Nhà đầu tư phim 'Địa đạo' tiết lộ bất ngờ về điểm hòa vốn và ẩn ý cho giới CEO
Địa đạo không chỉ là một bộ phim, mà còn là bài học về tinh thần vượt nghịch cảnh trong kinh doanh.
Ngày 26/4, sau khi 1.000 CEO cùng tham dự buổi chiếu phim Địa đạo, các lãnh đạo doanh nghiệp và các bạn trẻ đã có cuộc trò chuyện đặc biệt với ông Nguyễn Thành Nam - nhà đầu tư bộ phim, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FPT về chủ đề “Địa đạo văn hóa doanh nghiệp và tinh thần vượt qua nghịch cảnh trong kinh doanh”.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Nam cho biết, ông thường nhận được câu hỏi liên quan đến khả năng thu hồi vốn và doanh thu của bộ phim Địa đạo. Tuy nhiên, theo ông, thành công của bộ phim không thể đo đếm bằng những con số tài chính thông thường.

Nhà đầu tư phim Địa đạo giao lưu với 1.000 CEO.
“Nếu tính đúng chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của Hollywood, bộ phim có thể cần tới 100 triệu USD. Nhưng trên thực tế, số tiền tôi đầu tư chỉ là phần rất nhỏ so với công sức to lớn mà rất nhiều người đã chung tay đóng góp. Các diễn viên nổi tiếng đều sẵn sàng nhận cát-xê thấp hơn mức bình thường, mọi người cùng chung tay vì một tinh thần chung,” ông Nam chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, giá trị lớn nhất của Địa đạo chính là sự đóng góp tự nguyện và tinh thần gắn kết của toàn bộ ê-kíp sản xuất. "Hòa vốn ở đây có nghĩa là bộ phim chạm được tới cảm xúc của người xem, mang lại cho họ sự đồng cảm và suy ngẫm. Khi các bạn xem phim thấy hay thì chúng tôi coi như đã hòa vốn rồi," ông Nam dí dỏm nói.
Bên cạnh câu chuyện làm phim, ông Nguyễn Thành Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh. Theo ông, tinh thần “chiến tranh nhân dân” vốn gắn liền với sự bền bỉ, kiên cường và sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn hoàn toàn có thể vận dụng vào môi trường doanh nghiệp hiện đại.

Địa đạo văn hóa doanh nghiệp và tinh thần vượt qua nghịch cảnh trong kinh doanh là chủ đề cuộc trò chuyện
Lấy ví dụ từ bộ phim Địa đạo, nơi các chiến sĩ du kích phải đối đầu với những đối thủ mạnh vượt trội với đầy đủ xe tăng, máy bay, ông Nam nhấn mạnh: “Câu chuyện ở đây là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tìm cách để giành chiến thắng.”
Ông kể lại trải nghiệm năm 2000, khi đưa phần mềm Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ – nơi mà phần lớn người Mỹ khi đó chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh. "Chúng tôi tin rằng, nếu ngày xưa các bậc cha anh có thể làm nên những điều kỳ diệu, thì mình cũng không có lý do gì để bỏ cuộc," ông nói. Dù thừa nhận đã có nhiều người bỏ cuộc, ông Nam khẳng định, điều quan trọng là phải kiên trì vượt qua.
“Doanh nghiệp muốn vận dụng được tinh thần chiến tranh nhân dân thì phải tự tạo ra một ‘cuộc chiến’ cho riêng mình. Phải dựng lên một ‘kẻ thù’. Đó có thể là đối thủ cạnh tranh hoặc một mục tiêu thách thức để còn có động lực phấn đấu, nỗ lực đánh bại,” ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông nhắn nhủ tới các CEO trẻ: "Điều đầu tiên các bạn cần là làm cho người khác tin mình. Các bạn phải có giá trị thực sự để người khác đi theo, chứ không phải đi theo các bạn".