Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: Niềm tin và tình yêu
Với hành trình 30 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, âm nhạc truyền thống mang đến cho anh niềm vui cuộc sống, lý tưởng hoạt động nghệ thuật, khiến anh phải dốc lòng, dồn tâm huyết để cống hiến không mệt mỏi.
Vào những ngày chuẩn bị đón Xuân mới Ất Tỵ 2025, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long sẽ giới thiệu đến công chúng 10 bài Ca trù hát nói của danh nhân Nguyễn Công Trứ.
PV: Không mong cầu có được những quyền lợi như các nghệ sĩ âm nhạc theo đuổi những dòng nhạc khác phù hợp với thị trường hơn, vì sao anh lựa chọn âm nhạc truyền thống để gắn bó?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long: Chắc là do cái duyên thôi chứ khi bắt đầu theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ khác có ước mơ sau này sẽ trở thành một ca sĩ nổi tiếng, đứng trên các sân khấu lớn nhỏ để cất tiếng hát cống hiến cho cuộc đời. Ước mơ đó luôn đi theo tôi từ khi còn nhỏ, tôi nhiệt tình tham gia các hoạt động ca hát thiếu nhi, thanh niên ở địa phương và từng đoạt giải A cuộc thi âm nhạc không chuyên toàn tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh). Sau đó tôi thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đúng với chuyên ngành thanh nhạc. Đối với tôi giấc mơ trở thành ca sĩ vẫn luôn đẹp, nhưng có điều cái duyên lại đưa tôi đến với ngành lý luận âm nhạc và sau này ra đời gắn bó với âm nhạc truyền thống dân tộc, đặc biệt là với Hát xẩm.
Nói như vậy không có nghĩa phải đến lúc ấy tôi mới yêu âm nhạc truyền thống dân tộc, thực ra ngay từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với những nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ hát quan họ nổi tiếng ở Hà Bắc trước đây như nhà nghiên cứu Hồng Thao, nhà nghiên cứu - PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh, giọng hát quan họ Xuân Trường, Thanh Hiếu cùng nhiều nghệ sĩ quan họ nổi tiếng khác như Quý Tráng, Khánh Hạ, Tự Lẫm, Minh Phức… các bác, cô chú đều là những người bạn của bố tôi.
Với 30 năm gắn bó với âm nhạc truyền thống, anh có thể chia sẻ về hành trình dài này cùng các dấu mốc đáng nhớ?
- Đầu tiên phải kể tới cuộc gặp gỡ với PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh năm 1994 để rồi 5 năm sau tôi chính thức theo học Lý luận âm nhạc như lời ông gợi ý. Ông là một người bạn của bố tôi, tôi đã gặp ở Bắc Giang từ khi còn nhỏ nhưng sau này ông chuyển công tác ra Nhạc viện Hà Nội thì phải tới khi tôi 18 tuổi, hết trung học phổ thông ra Nhạc viện thì tìm tới thầy Trần Hiếu và thầy Trọng Ánh để học ôn thi vào Thanh nhạc. Thời điểm đó thầy Ánh dạy tôi môn ký âm và xướng âm, thầy nói với bố tôi rằng tôi rất hợp với lý luận âm nhạc. Bố có nói lại với tôi nhưng phải sau hành trình gần 4 năm theo học Thanh nhạc tôi mới thấy điều đó là đúng với tôi nhất và quyết định ngã rẽ âm nhạc của mình.
Tiếp theo, là cuộc gặp gỡ sau đó 10 năm, khi tôi đã tốt nghiệp Lý luận âm nhạc và được nhận thẳng về Nhà xuất bản Âm nhạc công tác, đang trên cương vị Phó ban biên tập, tình cờ gặp nhạc sĩ Thao Giang tới làm việc với phòng thu Dihavina. Sau đó là hành trình của tôi đồng hành cùng các thầy nỗ lực phục hồi Hát xẩm, đầu tiên là dòng xẩm Hà Nội, sau đó là toàn miền Bắc.
Đó là hành trình khó khăn và anh đã gặp những trở ngại như thế nào?
- Tôi không muốn nói quá nhiều đến khó khăn vì mọi thứ đều có thể vượt qua nếu ta luôn có một niềm tin vững vàng cùng với sự đồng hành, chia sẻ của mọi người.
Điều gì đã nuôi dưỡng ngọn lửa tình yêu âm nhạc truyền thống và giữ niềm tin vững vàng ấy trong anh?
- Niềm tin và tình yêu với âm nhạc truyền thống dân tộc. Nếu không có hai điều đó thì không có được quyết tâm, không có được những sáng tạo. Nếu không có được hai điều này cũng sẽ không có được nghị lực mà đi một con đường dài. Nói chung là tôi với âm nhạc truyền thống dân tộc cũng giống như một chàng trai yêu đắm đuối si mê một cô gái, không thể nào dứt ra được. Lửa tình yêu cứ nhân lên thêm mỗi ngày. Chứ không bỗng dưng mà bạn sẽ thấy tôi cứ liên tiếp với những dự án âm nhạc truyền thống dân tộc, lúc thì ra mắt bài Hát xẩm, lúc thì bài theo phong cách Dân ca Quan họ, lúc thì dự án Hát Xoan, lúc thì Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca Tài tử Nam bộ, Bài chòi Bình Định…
Khi càng đi sâu vào công việc nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ, phát triển âm nhạc truyền thống, anh nhận ra những điều gì?
- Càng thấy kiến thức mình còn quá mỏng, hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp so với một kho tàng tri thứ cùng các giá trị văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc mà cha ông ta đã sáng tạo và trao truyền lại cho chúng ta.
Anh đã rất nỗ lực để đưa các nét đẹp văn hóa âm nhạc truyền thống ấy đến với đông đảo công chúng rasao?
- Tôi cứ làm từ cái tâm của mình, suy nghĩ của tôi như thế nào thì tôi sẽ làm theo như thế. Được cái tôi là người ham mê sáng tạo nên luôn mong dù là cổ truyền thì những giá trị tôi đưa đến với công chúng cũng phải mang tính thực tiễn, ít nhiều phù hợp và có những nét tương đồng với đời sống và thẩm mỹ ngày hôm nay. Có như vậy thì âm nhạc truyền thống dân tộc mới nối dài được sức sống. Giống như khi nỗ lực cho Hát xẩm hồi sinh, tôi tập trung vào những câu xẩm mang tính trữ tình lại ẩn chứa nét duyên dí dỏm nhất định trong Xẩm Tàu điện, tập trung khai thác tinh thần lạc quan, tính hài hước của xẩm. Hay khi giới thiệu âm nhạc truyền thống dân tộc tôi lại cung cấp cho người nghe những góc nhìn khác còn ẩn sau mỗi bài dân ca, chẳng hạn như Trống cơm, vui là thế nhưng hóa ra lại là tâm trạng buồn và mong ngóng của cô gái trong ngày hội xuân khi không nhìn thấy bóng dáng chàng trai nhà nghèo mà mình yêu thương…
Khi trìnhdiễn và hội nhập với văn hóa quốc tế, anh nhận ra âm nhạc truyền thống của nước ta có sức sống riêng biệt và sự thu hút đặc sắc như thế nào?
- Tôi cũng có duyên được giới thiệu âm nhạc truyền thống dân tộc với nhiều bạn bè quốc tế. Tôi nhớ không quên hình ảnh khi chúng tôi trình diễn Hát xẩm ở một nhà hát tại Paris - Pháp đầu năm 2015, khán phòng lúc đó chủ yếu là người châu Âu, họ ngồi im phăng phắc và thưởng thức một cách rất trân trọng. Có thêm một điều khiến tôi cũng thấy có sự khác biệt, đó là buổi trình diễn có hệ thống âm thanh, tôi tin là chất lượng rất tốt, nhưng hoàn toàn chỉ là để hỗ trợ cho âm nhạc của chúng tôi đủ nghe cho toàn bộ khán phòng, còn thì người nghệ sĩ khi thể hiện trong bối cảnh đó hoàn toàn không thể dựa vào sự nâng đỡ từ các tính năng của hệ thống âm thanh, điều này rất khác so với biểu diễn ở Việt Nam ngay cả trong âm nhạc truyền thống chúng ta có xu hướng lạm dụng những hiệu ứng âm thanh.
Khi chúng tôi giới thiệu và trình diễn âm nhạc dân gian tại Muchen - Đức lại là một không gian khác, nhỏ hơn, trong tư gia của GS. Thái Kim Lan, đối tượng là các giáo sư, học giả đồng nghiệp của bà và một vài bà con Việt kiều, chúng tôi trình diễn hoàn toàn mộc, không có hệ thống âm thanh nhưng những buổi trình diễn như thế cho cảm giác thật nhất, gần nhất với truyền thống của các cụ ta ngày xưa.
Tết đến Xuân về, những dự định cho âm nhạc truyền thống của anh trong năm mới là gì?
- Tôi dự định vào những ngày xuân mới, sẽ giới thiệu 10 bài ca trù Hát nói của danh nhân Nguyễn Công Trứ. Đây là dự án tôi ấp ủ và thực hiện trong 3 năm qua với sự đồng hành của Giáo phường Ca trù Thái Hà và đặc biệt là chủ nhiệm giáo phường - NSƯT Nguyễn Văn Khuê. Điểm đáng nói ở dự án này là nhằm khẳng định vai trò quan trọng, là người mở đầu cũng như định hình thể cách Hát nói trong ca trù, đồng thời trong số 10 bài ca trù Hát nói có hơn 50% là những bài lần đầu tiên được vang lên trước công chúng. Dự án này lẽ ra tôi giới thiệu sớm hơn nhưng muốn chỉn chu hơn nên tới đây mới công bố được.
Xin cảm ơn anh và chúc mọi dự án của anh thành công trong năm mới!
Năm 2024 không phải một năm hoạt động trọng điểm của tôi, nhưng những gì trải qua trong năm 2024 cũng mang lại nhiều niềm vui đối với tôi. Đầu năm 2024 tôi đã giới thiệu tới công chúng dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc Hát Xoan” trên kênh YouTube Dân ca & nhạc cổ truyền. Theo đó tôi chọn phường xoan Thét, một trong 4 phường xoan gốc của Di sản Hát Xoan Phú Thọ để giới thiệu đầy đủ 13 quả cách là chặng hát chính của hát xoan, và trong chặng hát thờ, hát hội. Tôi cũng chọn giới thiệu 10 bài viết nghiên cứu, chuyên đề về một số bài các bài Hát nói ca trù và vai trò của Nguyễn Công Trứ. Với 10 bài viết này đã giúp tôi đoạt giải B Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2024 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long