Nhà nghiên cứu đam mê… rắn độc
Với bề dày kiến thức của gần 20 năm gắn bó với công tác nghiên cứu về các loài rắn độc, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo được nhiều đồng nghiệp yêu mến gọi Tạo 'rắn'.
Phát triển thêm hai huyết thanh kháng nọc rắn
Năm 2005, chuyến đi Tây Nguyên với vai trò trợ lý nghiên cứu ngoài thực địa cho vị giáo sư người Nga kéo dài hơn một tháng đã khơi dậy niềm đam mê của PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo (Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với thế giới rắn độc.
![PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo được nhiều đồng nghiệp yêu mến gọi Tạo “rắn”.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_30_51424127/f40064015d4fb411ed5e.jpg)
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo được nhiều đồng nghiệp yêu mến gọi Tạo “rắn”.
Trong hành trình nghiên cứu, ông đã và đang hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp xác định nhanh loài rắn mà còn là nền tảng quan trọng để có thể định hướng phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc trong tương lai.
Trong năm 2025, nhóm sẽ tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc trên cạn, tập trung vào hơn 10 loài thường gặp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kết hợp với tri thức dân gian để xây dựng các bài thuốc cứu người bị rắn cắn. Toàn bộ các hoạt động này đều hướng đến mục tiêu phi lợi nhuận.
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo
Theo ông, tại Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn người không may bị tai nạn rắn độc cắn. Phát triển sản xuất huyết thanh nội địa không chỉ giảm chi phí mà còn là cách hỗ trợ tốt nhất để có thể cứu sống được nhiều người.
Ông Tạo thông tin thêm, Việt Nam hiện có hai loại huyết thanh rắn lục xanh và rắn hổ mang đã được Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất đã và đang lưu hành. Hơn 10 năm qua, ông cùng đồng nghiệp nghiên cứu, phân tích dữ liệu với mong muốn phát triển thêm hai huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia và rắn lục chàm quạp.
Được biết, IVAC đã phát triển và sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm nhưng huyết thanh vẫn nằm ở trong kho lạnh, chưa đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người.
"Hiện, cơ chế từ nghiên cứu cơ bản đến định hướng để ứng dụng đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc là vấn đề khó. Dù vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các hợp tác liên ngành để có thể phát triển các sản phẩm này và không ngừng tìm kiếm các hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu", ông Tạo cho biết.
Biết về rắn để cứu người
Với bề dày kiến thức về các loại rắn độc được tích lũy suốt gần 20 năm, ông Tạo "rắn" là thành viên chủ chốt đắc lực trong nhóm thực chiến chẩn đoán về độc tố các loại rắn độc để cứu người.
![PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo thực hiện lấy nọc độc rắn phục vụ cho nghiên cứu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_30_51424127/6273c972f03c1962402d.jpg)
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo thực hiện lấy nọc độc rắn phục vụ cho nghiên cứu.
Ông Tạo cho hay, theo ghi nhận, thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm có nhiều ca tai nạn do rắn độc cắn được đưa tới cơ sở y tế. Các bác sĩ thường gửi thông tin hoặc hình ảnh lên nhóm chuyên môn để định danh các loài rắn.
Tuy nhiên, ngoài tự nhiên có rất nhiều loài rắn độc và bệnh nhân đôi khi chỉ mang đến một mẫu vật nhỏ hoặc mẫu vật đã biến dạng, khó khăn cho việc định danh.
"Chính vì thế, chúng tôi đã xây dựng mạng lưới liên kết các nhà khoa học nghiên cứu độc tố tự nhiên và bác sĩ điều trị để hỗ trợ nhanh chóng khi có trường hợp khó, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả điều trị", ông Tạo cho hay.
Tăng hiệu quả điều trị
Nhắc đến TS Tạo, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thán phục: "Anh Tạo là chuyên gia về rắn rất đặc biệt. Anh cùng cộng sự không ngừng nghỉ tìm kiếm nghiên cứu để phát triển chuyên ngành sinh học của mình, trong đó có nghiên cứu về rắn với kiến thức chuyên sâu.
![PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo cùng đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_30_51424127/b5e018e121afc8f191be.jpg)
PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo cùng đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.
Việt Nam có ít nhất khoảng 70 loại rắn độc mà nếu chỉ mình bác sĩ không thể chữa cho bệnh nhân bị rắn độc cắn được. Chúng tôi cần sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác, trong đó có các chuyên gia như anh Tạo".
Ông Nguyên chia sẻ thêm, đặc tính mỗi loại rắn gây độc tính khác nhau, do vậy cần phương pháp điều trị đặc thù. Với mỗi ca nhiễm độc nọc rắn, đội ngũ điều trị cần sự khẳng định xác định loại gây độc càng sớm, chính xác càng tốt để từ đó có thuốc giải độc phù hợp, kịp thời cứu người bệnh.
"Có trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn, chụp vội hình ảnh thủ phạm gửi cho bác sĩ. Chúng tôi gửi ngay cho anh Tạo dù đang ở Nga, châu Âu hay châu Phi, dù 1-2 giờ sáng, anh đều nhận thông tin và phản hồi nhanh nhất", BS Nguyên cho hay.
Khi nhắc đến nghiên cứu huyết thanh kháng nọc độc rắn của TS Tạo cùng các đồng nghiệp, BS Nguyên nhấn mạnh: "Với ngộ độc nọc độc rắn, việc có thuốc giải độc phù hợp luôn mang hiệu quả lớn, trước khi xuất hiện triệu chứng gây tổn thương cho người bệnh, tránh nhiều hậu quả đáng tiếc.
Khi được dùng giải độc kịp thời, sự hồi phục của bệnh nhân tính bằng phút, rất kỳ diệu. Do vậy, hướng nghiên cứu này mang tính nhân văn và hiệu quả trong điều trị, cần được tạo điều kiện để ra thành phẩm".
Sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức khoa học, các kỹ thuật tiên tiến và quy trình quản lý rất chặt chẽ.
Mỗi loại huyết thanh kháng độc cần được phát triển từ chính nọc của loài rắn đó, do vậy nọc rắn cần được thu thập một cách cẩn thận để bảo đảm tính nguyên vẹn, không bị nhiễm tạp chất và phải đủ lượng nọc.
May mắn thì có thể thu đủ được lượng nọc rắn trong một thời gian, có những loài rắn lượng nọc thu được từ mỗi cá thể rất ít, phải thu trên nhiều cá thể dẫn đến phải nuôi nhiều rắn, chi phí tăng cao. Nọc sau khi thu phải được bảo quản đúng quy trình.
Nhóm nghiên cứu sẽ tách chiết, phân tích, xác định khối lượng phân tử và cấu trúc các protein, peptide trong nọc rắn cũng như đánh giá hoạt tính sinh học. Nọc rắn tinh sạch sẽ được chuyển vào IVAC để sản xuất huyết thanh.