Nhà Gươl - Biểu tượng văn hóa thiêng liêng của người Cơ Tu
Trong đời sống cộng đồng người Cơ Tu ở Đà Nẵng, nhà Gươl không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo, mà còn là linh hồn văn hóa - nơi kết tinh bản sắc, niềm tin và sự gắn bó thiêng liêng giữa con người với cộng đồng, thiên nhiên và thần linh.

Nhà Gươl là biểu tượng văn hóa mà đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục gìn giữ

Điểm đặc biệt trong kiến trúc nhà Gươl là hệ thống cột chống chắc chắn, gồm một cột cái (còn gọi là cột bố) đặt ở vị trí trung tâm, được xem là xương sống của già làng - người đứng đầu đại diện cho uy tín, trí tuệ của cộng đồng; và các cột con xung quanh, tạo nên một kết cấu hài hòa, bền vững

Nhà Gươl thường được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống, mái lợp bằng lá nón hoặc lá mây, có hình dáng cao vút và vững chãi. Trên các cây xà ngang và xà dọc thường được trang trí các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu hay hoa văn trang trí in đậm bản sắc người Cơ Tu

Ở gian giữa nhà Gươl ban thờ Bác Hồ được bố trí trang trọng, thể hiện sự tôn kính của người Cơ Tu đối với Bác

Cây cột cái được xem là linh hồn của nhà Gươl. Cột cái nhà được trang trí các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu hay hoa văn in đậm bản sắc người Cơ Tu

Ở hai đầu hồi mái nhà gắn tượng gà trống - loài vật biểu trưng cho sự tỉnh thức, báo hiệu ngày mới bắt đầu

Trên những tấm lan can, vách ngăn quanh nhà Gươl là nơi các nghệ nhân dân gian Cơ Tu sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, miêu tả hình tượng con người, thế giới thiên nhiên và cuộc sống xã hội

Nhà Gươl còn là biểu tượng cho sự trường tồn của văn hóa Cơ Tu - nền văn hóa gắn với rừng núi, với lễ hội, với nghệ thuật dân gian, và đặc biệt là với tinh thần cộng đồng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Trong Gươl, không ai được cãi vã hay gây mất đoàn kết; mọi người đều phải yêu thương, giúp đỡ nhau

Không giống như những công trình chỉ có giá trị vật chất, nhà Gươl còn mang chức năng giáo dục truyền thống sâu sắc. Đây là nơi các già làng truyền dạy cho thế hệ trẻ về phong tục, tập quán, luật tục và những bài học đạo đức: sống đoàn kết, tôn trọng cộng đồng, biết ơn tổ tiên

Ngày nay, cùng với nỗ lực bảo tồn của chính quyền địa phương, cộng đồng người Cơ Tu đang từng bước khôi phục các ngôi nhà Gươl, tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống… như một cách giữ gìn ký ức văn hóa giữa thời đại hiện đại hóa và toàn cầu hóa
ĐỨC HOÀNG