Nhà đầu tư sợ hãi khiến 6.400 tỉ USD 'bốc hơi' khỏi thị trường tài chính toàn cầu

Tỉ giá hối đoái của đồng Yên Nhật có sức mạnh chi phối quan trọng với thị trường tài chính toàn cầu.

Phiên giao dịch ngày đầu tuần trên thị trường tài chính toàn cầu, nhà đầu tư đã đồng loạt chứng kiến nhiều cú sốc.

 Theo một chuyên gia về lịch sử thị trường tài chính tại Goldman Sachs, tỷ giá hối đoái của đồng yên Nhật có sức mạnh chi phối quan trọng với thị trường tài chính toàn cầu - Ảnh: Bloomberg

Theo một chuyên gia về lịch sử thị trường tài chính tại Goldman Sachs, tỷ giá hối đoái của đồng yên Nhật có sức mạnh chi phối quan trọng với thị trường tài chính toàn cầu - Ảnh: Bloomberg

Thị trường chứng khoán Nhật mất đến 12% ngay trong một phiên, đây cũng là phiên giảm rất sâu của toàn thị trường chứng khoán châu Á. Thị trường Hàn Quốc mất 9% trong phiên.

Chỉ số cổ phiếu TAIEX của thị trường Đài Loan hạ 8,4%, phiên hạ mạnh chưa từng có. Tại các thị trường châu Á khác, chỉ số Straits Times của thị trường Singapore mất hơn 4%, chỉ số ASX 200 của thị trường Australia hạ hơn 3%.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần cũng tiếp diễn đà giảm từ trước đó của thị trường châu Á. Chỉ số Dow Jones hạ hơn 1.000 điểm tương đương 2,6%. Chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq lần lượt mất 3% và 3,43%. Chỉ số VIX, chỉ số đo lường biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, tăng vọt lên ngưỡng cao nhất trong 4 năm.

 Các thị trường tài chính Mỹ và châu Âu đồng loạt sụt giảm rất mạnh do dòng tiền bị rút ra Nguồn: Google Finance

Các thị trường tài chính Mỹ và châu Âu đồng loạt sụt giảm rất mạnh do dòng tiền bị rút ra Nguồn: Google Finance

Tính chung, trong vòng chỉ 24 tiếng qua, 6.400 tỉ USD giá trị vốn hóa thị trường đã bị “thổi bay” trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Theo một chuyên gia về lịch sử thị trường tài chính tại Goldman Sachs, tỉ giá hối đoái của đồng Yên Nhật có sức mạnh chi phối quan trọng với thị trường tài chính toàn cầu. Cũng chính ông này từng cảnh báo nhà đầu tư tài chính tại Mỹ cần phải quan tâm đến diễn biến tỉ giá đồng Yên chứ không phải chỉ tính toán đến các số liệu kinh tế Mỹ trong các đánh giá tài sản của mình.

Nhà đồng sáng lập tổ chức đầu tư ERIC, ông Russell Napier, phân tích những diễn biến mới nhất trên thị trường tài chính toàn cầu sẽ có thể có ảnh hưởng mạnh đến thế nào đến diễn biến thị trường tài chính Mỹ.

Theo phân tích của ông Napier, nhiều nhà đầu tư Mỹ chưa đánh giá được chính xác mức độ liên kết chặt chẽ giữa cấu trúc chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Nhật với giá các loại tài sản ở Mỹ, nó trái ngược với quan điểm khá phổ biến đã tồn tại lâu là nước Mỹ không chịu các tác động từ yếu tố châu Á.

Trong tháng 7, tỉ giá đồng Yên tăng khoảng 8% so với USD. Phiên ngày 5-8 tại châu Á, đồng Yên có lúc tăng giá 3,4% so với USD, đạt 141,675 yên/USD. Đáng nói, kỳ vọng và đồn đoán về việc Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sớm can thiệp để nâng tỷ giá đồng yên đã được phản ánh vào thị trường từ trước, thế nhưng khi BOJ thực sự hành động vào ngày thứ Năm tuần trước, thị trường đã thực sự bị sốc.

Khi mà BOJ phát đi thông điệp rõ ràng về việc đã nâng lãi suất đồng Yên và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai, nó đã khiến cho nhiều nhà đầu tư tham gia vào hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) trở nên sợ hãi. Carry trade là khi nhà đầu tư đi vay một đồng tiền có lãi suất thấp như đồng yên để đầu tư vào những đồng tiền khác hoặc tài sản ở những thị trường có lãi suất cao hơn

Dòng tiền rời khỏi thị trường chứng khoán bởi nhiều nhà đầu tư bắt buộc phải bán các tài sản họ đang nắm giữ tại khắp nơi để trả lại các khoản vay từ trước đó bằng đồng yên để ngăn chặn khả năng thiệt hại mạnh hơn trong trường hợp đồng yên tăng giá lên ngưỡng hơn.

Chỉ riêng trong tháng vừa qua, đồng Yên đã tăng giá đến 8% so với đồng USD, với thông điệp mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật, xu thế này được dự báo sẽ không dừng lại, chính vì vậy các nhà đầu tư carry trade buộc phải hành động. Dòng tiền bị rút ra khỏi các thị trường tài chính, hoảng loạn dây chuyền dẫn đến các thị trường tài chính đồng loạt giảm.

Đà tăng mạnh của đồng yên khiến thị trường càng tin vào khả năng hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) đã đến lúc thoái trào.

“Tính chất dễ tổn thương của giá cổ phiếu ở Mỹ trước sự tăng giá của đồng yên đã được thể hiện rõ. Điều này cảnh báo về những hậu quả đối với giá tài sản ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác từ những thay đổi trong chính sách tiền tệ ở phương Đông”, chuyên gia nhấn mạnh.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/nha-dau-tu-so-hai-khien-6400-ti-usd-boc-hoi-khoi-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-post803827.html
Zalo