Nhà giáo, 'ông nội' Nguyễn Xuân Khang

Hiếm có hiệu trưởng nào được học sinh trìu mến gọi là 'ông nội' như thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội). Câu chuyện về người thầy giáo từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống và giàu lòng nhân ái đã trở thành hình ảnh đẹp về sự tận tụy cùng tình yêu thương vô bờ dành cho thế hệ trẻ.

Nhà giáo của nhân dân

Là hiệu trưởng một ngôi trường nổi tiếng, khang trang, cơ sở vật chất hiện đại, đoạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc như Trường Marie Curie, nhưng phòng làm việc của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang lại giản dị đến bất ngờ. Trong phòng không có bằng khen hay huy chương, mà chỉ có những bức ảnh thầy chụp cùng học trò và những tấm thiệp do học trò tặng. Thầy chia sẻ: "Thầy không có gì ngoài tấm bằng cử nhân hàng chục năm, không có học hàm, không có danh hiệu, cũng không có giải thưởng. Thầy chỉ là một nhà giáo của nhân dân".

Thầy Nguyễn Xuân Khang là một trong những học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 1968, thầy theo học ngành vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và giữ vai trò lớp phó trong một lớp học có tới 275 sinh viên. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, lớp chỉ còn hơn 70 người do nhiều bạn đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do mắt và sức khỏe không đạt yêu cầu, thầy không thể tham gia chiến trường như các bạn. Sau khi tốt nghiệp, thầy được mời ở lại Trường giảng dạy cho khối phổ thông chuyên Lý.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - "ông nội" của nhiều thế hệ học trò.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - "ông nội" của nhiều thế hệ học trò.

Thầy lúc đó rất nghèo, nghèo nhất trong số những người nghèo ở trường đại học. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn để lên lớp. Học trò nghèo, thầy cũng nghèo. Nhưng tình cảm học trò dành cho thầy là điều đáng quý nhất. Sau nhiều năm lăn lộn với giáo dục, với Trường Marie Curie, từ người nghèo nhất trong xã hội, thầy Khang giờ đã tự tin khẳng định mình không còn nghèo nữa. Đó không chỉ đơn giản là tiền bạc hay những giải thưởng cao quý mà là tình cảm, sự yêu thương và lòng biết ơn từ những học trò mà thầy đã chăm sóc, dẫn dắt suốt cuộc đời.

Trái tim người thầy

Nhắc đến thầy Khang, nhiều người không còn lạ với những dự án thiện nguyện được thầy gửi đến các thầy trò, học sinh vùng khó. Đầu năm 2024, thầy khởi động dự án xây Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie-Mèo Vạc tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Ngôi trường dự kiến tuyển sinh từ năm học 2026-2027. Trước đó, năm 2021, thầy Khang và Trường Marie Curie đã thực hiện dự án trồng 20.000 cây sa mộc tại Hà Giang. Dự án đang trong giai đoạn về đích vào cuối năm nay. Nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học ở Mèo Vạc, năm 2022, thầy đã khởi xướng dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho hơn 26.000 học sinh nơi đây với kinh phí 2 tỷ đồng/năm. Dự án này kéo dài trong 3 năm và nhận được sự lan tỏa từ nhiều trường học khác.

Khi việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc bước vào năm thứ hai, cũng là lúc thầy canh cánh nỗi lo khi kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu giáo viên. Nghĩ vậy, năm 2023, thầy đề xuất với UBND huyện Mèo Vạc về việc đào tạo 30 giáo viên Tiếng Anh địa phương thông qua hình thức cử tuyển, dự tính tổng kinh phí từ 6 đến 12 tỷ đồng. Trường Marie Curie hỗ trợ học phí, ăn ở cho các sinh viên tham gia dự án với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Hiện đã có 17 sinh viên tham gia và dự kiến sẽ tuyển thêm 13 em trong năm tới.

Trong lúc thầy đang bộn bề với việc thực hiện cùng lúc 4 dự án lớn, kinh phí cả trăm tỷ đồng cho huyện Mèo Vạc thì tin tức về vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khiến nhiều đứa trẻ bỗng chốc mồ côi bố mẹ, hay chỉ còn bố hoặc mẹ khiến thầy không khỏi xót xa. Rất nhanh sau đó, “Dự án nuôi trẻ em và học sinh Làng Nủ sau lũ quét” được thầy triển khai. “Tôi nhận được danh sách học sinh bị thương sau lũ quét của cô Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên). 13 em mất, 7 em bị thương, danh sách ở trên bàn làm việc của tôi mấy hôm nay và cứ nhìn vào là tôi bật khóc. Giá như nhận được một danh sách bình thường với đầy đủ ngày sinh, lớp học của các em, không có “bôi vàng, bôi đỏ” thì hạnh phúc biết bao”, thầy Khang xúc động nói.

Khi chưa thể có danh sách đầy đủ, thầy quyết định hỗ trợ ngay những trường hợp đã nắm bắt được. Trong số này có em Nguyễn Văn Hành, học sinh lớp 12, Trường THPT số 1 Bảo Yên (huyện Bảo Yên). Sau trận lũ quét qua Làng Nủ, Hành bơ vơ không còn gia đình. Thầy Khang kết nối với cô Nguyễn Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Yên và nói chuyện với em Hành qua điện thoại. Hành kể cho thầy nghe: “Con bị gãy xương quai xanh, đầu gối bị va đập, toàn thân xây xát... vì lũ cuốn”. Biết Hành không còn muốn đi học và sẽ đi làm để kiếm sống, thầy Khang nói: “Con hơn cháu nội út của thầy một tuổi. Vậy con đồng ý để thầy nhận con là cháu nội được không?”. Câu nói của thầy khiến Hành có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục đến trường. Ngoài khoản 3 triệu đồng hằng tháng hỗ trợ Hành ăn học, bất cứ khi nào có việc cần thêm, Hành đều có thể nói với “ông nội”. Thầy cũng đưa tiền nhờ cô giáo mua giúp cho Hành một chiếc điện thoại để ông cháu thi thoảng nói chuyện. Đáp lại tấm lòng của “ông nội”, Hành hứa sẽ chăm chỉ học tập để tốt nghiệp THPT, còn kế hoạch tương lai ra sao sẽ báo lại với ông vào cuối năm học.

Cuộc đời và sự nghiệp của thầy Nguyễn Xuân Khang đã minh chứng rõ nét cho tinh thần giáo dục vị tha, vì học sinh và vì xã hội của những người làm thầy. Hình ảnh đó đã và đang truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học sinh và người dân Hà Nội.

Trong quá trình lãnh đạo, điều hành Trường Marie Curie, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Thầy được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022.

Bài và ảnh: TƯỜNG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/nha-giao-ong-noi-nguyen-xuan-khang-796114
Zalo