Nhà lãnh đạo mới và con đường mới cho Syria?
Sau sự sụp đổ khá bất ngờ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, Syria cuối cùng cũng đã có một nhà lãnh đạo mới của mình. Nhưng, liệu còn đường mới có tươi đẹp như những gì mà người ta kỳ vọng ở đất nước đã trải qua hơn một thập kỷ chiến tranh khốc liệt này?
Chân dung nhà lãnh đạo
Ông Ahmad al-Sharaa, tên thật là Ahmad Hussein al-Sharaa, sinh ngày 29/10/1982 tại Riyadh, Arab Saudi, trong một gia đình người Syria tới từ Cao nguyên Golan. Gia đình ông trở về Syria vào cuối những năm 1980. Ông al-Sharaa lớn lên tại thủ đô Damascus. Sinh ra trong một gia đình Hồi giáo gốc Sunni cùng những năm tháng lưu lạc đã hun đúc tinh thần đấu tranh trong con người ông. Năm 2003, ông al-Sharaa rời Syria để gia nhập al-Qaeda tại Iraq, tham gia cuộc chiến chống lại sự chiếm đóng của Mỹ. Trong thời gian này, ông hoạt động dưới quyền của Abu Musab al-Zarqawi, lãnh đạo al-Qaeda tại Iraq.
Năm 2006, al-Sharaa bị lực lượng Mỹ bắt giữ và giam cầm cho đến năm 2011. Sau khi được trả tự do, ông trở về Syria đúng vào thời điểm cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab” chống chính quyền Bashar al-Assad bùng nổ. Al-Sharaa thành lập Mặt trận al-Nusra vào tháng 1/2012, hoạt động như một nhánh của al-Qaeda tại Syria, với mục tiêu lật đổ chính quyền Assad và thiết lập một nhà nước Hồi giáo.
Đến năm 2016, al-Sharaa tách khỏi al-Qaeda và thành lập Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), một liên minh các nhóm Hồi giáo. HTS phát triển khá nhanh với hình ảnh ôn hòa hơn thu hút sự ủng hộ rộng rãi trong nước và quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của ông, HTS đã trở thành một trong những lực lượng đối lập mạnh nhất tại Syria.
Vào cuối tháng 11/2024, HTS dưới sự chỉ huy của al-Sharaa đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại các lực lượng Chính phủ Syria. Đến ngày 8/12/2024, HTS kiểm soát thủ đô Damascus, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức và rời khỏi đất nước. Sau sự sụp đổ của chính phủ ông Assad, al-Sharaa trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế của Syria.
Ngày 29/1/2025, ông Ahmad al-Sharaa được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời của Syria trong giai đoạn chuyển tiếp. Ahmad al-Sharaa và nhóm HTS đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau trong quá trình giành quyền kiểm soát tại Syria. Sau khi lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12/2024, ông al-Sharaa đã tiến hành các cuộc gặp gỡ với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu sự tiếp xúc ngoại giao đầu tiên sau khi chính quyền Assad bị lật đổ.
Ngoài ra, vào ngày 3/1/2025, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã đến Damascus để gặp ông al-Sharaa, thảo luận về một khởi đầu chính trị mới giữa châu Âu và Syria. Đây là những hoạt động ngoại giao đầu tiên của ông Ahmad al-Sharaa ngày đầu khi giành được chính quyền. Những cuộc gặp gỡ này cho thấy ông al-Sharaa và HTS đã nhận được sự ủng hộ và công nhận từ các quốc gia quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ cũng như phương Tây nói chung trong quá trình thiết lập quyền lực tại Syria.
Lựa chọn hướng đi
Trong bài phát biểu đầu tiên trước toàn quốc vào ngày 30/1/2025, Tổng thống lâm thời al-Sharaa đã vạch ra lộ trình cho quá trình chuyển đổi của Syria. Ông cam kết thiết lập một khuôn khổ lập pháp và tổ chức đối thoại toàn quốc về tương lai chính trị của đất nước. Điều này bao gồm việc giải tán các nhóm vũ trang từng tham gia chống lại chính quyền al-Assad và hợp nhất dưới một Bộ Quốc phòng thống nhất. Mục tiêu nhằm xây dựng một quân đội quốc gia mới, thống nhất bảo đảm cho một nhà nước dân chủ bền vững.
Về kinh tế, Syria đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, với GDP giảm hơn 60% kể từ năm 2011 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 50%. Ông Al-Sharaa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục kinh tế thông qua thu hút đầu tư nước ngoài và tái thiết cơ sở hạ tầng. Ông cũng đề xuất cải cách hệ thống tài chính và giảm bớt các rào cản hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước.
Về đối ngoại, Tổng thống al-Sharaa đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Saudi Arabia vào ngày 1/2/2025, đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ ngoại giao của Syria và thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau với các quốc gia trong khu vực. Động thái này được coi là tín hiệu cho thấy Syria có thể đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Iran và Nga, hai đồng minh truyền thống của nước này dưới chế độ cũ.
Việc lật đổ chính quyền al-Assad đã tạo điều kiện cho al-Sharaa thiết lập một chính quyền mới với sự ủng hộ từ các phe phái nổi dậy. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc hợp nhất chính các phe phái này, giải quyết xung đột nội bộ và tái thiết đất nước sau hơn một thập kỷ chiến tranh. Bản thân ông al-Sharaa cùng HTS cũng xuất thân từ các nhóm vũ trang tôn giáo không có nhiều kinh nghiệm quản trị đất nước. Để có thể xây dựng được các thể chế nhà nước và khôi phục kinh tế đòi hỏi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, trong khi Syria vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề. Ông Al-Sharaa đã thể hiện mong muốn trong việc đoàn kết các phe phái và xây dựng lại đất nước, tuy nhiên việc thực hiện các cam kết này sẽ phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo của ông và sự hợp tác từ các bên liên quan.
Khả năng làm hài lòng phương Tây?
Để lật đổ chế độ bị đánh giá là “độc tài” của gia đình Barsha al-Assad cầm quyền nửa thập kỷ ở Syria, HTS và ông al-Sharaa đã nhận được rất nhiều sự hộ từ phương Tây. Không quá lời khi cho rằng ông al-Sharaa được “dựng lên” với mong muốn đảm bảo một chế độ “thân” phương Tây tại khu vực. Tuy nhiên, cho đến lúc này không có gì đảm bảo ông al-Sharaa sẽ là một “đối tác” thân thiện với họ.
Cần lưu ý rằng HTS, tổ chức do ông al-Sharaa lãnh đạo, trước đây có liên kết với al-Qaeda. Mặc dù nhóm này đã tái định hình và tách mình khỏi các mối liên hệ cực đoan trong quá khứ, nhưng mối quan hệ này vẫn gây lo ngại cho các quốc gia phương Tây vì thái độ thù địch vốn có cũng như hệ giá trị mà họ theo đuổi. Ông al-Sharaa đã bày tỏ mong muốn xây dựng một nhà nước thế tục, dân sự và phi tập trung tại Syria sau khi lật đổ chế độ Tổng thống Assad.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử bình đẳng cho tất cả công dân, bất kể tôn giáo hay sắc tộc. Những quan điểm này có thể nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia phương Tây nếu được thực hiện một cách nhất quán và minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với ông al-Sharaa trong việc xây dựng lòng tin với phương Tây, bao gồm việc giải quyết các mối quan ngại về nhân quyền, đảm bảo an ninh và ổn định trong nước, cũng như thiết lập các thể chế dân chủ. Khả năng làm hài lòng các quốc gia phương Tây sẽ phụ thuộc vào việc ông al-Sharaa có thể thực hiện các cam kết của mình hay không. Tuy nhiên, ngay từ bước khởi đầu, ông al-Sharaa đã đưa ra một quyết định gây thất vọng với các nhà dân chủ phương Tây là tử hình nhiều quan chức của chế độ cũ.
Tổng thống al-Sharaa vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ đất nước của mình. Ở phía Đông Nam, lực lượng Dân chủ của người Kurd ở Syria (SDF) duy trì một chính phủ và quân đội tự trị. Ông al-Sharaa đã kêu gọi người Kurd giao nộp vũ khí, nhưng họ không đồng ý với tiến trình này. Thủ lĩnh của SDF, ông Mazloum Abdi đã phát biểu thẳng thắn: “al-Sharaa không muốn đối xử với chúng tôi như những người ngang hàng mà [muốn chúng tôi] đầu hàng ông ta, và đó là điều chúng tôi không muốn”.
Khó khăn kinh tế cùng bầu không khí chính trị phức tạp của khu vực sẽ khiến ông al-Sharaa phải tìm cách xoay sở khéo léo và hài hòa với nhiều bên cùng lúc. Ảnh hưởng của các thế lực cũ thân với Nga và Iran vẫn còn quá lớn để ông al-Sharaa có thể dễ dàng dứt bỏ. Chính ông al-Sharaa đã khẳng định sẽ tôn trọng cảm kết của chính quyền cũ với Nga nhằm giữ ổn định trong nước. Một quyết định khiến nhiều “ông chủ” phương Tây không hài lòng.
Ông Hussain Abdul-Hussain, nhà nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ nền dân chủ (FDD) tại Mỹ nhận định: “Khi Syria thấy vật lộn với nạn thất nghiệp và nghèo đói, al-Sharaa sẽ hồi sinh quá khứ Hồi giáo của mình và tham gia vào quá trình Hồi giáo hóa, kết hợp với sự đàn áp tàn bạo, tạo ra một nhà nước Hồi giáo ở Syria, tương tự như Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, hay còn gọi là ISIS”. Đó chắc chắn không phải viễn cảnh tốt đẹp hơn mà những “ông chủ” phương Tây chờ đợi ở nhà lãnh đạo mà mình dựng lên.