấn Giám sát đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), cho biết, tất cả các yếu tố đầu vào của dự án đều được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định.
Tất cả các vật liệu khai thác thiên nhiên như cát, đá, sỏi… trước khi được xem xét, đưa vào thi công đều phải đảm bảo có giấy phép khai thác tài nguyên theo quy định và được Ban quản lý chấp thuận.
Thông tin nhà thầu sử dụng vật liệu, đá thải xây dựng san lấp không đúng tiêu chuẩn là không chính sác với vai trò giám sát dự án chúng tôi giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công, nghiệm thu chuyển bước các hạng mục đúng theo biện pháp thi công.
Liên quan đến vấn đề rác thải, đại diện nhà thầu cho biết, đây đang là vấn đề nhức nhối nhất trong quá trình thi công dự án. Chúng tôi chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục dọn rác phế thải lấy mặt bằng thi công. Tư vấn giám sát và đơn vị thi công đã đề nghị Ban quản lý làm việc với các phường và cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn đổ rác thải để thuận lợi trong quá trình thi công dự án.
"Thời gian qua, nhà thầu đang thi công vỉa hè và tường chắn sông Kim Ngưu. Quá trình thi công, đơn vị gặp nhiều trở ngại bởi tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt. Mặc dù đã cắm cọc, giăng dây, đặt biển cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn cố tình "xé rào, nhổ cọc" đổ trộm rác thải hoặc biến công trường thành bãi đỗ xe, nơi buôn bán cản trở thi công.
Tình trạng đổ thải trộm thường xuyên diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Để thi công được vỉa hè nhàm đảm bảo tiến độ trước dịp tết Nguyên đán Nhà thầu đã mất rất nhiều thời gian và công sức để dọn dẹp rác thải, chạc xây dựng. Có thời điểm trong 3 đêm liền nhà thầu bố trí bố trí 4 xe, 2 máy xúc mới dọn hết số rác thải bị đổ trộm. Thế nhưng đến sáng hôm sau, bất cập này vẫn tái diễn", lãnh đạo nhà thầu thông tin.
Mặt bằng vẫn là thách thức
Bên cạnh tình trạng đổ thải trộm, đại diện nhà thầu cho biết, thách thức lớn đối với dự án hiện nay là tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo kế hoạch, thời gian bàn giao mặt bằng dự kiến trong quý I/2025.
Đại diện nhà thầu khẳng định, nếu mặt bằng bàn giao đúng thời gian trên, dự án sẽ được tăng tốc hoàn thành trong quý II/2026.
Hiện tại, trên những đoạn đã được giải phóng mặt bằng, nhà thầu đã thi công đến lớp base cuối cùng và không thể triển khai thi công lớp Asphalt do một số cột điện còn nằm trong phạm vị lòng đường xây dựng.
Trong thời gian chờ bàn giao các đoạn mặt bằng tiếp theo, nhà thầu đang triển khai các hạng mục không phụ thuộc vào mặt bằng. Sản lượng thi công đến nay gần 30/294 tỷ đồng giá trị hợp đồng .
"Cần phải nói thêm, công tác bàn giao mặt bằng nhiều thời điểm chỉ đạt được 40m/đoạn. Trong khi để thi công hiệu quả, tối ưu chi phí, chiều dài mặt bằng liên tục cần trên 100m.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của doanh nghiệp quân đội với dự án quan trọng của Thủ đô và đáp ứng thời gian hoàn thành sớm nhất, đưa dự án vào phục vụ nhân dân, hiện nay, mặt bằng có đến đâu, nhà thầu sẽ thi công đến đó, bỏ qua câu chuyện mặt bằng ngắn hay dài", lãnh đạo nhà thầu khẳng định.
Theo đại diện Ban QLDA quận Hoàng Mai, Hà Nội, thời gian qua, đơn vị quản lý dự án đã đề xuất với cơ quan, lực lượng chức năng, cấp có thẩm quyền phường sở tại tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các trường hợp vi phạm.
"Chúng tôi đang yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh công tác thi công phần vỉa hè bên dọc bờ sông Kim Ngưu và các đoạn mặt bằng đã được bàn giao.
Quá trình triển khai thi công, các bên phối hợp chặt chẽ với UBND các phường có đoạn tuyến thi công đi qua để ngăn chặn hiện tượng đổ trộm phế thải, rác thải đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác thi công và đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị khi Tết Nguyên đán đang tới gần", đại diện Ban QLDA quận Hoàng Mai chia sẻ.
Riêng vấn đề chất lượng vật liệu, đại diện ban quản lý dự án khẳng định, nhà thầu đang thi công theo đúng thiết kế hồ sơ kỹ thuật, không có chuyện vật liệu không đảm bảo chất lượng được đưa vào thi công dự án.
Dự án đầu tư mở rộng đường Tam Trinh được triển khai trên chiều dài khoảng 3,6km. Điểm đầu nối với đường Minh Khai. Điểm cuối giao với đường Vành đai 3. Tuyến đường sẽ được mở rộng với mặt cắt ngang 40m.
Dự án khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên bị đình trệ.
Đến tháng 12/2023, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh dự án, nâng vốn đầu tư lên hơn 3.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ năm 2016-2026.