Nhà khoa học nữ nỗ lực nâng cao chất lượng nghiên cứu

Chương trình Trao đổi Học giả là cơ hội lớn với những nhà khoa học nữ trong việc học hỏi nâng cao chất lượng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Hoàn thiện mục tiêu cá nhân

Trong năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đã hỗ trợ 21 học giả từ ba đại học lớn thực hiện nghiên cứu và tham gia các hoạt động học thuật tại các Đại học tiếp nhận tại Hoa Kỳ nhằm hướng tới công bố các nghiên cứu và bài báo quốc tế của các học giả Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giảng viên và nghiên cứu sinh tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, là học giả đầu tiên tham gia Chương trình.

Sau thời gian ba tháng tại Hoa Kỳ, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt thấy bản thân đã có sự phát triển hơn về quan điểm và tư duy nghiên cứu, tiệm cận với những xu hướng và thảo luận mới trong lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn trên thế giới hiện nay.

“Chương trình không chỉ giúp tôi phát triển hơn nữa năng lực nghiên cứu để tiến tới hoàn thành luận án Tiến sĩ của mình, mà còn tạo thêm động lực để tôi mở rộng, tìm kiếm các hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đánh dấu một cột mốc quan trọng trên con đường học thuật của mình”, cô Minh Nguyệt chia sẻ.

 TS. Đỗ Thị Thu Hiền, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) tham gia trao đổi tại Đại học California, Irvine. Ảnh: NVCC.

TS. Đỗ Thị Thu Hiền, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) tham gia trao đổi tại Đại học California, Irvine. Ảnh: NVCC.

Còn TS. Đỗ Thị Thu Hiền, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham gia trao đổi tại Đại học California, Irvine.

Trong thời gian tham gia chương trình, TS. Thu Hiền sẽ tìm hiểu về các con đường truyền tín hiệu phân tử điều chỉnh sự tăng sinh, di cư, xâm lấn và di căn của các tế bào ung thư vú, để xác định các cơ chế chính thúc đẩy sự tiến triển của bệnh ung thư, từ đó làm nền tảng để phát triển các phương pháp điều trị mới. Kết quả nghiên cứu của cô được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả nhằm giảm sự di căn và cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân ung thư vú.

TS. Hiền cho biết: “Các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để nghiên cứu như các đồng nghiệp quốc tế. Tuy vậy năng lực và thời gian đang bị chia nhỏ do có nhiều công việc liên quan tới thủ tục hành chính, tài chính dẫn đến các nhà khoa học khó chuyên tâm. Môi trường nghiên cứu quốc tế đã vận hành và điều chỉnh qua một thời gian dài để tối ưu và sử dụng tối đa năng lực của nhà khoa học. Vì vậy được tiếp xúc và học hỏi những cơ chế mở từ môi trường nghiên cứu quốc tế để áp dụng với môi trường tại Việt Nam là vô cùng quan trọng”.

Khi được tạo cơ làm việc với các nhà khoa học quốc tế, các nghiên cứu viên Việt Nam sẽ được bổ sung, hỗ trợ lên ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, phương pháp giải quyết vấn đề trong nghiên cứu từ những chuyên gia hàng đầu. Đây là cách tiết kiệm thời gian, học hỏi được từ những ưu điểm, tiến bộ trong nghiên cứu gần nhất. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nghiên cứu trong nước từ môi trường quốc tế là vô cùng quan trọng và thiết yếu.

Bên cạnh đề tài nghiên cứu, cô Hiền đã tích cực tham gia vào các hoạt động học thuật khác tại Đại học California, Irvine; Tham dự các hội thảo và hội nghị liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, cập nhật những tiến bộ khoa học mới nhất và thúc đẩy mạng lưới kết nối học thuật; “Những sự kiện này là cơ hội để tôi tiếp tục nâng cao chuyên môn cũng như tiếp cận phương pháp nghiên cứu mới, từ đó giúp tôi có thể thực hiện nghiên cứu có ảnh hưởng lớn về sau”, cô Hiền chia sẻ

Nỗ lực lan tỏa

Theo ông Trần Ngọc Anh, Chủ nhiệm Dự án, Chương trình là nơi các học giả có thể được kết nối với các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của họ, được tiếp cận với những nguồn tài liệu hay các phương pháp nghiên cứu mới. Thông qua một phần hỗ trợ về tài chính, tuy không quá nhiều, nhưng dành riêng cho các hoạt động về học thuật, chúng tôi cũng tạo điều kiện và khuyến khích các học giả tham gia nhiều hội thảo, hay các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng để giúp các học giả mở rộng mạng lưới nghiên cứu của mình với các nhà khoa học và đơn vị khác trong lĩnh vực của họ tại Mỹ.

Ông Trần Ngọc Anh nhấn mạnh: “Điều chúng tôi kỳ vọng nhất về chương trình đó là việc không chỉ hỗ trợ các học giả có sự chuẩn bị đầy đủ nhất để hành trình sang Mỹ được thuận lợi, thích nghi về văn hóa và tận dụng thật tốt thời gian trao đổi, mà còn đồng hành cùng các học giả lan tỏa những nỗ lực nâng cao năng lực nghiên cứu sâu rộng, dài hạn hơn tại chính đơn vị của các học giả ở Việt Nam”.

“Các học giả trong chương trình này sẽ không đơn thuần chỉ là các chủ thể tiếp thu kiến thức, mà họ sẽ là những sứ giả văn hóa, là những cầu nối tri thức, lưu giữ tin thần sáng tạo và nguồn lực để trở về áp dụng nhằm giải quyết những điểm nghẽn hiện nay trong nghiên cứu, đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các trường đại học của hai quốc gia trong tương lai”, ông Trần Ngọc Anh nói.

TS. Võ Thị Kim Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết, việc được tham gia vào các hội nghị, hội thảo quốc tế, hoặc các nhóm nghiên cứu chuyên ngành giúp mở rộng mạng lưới hợp tác và trao đổi kiến thức, cũng như tạo cơ hội để hình thành các dự án nghiên cứu chung của hai trường đại học. Ngoài ra việc kết hợp nghiên cứu về lâu dài cũng sẽ mang lại các công bố xuất bản chung giữa các nhà nghiên cứu của hai trường đại học, mở ra cơ hội và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật trong tương lai.

Còn TS. Hoàng Minh Trang, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội dành 2 tháng tại Đại học Indiana để nghiên cứu, phân tích, đánh giá rủi ro sức khỏe của con người trong việc phơi nhiễm Asen và một số chất ô nhiễm trong nguồn nước sinh hoạt tại một số vùng ngoại ô Hà Nội và tìm ra những giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu phơi nhiễm của người dân.

Là một nhà khoa học nữ, TS. Trang cho rằng, cơ hội được tham gia chương trình nghiên cứu nói trên đem lại cho cô những góc nhìn mới, toàn cảnh về lĩnh vực nghiên cứu thông qua các buổi tọa đàm, seminar, bài giảng của các giáo sư tại Đại học Indiana để cô có thể gần hơn với mục tiêu khoa học của mình.

“Chắc chắn rằng, đây là những chất xúc tác giúp cho tất cả các nhà khoa học tham gia chương trình có thêm động lực để tiếp tục cho ra đời những chủ đề nghiên cứu và kỹ năng giảng dạy mang tính ứng dụng và hoàn thiện cao. Những kiến thức này sẽ được tiếp thu và truyền tải, chia sẻ với các đồng nghiệp cũng như sinh viên tại trường Đại học tại Việt Nam sau khi tôi hoàn thành chương trình học giả”, cô Trang cho biết.

Các nữ học giả trẻ đánh giá cao cơ hội được tham gia vào môi trường nghiên cứu quốc tế cũng như hiểu rõ sứ mạng tạo dựng môi trường học thuật trong nước. Đây cũng chính là mục tiêu mà Chương trình Trao đổi Học giả của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đặt ra.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/nha-khoa-hoc-nu-no-luc-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-2043697.html
Zalo