Nhà sử liệu học, địa chí - địa bạ học đã về cõi vĩnh hằng!

Vừa trở về từ cuộc gặp gỡ tân sinh viên, tôi bỗng được tin cụ Nguyễn Đình Đầu tạ thế lúc trưa 20-9-2024. Một nhà báo gọi điện thoại hỏi thăm, giọng nghẹn ngào: Thầy ơi! Có phải cuốn sách Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh vừa ra đời tháng 8-2024 là cuốn sách cuối cùng của cụ?

Tôi trả lời: “Đúng là cuốn sử liệu 208 trang rất quý ấy đã kịp tái bản trước chuyến đi về cõi vĩnh hằng của cụ”.

Tôi ngồi thừ ra và lần giở lại thư mục Nguyễn Đình Đầu, đếm 54 công trình viết chung, viết riêng, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, chưa kể vô số bài báo. Chỉ riêng về địa bạ, địa chí đã chiếm gần một nửa và chủ yếu là sách sử liệu - loại sách vừa tự nó nói lên lịch sử và văn hóa, vừa giúp các nhà nghiên cứu có bộ công cụ tra cứu, tham khảo tiện dụng đáng tin cậy.

 Phóng viên Báo SGGP trong một lần phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Phóng viên Báo SGGP trong một lần phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Trong số các công trình nghiên cứu và khảo cứu ấy, có những công trình đã được nhận giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu (năm 2005), giải thưởng Phan Châu Trinh (năm 2008), giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TPHCM (năm 2019).

Còn nhớ cuộc giao lưu có một không hai ở Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM hơn 2 năm trước (tháng 8-2022), trong chương trình “Trăm năm sử Việt” do Tạp chí Xưa & Nay tổ chức, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng tuổi bách niên vẫn sôi nổi trò chuyện về thế kỷ 20 với những lớp người của thế kỷ 21.

Hai cụ đã làm cho giới trẻ hôm đó vỡ lẽ bao chuyện về thuở thiếu thời và con đường đến với quốc sử, quốc đồ Việt Nam, chuyện bước vào nghiệp nghiên cứu, sưu tập, viết sách, cả “chuyện hiếm” về lão gia hơn trăm tuổi vẫn lướt web, sử dụng máy tính, iPad thành thục và hiệu quả nữa.

Nhớ hồi sau Tết Giáp Ngọ 2014, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức thực hiện xong công trình sách bản đồ khổ lớn Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa; sau đó tổ chức triển lãm tập ảnh bản đồ cùng chủ đề này tại số 69 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM. Tác giả - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bị quây giữa dàn phóng viên báo chí trong và ngoài nước, cụ vẫn cười hiền hậu và chỉ sang PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM lúc bấy giờ, rồi chia sẻ: “Tất cả tôi chỉ mong muốn trợ giúp cho đại học này. Ý nói là muốn để lại cho thế hệ thanh niên - sinh viên - học sinh một nguồn sử liệu đầy đủ và hệ thống, có một không hai về chủ quyền biển đảo Việt Nam mà thôi”.

Trước đó, PGS-TS Phan Thanh Bình trong lời đầu sách đã viết: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với tất cả kiến thức của một cuộc đời nghiên cứu về bản đồ và địa lý Việt Nam, đã lần đầu tiên đưa ra một công bố có tính hệ thống về các chứng lý lịch sử và hệ thống bản đồ xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, chủ yếu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách khoa học và thuyết phục.

Quyển sách không chỉ là một kết quả nghiên cứu và công bố khoa học công phu, có giá trị lịch sử cao, mà còn thể hiện một trách nhiệm và sự lao động nghiêm túc rất cao của một nhà khoa học, của một người Việt Nam yêu nước”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là nhà địa bạ học lớn về thời Nguyễn, người viết về cương vực và quốc hiệu đất nước nhiều nhất ở Việt Nam. Ở tuổi xưa nay hiếm, vẫn thấy cụ nâng niu những bình gốm Chu Đậu sưu tầm 70-80 năm trước với dự định làm cuốn sách cuối đời về Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông.

Thế mới hiểu người học trò Trường Tiểu học Pháp - Việt đất Hà Thành xưa, đã tự rèn giũa lòng yêu quê hương đất nước thâm sâu đến chừng nào. Cụ từng học Trường Bách nghệ Hà Nội và thích vẽ bản đồ, lại ham đi làm hướng đạo và truyền bá chữ Quốc ngữ; từng sang Tây học Khoa học xã hội, vẫn không quên vai trò trong Hội nghị trù bị Đà Lạt và những lần tham gia vận động ủng hộ Hội nghị Fontainebleau (năm 1946), Hội nghị Genève (năm 1954).

Hai lần tham gia chính trị cách nhau 30 năm, lần thì bị bắt và được Bác Hồ can thiệp cứu thoát (năm 1945), lần thì cụ dẫn đầu vào trại Davis và được Phái đoàn Quân sự bốn bên của Quân giải phóng trong đó hướng dẫn cách ứng phó trở về (năm 1975).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dành cả một đời miệt mài sưu tầm và nghiên cứu, hơn 60 năm chuyên viết và công bố ngàn vạn trang sử liệu quý. Ngòi bút sắc bén vị nghĩa lớn, vị nhân sinh, vị quốc gia dân tộc của nhà sử liệu học, địa chí - địa bạ học Nguyễn Đình Đầu đã theo tạo hóa vừa về cõi vĩnh hằng. Thành kính dâng lên hương hồn cụ nén tâm nhang và lòng biết ơn của những thế hệ đi sau luôn ghi nhớ công lao khoa học và noi theo tấm gương cần mẫn, đạo đức bình dị của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

PGS-TS HÀ MINH HỒNG, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-su-lieu-hoc-dia-chi-dia-ba-hoc-da-ve-coi-vinh-hang-post760094.html
Zalo