Nhà khoa bảng ba lần được chọn làm Tể tướng

Không chỉ là vị đại khoa để lại nhiều giai thoại thú vị, trong đời làm quan, Tiến sĩ Lê Hữu Kiều còn có ba lần lĩnh chức Tể tướng đứng đầu triều Lê.

Di tích nhà thờ Tiến sĩ dòng họ Lê Hữu.

Di tích nhà thờ Tiến sĩ dòng họ Lê Hữu.

Ba lần được chọn làm Tể tướng

Tiến sĩ Lê Hữu Kiều sinh năm 1691, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Thân phụ của ông là Tiến sĩ Lê Hữu Danh, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Canh Tuất đời vua Cảnh Trị (1670).

Ở Liêu Xá, giai thoại khoa bảng của dòng họ Nguyễn Danh được lưu truyền khá ly kỳ liên quan tới ngôi mộ của bà thủy tổ đời thứ 6. Chuyện kể rằng, con cháu dòng họ Lê Hữu dù có tài văn chương nhưng cứ hễ đi thi thì lại trượt.

Đến thời cụ Lê Hữu Dụng dạy học nơi xa có quen biết một người giỏi phong thủy ở Hải Dương tên là Đồ Cẩm và được người này giúp chọn đất đặt huyệt lại cho người mẹ đã quá cố của cụ Dụng.

Tuy nhiên, khi ngôi huyệt mới đào thì ngập đầy nước nên con cháu đành để tạm nồi hài cốt vào ria lũy tre làng, đợi tạnh mưa sẽ đem chôn. Khi tạnh mưa, thì chuyện lạ đã xảy ra khi nồi hài cốt đã bị mối đùn thành một gò lớn. Đồ Cảm tính toán cho rằng, ngôi mộ thiên táng là kiểu đất “ngôn kỳ đại thế” khiến đinh tài lưỡng vượng, con cháu phát phúc khoa bảng.

Quả nhiên, con trai cụ Dụng là Lê Hữu Danh sau đó đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Canh Tuất đời vua Cảnh Trị (1670). Ông làm quan đến chức Sơn Tây Hiến sát xứ sau lại được phong chức Tham chính, được phong tặng là Kim tử vinh lộc đại phu, tước Văn Uyên bá. Ông có 10 người con đều hay chữ, giỏi thơ văn, có 3 người đỗ Tiến sĩ.

 Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), ghi danh Tiến sĩ Lê Hữu Kiều và các vị đại khoa.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), ghi danh Tiến sĩ Lê Hữu Kiều và các vị đại khoa.

Trong đó, Lê Hữu Kiều là con út, khi mới được 3 tháng tuổi đã mồ côi cha, lên 4 tuổi thì mồ côi mẹ, nên được bà ngoại là Hiến phó Phạm phu nhân và cậu ruột là Vệ úy Lạc Sơn công đem về nuôi dạy. Thuở nhỏ, người ông gầy yếu nhưng lại rất thông minh, trí nhớ rất tốt. Lên 8 tuổi ông đã biết đọc sách, lên 10 tuổi thì được anh ruột là Lê Hữu Hỷ - khi đó vừa đỗ Tiến sĩ dạy dỗ.

Thế nhưng tính tình của Lê Hữu Kiều mải chơi, không chịu để chí vào việc học hành nên nhiều lần bị đòn roi. Sau đó, ông hối hận, chuyên tâm ôn luyện kinh sách, hi vọng một mai sẽ bảng vàng đề tên. Năm 18 tuổi, ông cùng với anh trai là Lê Hữu Mưu đỗ Hương giải, năm 25 tuổi đỗ khoa Hoành từ, được bổ chức quan văn trong kinh. Năm 28 tuổi, ông đỗ đầu trong hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1718).

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này có đoạn: “Bấy giờ sĩ tử dự thi hơn 3.000 người, lựa chọn hạng xuất sắc được 17 người. Ngày tháng 6 vào Điện thí, ban cho Vũ Công Tể đỗ Tiến sĩ cập đệ; Nguyễn Tuyền, Ninh Địch đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Hữu Kiều 14 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó ban áo mũ cân đai, cho dự yến Quỳnh hoa bạc, cho dựng nhà ở để được vẻ vang về làng. Lại theo lệ được ban chức tước, mưa móc như từ trời cao ban xuống, ơn nhuần rất mực long trọng”.

Ông có tài văn kiêm võ được cử làm Giám sát Thanh Hóa, quyền Hiến sát Kinh Bắc, tham dự việc các trấn Thái Nguyên, Cao Bằng và Phó Đô ngự sử. Năm 47 tuổi (1737), ông được thăng Thừa chỉ, lại thăng Hữu Thị lang bộ Công, sau đi sứ Trung Quốc, khi về được thăng Tả Thị lang bộ Công, tước Liêu đình bá.

Năm 1740, ông vào phủ làm Bồi tụng, thăng chức Đô đài, phong tước hầu, lại làm Lưu thủ ở Thanh Hóa. Năm 1742, ông làm Thượng thư bộ Công, năm đó ông lại ra làm Lưu thủ Thanh Hóa, rồi cùng Hà Tông Huân đi thị sát các quan lại và dân tình, xem xét việc phòng thủ của các đạo trước những cuộc nổi dậy của nông dân Đàng Ngoài.

Năm 1743, Lê Hữu Kiều lại trở về kinh làm Tham tụng. Ông kiến nghị với chúa Trịnh Doanh rằng kỷ luật quân lính sơ sài, xin cấp thêm quân và quan cho mặt trận và đặt chức võ quan tuần phủ. Trịnh Doanh làm theo đề nghị của ông.

Năm Giáp Tý (1744), ông vâng mệnh đi làm Đốc trấn Thái Nguyên. Năm Bính Dần (1746), làm Tham thị ở Nghệ An. Năm Mậu Thìn (1748), ông làm Thượng thư bộ Lễ. Năm Kỷ Tỵ (1749), ông làm Tham tụng, quyền hành như Tể tướng trong triều. Năm Nhâm Thân (1752), thăng Thượng thư bộ Binh, năm sau lại vào giảng bài trong điện Kinh diên. Năm Ất Hợi (1755), 65 tuổi ông về hưu được thăng Thượng thư bộ Lễ.

 Nhà thờ Đại tôn dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá.

Nhà thờ Đại tôn dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá.

Nghe theo lời khuyên của cao nhân

Liên quan đến nghiệp công danh của Tiến sĩ Lê Hữu Kiều, danh sĩ Phạm Đình Hổ chép trong sách “Tang thương ngẫu lục” kể câu chuyện lúc còn nhỏ, Lê Hữu Kiều là người phóng đãng, không chịu sự ràng buộc của khuôn phép.

Ông là học trò của Thám hoa Vũ Thạnh (người phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, nay Hà Nội, đỗ Thám hoa năm 1685, dưới triều vua Lê Hy Tông), được thầy Vũ Thạnh rất yêu quý. Lê Hữu Kiều từng giao du với Phạm Viên Chân Nhân (nhân vật bí ẩn). Tương truyền, Chân Nhân cũng là một người rất hay chữ, được chính Thám hoa Vũ Thạnh thử tài và công nhận rằng là “người làm văn này phải là bậc thần tiên”.

Vì ngưỡng mộ tài danh của Phạm Viên Chân Nhân nên Thám hoa Vũ Thạnh nhiều lần sai người đón, mời tới đàm đạo, dạy học nhưng ông không chịu đến. Lê Hữu Kiều cũng vì ngưỡng mộ tài danh đó nên bỏ học để đi theo ông mấy tháng trời. Thế nhưng, do biết chí hướng của Lê Hữu Kiều là làm quan, trong khi mình lại muốn lánh xa thế tục nên Phạm Viên Chân Nhân đã khuyên ông trở về.

Sau Lê Hữu Kiều nghe theo những lời khuyên này, về nhà tu chí học hành, làm nên công danh, sự nghiệp lẫy lừng và trở thành một tấm gương sáng ngời cho những người theo nghiệp bút nghiên.

“Nếu chẳng có lời khuyên của Phạm Viên Chân Nhân thì ắt là Lê Hữu Kiều chẳng thể nào qua cầu khoa cử để được hưởng vinh hiển suốt một đời. Mới hay, Phạm Viên Chân Nhân quả đúng là “chân nhân” – Phạm Đình Hổ đánh giá trong sách “Tang thương ngẫu lục”.

Tài năng và đức độ của Lê Hữu Kiều khiến cho một người kiêu ngạo như Lê Quý Đôn cũng phải đến xin làm học trò. Trong quá trình học tập, Tiến sĩ Lê Hữu Kiều cảm mến tài năng của học trò Lê Quý Đôn mà gả người con gái tên là Lê Thị Trang cho làm vợ, trở thành rể dòng họ Lê Hữu.

 Đại danh y Lê Hữu Trác gọi Tiến sĩ Lê Hữu Kiều là chú ruột.

Đại danh y Lê Hữu Trác gọi Tiến sĩ Lê Hữu Kiều là chú ruột.

Giai thoại “chuyển thế” của hòa thượng sư tổ

Theo gia phả dòng họ Lê Hữu, năm Tiến sĩ Lê Hữu Kiều 47 tuổi, khi đó đang giữ chức Thừa chỉ Công bộ Hữu Thị lang thì được sung làm Phó sứ sang Trung Quốc vào năm Vĩnh Hựu thứ ba triều Lê (1738).

Sau hai năm công cán ở xứ người, đoàn sứ bộ đã hoàn thành sứ mệnh và theo lệnh trở về Thăng Long. Trên đường trở về, đoàn sứ bộ dừng nghỉ chân tại Quý Châu, Trung Quốc. Quan lại địa phương ở đây thấy đoàn ngoại giao của An Nam trên đường về nước thì tiếp đón rất chu đáo. Ngoài thiết yến tiệc còn mời đoàn đi tham quan những thắng cảnh trong vùng.

Chiều hôm ấy, Phó sứ Lê Hữu Kiều khi đi du ngoạn quanh vùng thì gặp một ngôi chùa cổ có phong cảnh u tịch nên tò mò muốn ghé vào thăm. Khi vào đến nơi, ông thấy không gian thoáng đãng, cây cỏ bát ngát, cửa thiền lộng lẫy nguy nga.

Vị sư trụ trì cùng đoàn chư tăng đón tiếp thành kính. Khi đi tham quan xung quanh ngôi chùa, nhìn thấy mọi nơi đều sạch sẽ phong quang và ngăn nắp, cây cảnh, giò lan, khóm trúc đều như mới được chăm sóc cắt tỉa, khiến ông thích thú và ngỏ lời khen ngợi.

Sư trụ trì chùa nghe xong thì chắp tay thưa rằng: “Tối qua bần tăng vừa nằm chợp mắt thì thấy Đức Phật báo cho biết rằng, ngày mai sẽ có hòa thượng sư tổ về thăm chùa nên nhà chùa cần phải quét dọn sạch sẽ.

Tỉnh dậy, bần tăng đã cho chúng đệ tử trong chùa quét dọn, chuẩn bị mọi thứ để nghênh tiếp vị hòa thượng sư tổ đó. Thế nhưng, chúng tôi chờ từ sáng mà không thấy ai tới, mãi bây giờ đã xế chiều mới thấy võng lọng của quý quan hạ cố. Thật là vinh dự cho chúng tôi và chắc là ứng vào lời Phật đã báo cho biết trước vậy”.

Lê Hữu Kiều nghe vậy thì lấy làm ngạc nhiên, không hiểu sự việc thế nào. Đương lúc trẻ vốn là người ham chơi, tính tình lại hiếu thắng và rất ghét đạo Phật. Bởi thế, nghe sư trụ trì nói vậy thì tính tò mò lại càng nổi lên. Sau khi dâng hương lễ Phật xong, ông xuống thăm nhà tổ và đi vãn cảnh xung quanh chùa.

Khi đến một ngọn tháp cao to, đọc bia ghi trong tháp thì giật mình thấy tên hiệu của vị sư tổ chùa này là Tốn Trai, trùng với tên hiệu của mình. Đọc kỹ nữa thì thấy tên húy cũng giống y hệt mình là Lê Hữu Kiều.

Liên hệ với câu chuyện mà sư trụ trì vừa kể với sự việc trùng hợp tên hiệu một cách lạ lùng này, Lê Hữu Kiều nghĩ mãi mà không thể luận ra được những lẽ huyền bí bên trong đó như thế nào. Liệu mình có đúng là “đầu thai”, chuyển thế của vị sư thờ ở trong tháp kia không?

Không biết có phải vì lý do này hay không mà khi về nước, từ một người bài xích đạo Phật, Tiến sĩ Lê Hữu Kiều quay sang nghiên cứu giáo lý đạo Phật và lập một cơ sở chuyên giảng đạo Phật, người đến nghe rất đông mà chủ yếu là những nhân vật tiếng tăm. Các chúa Trịnh Minh Vương (Trịnh Doanh), Trịnh Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) ban chức hòa thượng cho nhiều vị sư, trong số đó nhiều người là học trò của ông.

Theo lời kể, khi Tiến sĩ Lê Hữu Kiều còn sống đã cho tạc tượng mình với y phục như một nhà tu hành, trên đầu đội khăn nhiễu màu tím quấn hình chữ nhân, mình mặc chiếc áo dài màu nâu, xổ vắt chéo kiểu áo nhà chùa. Sau khi ông qua đời, bức tượng ấy được đặt trong khán thờ, trước khán thờ có khắc hai chữ Tốn Trai thếp vàng.

Lê Hữu Kiều là một người văn võ song toàn, từng làm thượng thư nhiều bộ, ba lần được bổ làm Tể tướng. Hơn 40 năm làm quan, dưới 5 đời vua và 4 đời chúa, công lao đức vọng nổi tiếng một thời.

Ông còn góp phần không nhỏ trong giáo dục và tuyển chọn nhân tài khi nhiều lần được cử làm Tri Cống cử, trực tiếp tổ chức các kỳ thi Hội tìm kiếm nhân tài cho quốc gia. Với sự cẩn trọng và uy tín, ông đảm bảo mỗi kỳ thi diễn ra công bằng, góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự tài đức cho triều đình.

Khi ông về được vua Lê Hiển Tông ban cho câu đối vào lá cờ thêu: “Tại triều, tại quân, văn kiêm vũ/ Vu quốc, vu gia, hiếu tố trung” (Khi ở triều, khi ở quân văn mà kiêm võ/ Với nước, với nhà lấy hiếu làm trung), và “Ốc ưu quốc sủng cung tam mệnh/ Thanh bạch gia phong mỹ tứ tri” (Ơn nước dồi dào được làm Tể tướng 3 lần/ Nếp nhà thanh bạch như Dương Chấn).

Theo gia phả dòng họ và các tư liệu đăng khoa, dòng họ Nguyễn Hữu có cả thảy 6 người đỗ đại khoa, gồm: Lê Hữu Danh đỗ Hoàng giáp năm 1670, Lê Hữu Hỷ đỗ năm 1700, Lê Hữu Mưu đỗ năm 1710, Lê Hữu Kiều đỗ năm 1718, con cụ Lê Hữu Kiều là Lê Hữu Dung đỗ năm 1775, cháu họ là Lê Trọng Tín con anh trai Lê Hữu Mưu đỗ năm 1748.

Dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá được đánh giá vào hàng danh gia vọng tộc, với 6 người đỗ Tiến sĩ thời Hậu Lê và một đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (gọi Tiến sĩ Lê Hữu Kiều là chú). Cả 7 người con nổi tiếng của dòng họ Lê Hữu đều là đại thần của nhà Lê. Và đây cũng là dòng họ duy nhất ở Việt Nam thời phong kiến mà trong một gia đình có 4 cha con đều đỗ Tiến sĩ. Đặc biệt, cụ Lê Hữu Kiều sau khi đỗ đạt rồi ra làm quan và có tới 3 lần làm Tể tướng - người đứng đầu các quan trong triều đình nhà Lê trung hưng.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-khoa-bang-ba-lan-duoc-chon-lam-te-tuong-post720264.html
Zalo