Máy móc, tiền bạc trong quan niệm của nhà sáng lập Ford

Tôi không coi những cỗ máy mang tên tôi chỉ đơn thuần là máy móc. Tôi trông đợi ở chúng nhiều hơn thế. Tôi coi chúng là bằng chứng vững chắc chứng minh cho kết quả của một lý thuyết kinh doanh.

Ý tưởng là gì?

Điều hiển nhiên là chúng ta phải lao động để nhận ra rằng sự phồn vinh và hạnh phúc chỉ có được từ những nỗ lực trung thực nhất.

Chúng ta mới chỉ bắt đầu phát triển đất nước, nhưng ngoài những câu nói bóng bẩy về sự tiến bộ vượt bậc, chúng ta vẫn chưa làm được gì đáng kể. Những tiến bộ chúng ta đã đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng nếu đem so sánh với những gì cần phải làm thì mọi thành quả đạt được thật là nhỏ bé.

 Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Khi nhận ra rằng công sức chúng ta bỏ vào hoạt động cày bừa đơn thuần nhiều hơn cả hoạt động của toàn bộ các công trình công nghiệp trong cả nước, thì lúc đó, chúng ta mới mơ hồ thấy rằng còn có bao nhiêu cơ hội đang ở trước mắt. Hiện nay, khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đang không ngừng sục sôi thay đổi mình thì đây chính là thời điểm tuyệt vời để đề ra những hoạt động chúng ta có thể làm dựa trên những gì đã có.

Khi nói tới việc tăng năng suất lao động, máy móc và công nghiệp, chúng ta có thể hình dung ra bức tranh về một thế giới kim loại lạnh lẽo trong đó các nhà máy khổng lồ sẽ đẩy lùi cây cối, hoa lá, chim muông và những cánh đồng xanh. Khi đó, chúng ta sẽ có một thế giới chỉ toàn máy móc kim loại và những cỗ máy còn không mong muốn sống trong một thế giới như vậy.

Nếu chúng ta không hiểu sâu về máy móc, về công dụng và vai trò của chúng trong cuộc sống thì chúng ta sẽ không còn cơ hội tận hưởng những cây cối, chim muông, hoa lá và cánh đồng xanh nữa.

Tôi cho rằng chúng ta đã làm mất đi nhiều điều quý giá trong cuộc sống với lối suy nghĩ rằng có sự mâu thuẫn giữa cách sống và cách cung cấp các phương tiện cho cuộc sống. Chúng ta phung phí quá nhiều thời gian và sức lực mà lẽ ra phải dành để tận hưởng cuộc sống của chính mình.

Năng lượng và máy móc, tiền bạc và hàng hóa chỉ có ích khi chúng làm cho cuộc sống của chúng ta thoải mái hơn. Chúng chỉ có ý nghĩa trong một giới hạn cụ thể. Ví dụ, tôi không coi những cỗ máy mang tên tôi chỉ đơn thuần là máy móc. Tôi trông đợi ở chúng nhiều hơn thế. Tôi coi chúng là bằng chứng vững chắc chứng minh cho kết quả của một lý thuyết kinh doanh, thậm chí tôi hy vọng rằng chúng còn hơn cả một lý thuyết kinh doanh, một lý thuyết hướng tới mục tiêu làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Những thành công thương mại phi thường của Công ty Ôtô Ford đã minh chứng rằng lý thuyết đó cho tới nay vẫn đúng. Chỉ dựa trên quan điểm này, tôi có thể chỉ trích hệ thống ngành công nghiệp, các tổ chức tiền tệ và xã hội đang thịnh hành hiện nay, với tư cách là một người chưa từng để cho hệ thống đó đánh bại. Nếu chỉ suy nghĩ một cách vị kỷ thì khi mọi thứ trong xã hội đã được thiết lập như hiện nay, tôi sẽ không yêu cầu sự thay đổi nào hết.

Nếu tôi chỉ cần có tiền thì hệ thống hiện nay đã là rất ổn, và chúng đem lại nhiều tiền bạc cho cá nhân tôi. Nhưng tôi lại nghĩ đến dịch vụ. Hệ thống hiện tại không cho phép mang lại dịch vụ tốt nhất vì nó khuyến khích sự lãng phí - khiến con người không được hưởng thụ tương xứng với cái họ đã bỏ ra. Một hệ thống như vậy sẽ chẳng đi đến đâu. Cái chúng ta cần thay đổi là khả năng lập kế hoạch và điều chỉnh.

Henry Ford/Alpha Books - NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/may-moc-tien-bac-trong-quan-niem-cua-nha-sang-lap-ford-post1515395.html
Zalo