Nhà nghiên cứu 104 tuổi chia sẻ bí quyết giữ đầu óc minh mẫn

Với kinh nghiệm sống qua hai thế kỷ, nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư đã đúc kết nhiều bài học đáng chú ý trong tự truyện của mình.

Đi qua trăm năm là cuốn tự truyện về cuộc đời nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từ một cậu bé ở làng quê Thanh Chi (Nghệ An) đến nhà nghiên cứu đã qua tuổi bách niên. Đó là cuộc hành trình mà ông ví như câu chuyện cổ tích bởi “những gì khổ cực nhất, vất vả nhất, buồn tủi nhất chiếm đến hai phần ba năm tháng mới được hưởng những gì gọi là vinh dự vào cuối đời”.

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong buổi ra mắt sách ngày 24/2. Ảnh: BTC.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong buổi ra mắt sách ngày 24/2. Ảnh: BTC.

Song, mỗi khi nhìn lại hơn 100 năm cuộc đời mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư luôn duy trì thái độ lạc quan, trân trọng cuộc sống. “Cuộc đời của tôi phải nói là ba chìm bảy nổi, cứ lênh đênh. Có nhiều lúc rất khổ cực, nhưng mình chấp nhận những thử thách đó để vượt qua, để lo cho gia đình chứ không lấy làm bi quan, oán trách”, ông nói trong buổi ra mắt tự truyện Đi qua trăm năm, diễn ra vào ngày 24/2 tại Đường sách TP.HCM.

Nhà biên khảo bình dân

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Tính đến nay, ông có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản chủ yếu về các lĩnh vực như địa danh, địa chí, lịch sử, văn hóa Nam Bộ...

Ngoài ra, ông còn được độc giả biết đến như một nhà văn với bộ tiểu thuyết dã sử 6 tập Loạn 12 sứ quân. Bộ tiểu thuyết được ông viết bên vệ đường trong những năm đầu sau giải phóng, bên cạnh là bộ đồ nghề sửa xe đạp.

Ông cũng có nhiều năm mang cơm và trải chiếu nghỉ trưa ở hành lang Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, đợi đến giờ mở cửa để vào đọc sách, nghiên cứu. Hình ảnh ông luôn miệt mài làm việc bất chấp hoàn cảnh cũng từ đó đi vào trí nhớ của người dân thành phố. Nhiều người gọi ông một cách trìu mến là nhà biên khảo bình dân.

 Tự truyện Đi qua trăm năm. Ảnh: BTC.

Tự truyện Đi qua trăm năm. Ảnh: BTC.

Thế nhưng, ít ai biết được rằng ông từng trải qua nhiều thăng trầm, phải bỏ học nhiều lần, lưu lạc rồi lại tiếp tục học bằng nhiều cách để cuối cùng có thể sống với lý tưởng của mình. Câu chuyện chỉ được ông viết ra sau chuyến thăm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vào giữa năm 2022. Lần đầu nghe ông kể chuyện, Bí thư Thành ủy đã lập tức khích lệ ông viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình.

Chia sẻ với độc giả, ông cho biết mất khoảng 6 tháng để hoàn thành bản thảo. Khác với những công trình nghiên cứu khác vốn phải đi tìm, tra cứu nhiều tài liệu, đây là cuốn sách đặc biệt mà nguồn tài liệu duy nhất là trí nhớ của người sắp bước qua tuổi 104.

“Tôi may mắn có được một trí nhớ tốt và có thể nhớ rất chi tiết những gì mình đã chứng kiến từ năm 6 tuổi cho đến nay. Điều tôi trăn trở chỉ là không được bịa chuyện ra để nói tốt cho mình. Cái gì xấu cứ phải nói xấu, vì có những điều lúc trước mình chưa hiểu”, ông tâm sự.

Những bài học đi qua trăm năm

Trong tự truyện Đi qua trăm năm, những ký ức thời thơ ấu lẫn những biến động thời cuộc trong hai thế kỷ XX, XXI được tái hiện sống động qua lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nói về bản thân, ông cho rằng mình có một cuộc sống bình thường như mọi người. Song, cũng có những khuyết điểm, thất bại và cả những thành công mà ông cho rằng những thế hệ sau có thể lấy làm bài học kinh nghiệm.

“Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu”, ông viết trong phần mở đầu của cuốn sách.

 Buổi chúc mừng sinh nhật sớm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được tổ chức tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: BTC.

Buổi chúc mừng sinh nhật sớm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được tổ chức tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: BTC.

Khi được hỏi về bí quyết để có được sức khỏe và sự minh mẫn ở tuổi của mình, ông chia sẻ: “Tôi thấy được sinh ra ở đời, được làm người đã là hạnh phúc rồi. Ngoài ra, muốn được như vậy thì tôi phải dùng từ là tu luyện”.

Được biết, mỗi sáng thức dậy ông đều thực hiện một số bài tập vận động, hít thở, đến chiều lại đi bộ. Khi đường xá nhiều xe cộ hơn, để phòng tai nạn ông đã đổi qua hình thức leo cầu thang tại nhà. “Cầu thang có 36 bậc, hồi còn khỏe tôi đi 20 vòng, còn bây giờ chỉ đi 10 vòng. Nhờ vậy mà tôi ngồi làm việc cả ngày mà không hề đau lưng, đi không hề mỏi gối”, ông nói. Ngoài ra, ông cũng dặn dò những người trẻ ăn uống điều độ, nhai kỹ và kiêng rượu, thuốc lá, cà phê để giữ được sức khỏe tốt.

“Vấn đề tinh thần cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Tôi tiếp thu kiến thức của đạo Phật là từ bi hỉ xả, ai sai thì nói nhưng không để trong lòng, không giận ai cả nên lúc nào cũng vui. Sống không ích kỷ mà quan tâm đến đồng bào, xã hội”, ông nói thêm.

Sau cuốn tự truyện, ông cho biết bản thân dự định sẽ viết tiếp 10 đầu sách nếu sức khỏe cho phép. Hiện nay, ông vẫn duy trì thói quen làm việc 10 tiếng một ngày, tự đánh máy toàn bộ bản thảo của mình.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-qua-tram-nam-cung-nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-tu-post1461711.html
Zalo