Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch 'Giấc mơ của em' (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.
Dự án được thực hiện bài bản theo quy chuẩn nhạc kịch chuyên nghiệp qua các khâu chuyển ngữ - chuyển thể kịch bản, sáng tác âm nhạc, tổ chức diễn đọc tại Hàn Quốc (do các nghệ sĩ Hàn Quốc trình diễn) và tại Việt Nam (do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn).
"Giấc mơ của em" được chuyển thể từ kịch bản sân khấu của tác giả Nguyễn Thị Thanh Thanh - người đạt giải nhất ''Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em tại Việt Nam'' với chủ đề "Câu chuyện của Việt Nam chạm tới thế giới". Cuộc thi do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc) tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nước, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phát động trong năm 2023 - 2024.

Diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" phiên bản Hàn Quốc. Ảnh: NHTT
"Giấc mơ của em" kể về Linh - một cô bé nghèo sinh ra với cơ thể không được lành lặn như bạn bè đồng trang lứa, khiến cuộc sống của Linh như một hành trình không ngơi nghỉ với biết bao khó khăn, thiếu thốn và cô đơn. Nhưng Linh vẫn giữ trong mình một ngọn lửa mãnh liệt, đó là ước mơ sáng tạo ra công nghệ giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Không lựa chọn từ bỏ, vượt qua bao khó khăn và xung đột, cuối cùng Linh đã thực hiện được ước mơ, chữa lành tâm hồn và xây dựng được vòng tròn tình bạn đáng quý, khẳng định sự trưởng thành của bản thân.
Không đơn thuần là câu chuyện cảm động về một cô bé có nhiều thiệt thòi, dám theo đuổi ước mơ, "Giấc mơ của em" khiến chúng ta phải nhìn lại. Trong thế giới hiện đại - nơi công nghệ phát triển nhanh chóng, nơi giá trị con người đôi khi bị lu mờ trước vật chất - thì chính ước mơ của Linh lại là tiếng nói mạnh mẽ nhất, nhắc nhớ về những giá trị căn bản của lòng nhân ái, sự sẻ chia, niềm tin vào những điều tốt đẹp.
Tại buổi diễn đọc vừa diễn ra ở thành phố Guri, khán giả Hàn Quốc đã được trải nghiệm trước thông điệp ý nghĩa và tầm nhìn nghệ thuật của "Giấc mơ của em" thông qua phần trình diễn mộc mạc mà sâu sắc. Với phần đọc thoại sống động và biểu diễn âm nhạc giàu cảm xúc của các diễn viên, khán giả cảm nhận được rõ nét tâm hồn và câu chuyện của từng nhân vật.

Diễn đọc là hình thức công diễn thử ban đầu của một vở nhạc kịch, nơi diễn viên diễn đọc kịch bản và trình bày các bài hát chủ đạo mà không cần sân khấu phức tạp hay ánh sáng cầu kỳ. Ảnh: NHTT
Đây là cơ hội quý báu để không chỉ ê-kíp sáng tạo và các chuyên gia, cũng như những khán giả lần đầu tiếp xúc với diễn đọc có thể hình dung hành trình mà "Giấc mơ của em" sẽ phát triển trên sân khấu chính thức trong tương lai tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, buổi diễn đọc nhạc kịch “Giấc mơ của em” phiên bản Việt Nam do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn sẽ diễn ra vào tháng 10. Vở diễn chính thức sẽ ra mắt trong năm 2026 và dự kiến tham dự các hoạt động trình diễn tại Hàn Quốc sau đó.
Sau thành công của các dự án nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” và “Zorba - Chú mèo thám tử”, “Giấc mơ của em” tiếp tục là dự án nhạc kịch dành cho thiếu nhi được Nhà hát Tuổi trẻ triển khai hợp tác sản xuất theo mô hình nhạc kịch gia đình hiện đại, với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia Hàn Quốc; đồng thời là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ Việt Nam học hỏi và trưởng thành trong môi trường nhạc kịch chuyên nghiệp.

Ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ - Nhà hát SangsangMaru và Quỹ Văn hóa Guri
Bên cạnh khuôn khổ sự kiện, NSƯT. Nguyễn Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã tham gia ký kết văn bản ghi nhớ nhằm thiết lập quan hệ hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ - Nhà hát SangsangMaru và Quỹ Văn hóa Guri (Guri Foundation). Sự kiện nhằm tạo nền tảng hợp tác giữa ba tổ chức nhằm đóng góp vào sự phát triển của các dự án văn hóa và nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nhạc kịch dành cho trẻ em, gia đình và thanh thiếu nhi, tạo nền tảng cho các dự án nhạc kịch chung cũng như các sáng kiến giao lưu quốc tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Ba bên đã thống nhất phối hợp phát triển, chuyển giao công nghệ dàn dựng và biểu diễn nhạc kịch, từ khâu đào tạo, sản xuất đến quảng bá, nhằm tạo ra những tác phẩm chất lượng, hấp dẫn với khán giả Việt Nam. Trọng tâm hợp tác là thúc đẩy nghệ thuật nhạc kịch mang tính nghệ thuật, giáo dục và giải trí cao, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho trẻ em và gia đình Việt Nam.