Nhà giàu Hàn Quốc cũng đang mua đồ hiệu giả
Không lén lút, giữ kín vì sợ bị phán xét như trước, nhiều người dân xứ củ sâm, thậm chí có giới nhà giàu, xem việc dùng hàng nhái là bình thường, là cách 'mua sắm thông minh'.
Tại Hàn Quốc, một hiện tượng đang nổi lên là ngày càng nhiều người khoe mình sử dụng hàng nhái, mua được các món "đồ hiệu" với giá rất thấp "chưa đến một phần mười giá gốc". Họ tự hào khi các sản phẩm mình mua giống hệt hàng thật và được nhiều người trên mạng xã hội khen ngợi cách "mua sắm thông minh".
Trong bối cảnh này, việc dùng hàng nhái cũng được coi là "thực tế", còn khăng khăng mua hàng chính hãng tại các cửa hàng bách hóa bị xem là phô trương, theo The Chosun Daily.
Cùng với đó, thuật ngữ "hàng giả" từng được sử dụng rộng rãi, hiện phần lớn được thay thế bằng những từ nhẹ nhàng hơn như "hàng mô phỏng", được mô tả là siêu giống hàng thật.
Không giống trước đây, việc mua hàng giả thường được giữ kín vì sợ bị phán xét, nhiều bài đăng trên các trang cộng đồng trực tuyến dành cho phụ huynh ở xứ củ sâm hiện còn công khai danh sách các cửa hàng bán hàng hiệu giả "giống đến mức không thể phân biệt với hàng thật". Danh sách này thường được ngụy trang dưới dạng mẹo du lịch và được coi như quà lưu niệm.
Thị trường hàng giả cũng hoạt động ngày càng tinh vi. Nhân viên bán hàng có thể không đeo găng tay trắng để cầm túi cho khách như trong cửa hàng đồ hiệu thật, song những chiếc túi ở đây vẫn được đóng gói với lớp túi chống bụi và hộp giống hệt hàng chính hãng.
Các mặt hàng như vòng tay, giày dép cũng tương tự. Với những khách hàng thận trọng, người bán sẽ kín đáo đưa danh thiếp có in tài khoản mạng xã hội để tiện liên lạc lần sau. Nhiều người Hàn Quốc cũng đổ xô đến các chợ hàng giả ở Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc) mua sắm.
Khách hàng có nhu cầu cũng có thể dễ dàng tiếp cận hàng hiệu giả mà không cần ra nước ngoài. Ví dụ, một nhà cung cấp bán một chiếc vòng cổ Tiffany & Co., vốn có giá khoảng 400.000 won (274 USD), chỉ với giá 118.000 won (90 USD). Một khách hàng đăng bài phản hồi sản phẩm hôm 6/1: "Cái này hoàn hảo để làm quà tặng. Bạn gái tôi rất thích nó".
Các cửa hàng ở dưới bến xe buýt tốc hành khu Gangnam (Seoul) cũng là địa điểm nổi tiếng bán hàng hiệu nhái, nơi những thương hiệu xa xỉ như Chanel, Burberry rất phổ biến. Các loại hàng nhái này thường được ghi là "phong cách + tên thương hiệu", ví dụ "phong cách Chanel", kiểu ghi được công nhận rộng rãi là ám chỉ hàng giả. Tương tự, các cửa hàng online hay trên mạng xã hội thường dùng chữ viết tắt như "st." (ví dụ: Chanel st.).
Theo nhân viên tại các cửa hàng đồ xa xỉ, cần nhìn ra được những điểm khác biệt nhỏ nhoi để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả.
"Nếu một thiết kế mới kết hợp các yếu tố từ các mẫu cũ hơn, có các hình khắc quá sắc nét hoặc có bề mặt bóng bất thường, thì đó có thể là hàng giả", một nhân viên cho biết. Điều thú vị là một số hàng giả cao cấp thậm chí được cho vượt trội hơn hàng thật về chất lượng đường khâu và tay nghề thủ công tổng thể.
Song Ji-yeon, làm việc tại Tập đoàn Tư vấn Boston, nhấn mạnh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.
"Trước đây, người mua hàng giả chủ yếu là nhóm hạn hẹp về kinh tế. Bây giờ, ngay cả nhóm trung lưu và giàu có cũng đang mua hàng nhái để dùng hàng ngày, và chỉ dùng đồ thật cho những dịp đặc biệt", Song nói.
Song nhận định rằng thực tế việc mua hàng giả ngày càng phổ biến còn đến từ nguyên nhân nhiều người lo ngại dù có trả đúng giá cũng chưa chắc mua đúng hàng thật, "đặc biệt khi những tranh cãi xung quanh các sản phẩm giả được bán trên các nền tảng thương mại điện tử tiếp tục gia tăng".